TP.HCM gửi công văn khẩn chỉ đạo ứng phó áp thấp nhiệt đới
TP.HCM đang khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó với cơn áp thấp nhiệt đới. |
Trong công văn, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND 24 quận, huyện triển khai ngay phương án phòng chống để chủ động đối phó với cơn áp thấp có khả năng ảnh hưởng đến TP.
Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP phải phối hợp với UBND các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền đang hoạt động.
Những nơi trên cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơ áp thấp và bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ. Đối với các tàu thuyền đã vào bờ phải neo đậu đúng nơi quy định. Cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ số tàu thuyền đang hoạt động tại ven bờ, cửa sông.
Cũng theo UB, tùy theo diễn biến của áp thấp sẽ quyết định cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản, các loại phương tiện thủy ra khơi, xuất bến hoạt động hay không.
Ảnh mây vệ tinh khu vực Nam Bộ lúc 14h15 ngày 4/11. Ảnh: Google Earth |
Trong khi đó Chủ tịch UBND các quận, huyện triển khai ngay phương án huy động vật tư, phương tiện, lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội, công an… giúp dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị ngay các phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn và đảm bảo các dịch vụ hậu cần mà trươc hết là lương thực, nước sạch, ánh sáng.
Bộ tư lệnh TP, Bộ đội Biên phòng, CATP, CS PCCC… chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng huy động các phương tiện như tàu, ca nô, xe tải, thiết bị thông tin, nhà bạt, phao cứu hộ, áo phao… để tham gia sơ tán, di dời dân.
Sở Giao thông vận tải triển khai biện pháp chặt tỉa cây xanh dễ đổ, đảm bảo giao thông thông suốt tại các tuyến đường huyết mạch, bố trí lực lượng hướng dẫn, điều tiết tại các bến đò dọc, ngang.
Tổng công ty Điện lực TP cần bảo đảm nguồn điện liên tục cho cơ quan, đơn vị chỉ đạo, thông tin liên lạc… và lập tức cắt điện ở những khu vực ngập lụt sâu, nhanh chóng khắc phục nếu đường dây bị hư hỏng.
Ngoài ra sở Xây dựng và cần chủ động kiểm tra để đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng như giàn giáo, trụ tháp, chung cư cũ xuống cấp, trong khi Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra việc chằng chống các biển quảng cáo, pa nô.
Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn TP cũng được yêu cầu không tổ chức các hoạt động tham quan, ngoại khóa tại khu vực huyện Cần Giờ, và tùy theo tình hình để quyết định việc nghỉ học của học sinh, sinh viên.
Do hoàn lưu cơn áp thấp có thể gây mưa lớn, kết hợp với triều cường và hồ Dầu Tiếng xả nước có khả năng gây ngập nên Trung tâm chống ngập TP và các đơn vị, sở nganh cần chủ động triển khai phương án phòng chống và di dời người dân.
Thông tin thêm về cơn áp thấp nhiệt đới, vào hồi 13h ngày 3/11 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới vào khoảng 7,4 độ Vĩ bắc – 114,1 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa khoảng 250km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới áp thấp sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 13h ngày 4/11 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới chỉ còn cách đảo Phú Quý, Bình Thuận 260km về phía Đông Nam, sức gió giữ nguyên cấp độ.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên từ sáng ngày 4/11 vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Vũng Tàu có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 – 8, sóng biển cao từ 2 – 3m.