TP.HCM: Đường sắt đô thị số 1 sắp khởi công vẫn vướng mặt bằng
TP.HCM: Đường sắt đô thị số 1 sắp khởi công vẫn vướng mặt bằng
Tuyến metro số 1 sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2018 |
Ban quản lý đường sắt đô thị vừa cho biết, hiện nay, các hộ dân và các cơ quan trên địa bàn quận 1, quận Bình Thạnh và quận 9 đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Còn 3 cơ quan trên địa bàn quận 1 đang gấp rút thực hiện để bàn giao mặt bằng theo tiến độ đã cam kết với UBND TP.HCM. Theo đó, đến tháng 9 tới sẽ bàn giao xong mặt bằng.
Trong khi đó, về công tác di dời hạ tầng kỹ thuật như: đường điện, nước, thông tin liên lạc… Ban quản lý đường sắt đô thị đã ký xong hợp đồng di dời với các cơ quan chủ quản công trình hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, điện lực Gia Định, điện lực Sài Gòn, điện lực Thủ Thiêm và Trung đoàn thông tin 23 đã hoàn thành công tác di dời. Còn một số đơn vị khác cũng đang gấp rút thực hiện, sẽ bàn gian mặt bằng trống trong quý III này.
Khó khăn lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng cho việc xây dựng tuyến metro số 1 là tuyến cáp ngầm 220 KV Nhà Bè – Tao Đàn. Do tính chất kỹ thuật phức tạp, quy mô thực hiện lớn nên dự kiến phải đến tháng 2 năm sau mới hoàn thành việc di dời tuyến cáp ngầm này.
Được biết, tổng chiều dài toàn tuyến metro số 1 dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao với 14 nhà ga. Tổng vốn đầu tư là 236.626 triệu yên Nhật, tương đương 47.325,2 tỷ đồng.
Toàn dự án được chia thành 3 gói thầu, gồm: gói thầu 1 – xây dựng đoạn đi ngầm dài 2,6km, gói thầu 2 – xây dựng đoạn đi trên cao dài 17,1km và gói thầu 3 – cung cấp thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe. Theo đó, gói thầu 2 - xây dựng đoạn trên cao sẽ được khởi công xây dựng trước. Lễ khởi công vào ngày 28/8/2012 tới.
Dự kiến toàn tuyến sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào sử dụng trong năm 2018. Theo đánh giá của đơn vị này, công tác giải phóng mặt bằng đang hết sức khẩn trương, để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công như dự kiến.
Nói thêm về công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt đô thị số 2, lộ trình Thủ Thiêm – bến xe Tây Ninh, Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết, đang gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1 xây dựng đoạn Bến Thành – Tham Lương, tuyến đường sắt này đi qua các quận 12, Tân Phú, Tân Bình, quận 10, quận 3 và quận 1, ảnh hưởng đến 644 hộ dân đang sinh sống và làm ăn. Trong đó phải giải tỏa nhiều nhất là khu vực các nhà ga.
Đó là chưa kể phải di dời nhiều công trình ngầm, nổi như: lưới điện, nước và dây thông tin liên lạc để dành đất cho thi công tuyến metro số 2 này. Hiện tại, Ban quản lý đường sắt đô thị đã gửi hồ sơ ranh dự án và làm việc với một số đơn vị như: Công ty điện lực Sài Gòn, Công ty điện lực Tân Bình, Tân Phú và Hóc Môn để thống nhất mặt bằng sử dụng đất và cùng lên phương án di dời.
Duy Nguyên