TP.HCM đưa người ăn xin vào Trung tâm: Người mừng, kẻ trốn
Theo quyết định 49 ngày 18/12 của UBND TP.HCM, từ ngày 28/12 TP sẽ đưa người ăn xin, sống lang thang vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Chủ trương này cũng đã được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua. Tuy nhiên theo ghi nhận của PV Infonet, bản thân đối tượng chính của chủ trương này là những người ăn xin lại không muốn vậy.
Nhiều người lấy những đứa trẻ ra làm công cụ để kiếm tiền. (Ảnh minh họa) |
Tràn lan người ăn xin
16h30’ xa lộ Hà Nội đông nghẹt với hàng trăm ngàn phương tiện lưu thông ra vào thành phố, do đó đây cũng là một trong những “địa bàn” chủ yếu của người ăn xin. Trải dài theo con đường gần 30km này là hàng chục điểm “đóng quân” của những người này.
Bắt đầu từ ngã tư Hàng Xanh, từ nhiều tháng qua người đi đường thường xuyên bắt gặp một người khuyết tật ngồi trên xe lăn, đi qua lại để bán vé số và xin tiền người đi đường. Xuôi xuống ngã 3 dưới cầu vượt Cát Lái, là hai cụ già ngồi ngả nón quơ qua lại mỗi khi các phương tiện dừng đèn đỏ.
Tiếp tục tới ngã tư Thủ Đức là một người khuyết tật ngồi bán tăm bông, ở chiều ngược lại (cũng tại ngã tư này) là một cụ già chống gậy khập khiễng đi bán bút bi và xin tiền. Trong khi đó tại ngã ba 621 thường xuyên xuất hiện một cụ già khác đi xin người qua lại. Tại ngã tư Bình Thái (hường vào trung tâm TP) là một người đàn ông khóc áo vàng đứng lặng im ôm bình bát nhận tiền của người đi đường…
Theo quan sát của PV, dường như những người này đều thuộc một đường dây “chăn dắt” của những kẻ “ngồi mát ăn bát vàng”. Nếu chú ý, người đi đường sẽ dễ dàng nhận ra những người này liên tục được hoán đổi vị trí cho nhau sau khoảng 1 tuần.
Hai "ông sư" thường xuất hiện tại ngã tư Bình Thái. |
Bản thân PV cũng đã trực tiếp chứng kiến một kẻ “chăn dắt” xuất hiện khi xảy ra va chạm giữa người đi đường với “công cụ” kiếm tiền của ông ta. Khi đó tại ngã tư Thủ Đức, trong lúc dừng đèn đỏ một phụ nữ đi đường đã vô tình cán vỡ chiếc bút bi của cụ già nói tới ở trên đánh rơi, và lập tức cụ già này đứng chặn trước đầu xe.
Sau đó người phụ nữ này hỏi giá để đền thì cụ cho biết muốn đền 20.000 đ (giá bán lẻ là 3.000 đ/chiếc). Thấy giá quá đắt chị này đã lên tiếng cự lại thì chỉ vài chục giây sau một người đàn ông gầy nhỏ, đeo kính đen tiến lại và lớn tiếng: “Sao, sao, có chuyện gì?”.
Chỉ khi người phụ nữ đưa đúng 20.000 thì cụ già mới tập tễnh đi vào, còn người đàn ông thì xua tay: “Rồi, đi đi!”. Qua những người ở gần đây PV được biết người đàn ông là kẻ chăn dắt thực thụ. Mỗi ngày ông ta có nhiệm vụ chở những người ăn xin tới đây rồi dựng xe bên gầm cầu vượt như một lái xe ôm.
“Cả ngày ông ta nằm ườn, tới bữa thì đi mua cơm nước cho họ (người ăn xin) khi có chuyện thì chạy ra uy hiếp kiếm tiền”. – một người dân cho biết.
Người dân đồng tình
Trước chủ trương trên của UBND TP nhiều người dân tỏ ra rất vui mừng. Anh Nguyễn Vũ Hùng (ngụ phường Linh Trung, Thủ Đức) cho biết bản thân rất hy vọng lần này TP sẽ làm triệt để. “Biết rằng phải đi ăn xin là những người khổ cực, nhưng tôi không bao giờ cho tiền những người này, vì chắc chắn họ không được giữ mà tiền đều bị chăn dắt thu hết”. – anh Hùng nói.
Những người ăn xin tại ngã 3 Cát Lái. |
Trong khi đó anh Huỳnh Văn Thạch (ngụ đường Trần Não, quận 2) cũng mong tình trạng người ăn xin sẽ không còn tràn lan như hiện nay. “Nhìn họ bế đứa trẻ đứng giữa trời nắng tôi chịu không được, có cha mẹ nào lại hành hạ con như vậy để kiếm tiền. Nếu mình cho thì đứa trẻ cứ bị mang ra làm công cụ như vậy hoài”. – anh bức xúc.
Khi được hỏi quan điểm về việc này, chị Vũ Lan Phương (ngụ đường Lê Văn Việt, quận 9) cũng đồng quan điểm với chủ trương mới được đưa ra. Theo chị việc cho tiền sẽ không giúp đỡ đúng những người cần giúp mà vô tình lại tiếp tay làm giàu cho những kẻ chăn dắt, và khuyến khích những người lười lao động.
Trong khi đó dù không phản đối chủ trương của TP nhưng bà Đỗ Thị Vui cho biết vẫn sẽ cho người ăn xin nếu gặp. “Nhìn họ khổ sở tôi không đành lòng, thôi thì cứ cho họ vì biết đâu họ cực quá mới làm vậy. Số tiền cũng không lớn nên thôi kệ, mong là giúp được họ…”. – bà Vui chia sẻ.
Những kẻ lười nhác đã khiến nhiều người kiếm tiền bằng sức lực của mình bị ảnh hưởng. |
“Tôi vào nhiều lần rồi…”
Một người ăn xin tự xưng tên “Vĩnh” đã nói với PV như vậy khi được hỏi đã bao giờ ông vào trung tâm bảo trợ chưa. Theo ông thì trong đó “mất tự do” nên không vào. “Tôi muốn ở ngoài hơn, mưa nắng nhưng thích đi đâu thì đi”. Tuy nhiên khi PV đề cập đến thu nhập và hiện tượng “chăn dắt” thì ông không trả lời và đề nghị PV “đi chỗ khác”.
Không chỉ ông Vĩnh, một số người được hỏi cũng cho biết nếu TP làm như vậy họ sẽ “tạm lánh” trong thời gian này, hoặc “xui” mà bị “bắt” thì sẽ tìm cách “trốn” ra. Những người này cũng luôn lảng tránh khi nhắc đến việc bị “chăn dắt” dù không ít lần trong lúc nói chuyện PV đã bị một “người lạ” tới cắt ngang…
Theo ông Hứa Ngọc Thuận – PCT UBND TP.HCM thì. Khi đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội những người này sẽ được chăm sóc theo tiêu chuẩn của nhà nước. Sau khi phân loại, những người có địa chỉ thân nhân sẽ được thông báo và chuyển về địa phương, những người không có sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng.
Cũng theo PCT TP thì trung tâm sẽ tổ chức những lớp học nghề, văn hóa phù hợp với trình độ của các đối tượng tiếp nhận. Ông cũng nhấn mạnh đến việc sẽ tăng cường xử lý các đối tượng lợi dụng trẻ em, người già, người tàn tật để ép buộc đi ăn xin.
Khi gặp người ăn xin, người lang thang, cơ nhỡ, nhân dân có thể báo tin vào đường dây nóng tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Phòng Bảo trợ xã hội), số điện thoại: 38.292491 (trong giờ hành chính) hoặc 0903.959929 hoặc Trung tâm Hỗ trợ xã hội, số điện thoại: 35.533258 (trực 24/24 giờ).