TP.HCM: Đổi mới hoạt động trạm y tế theo nguyên lý Y học gia đình
Theo đó, thực hiện phương châm không để bác sĩ của trạm y tế “đơn lẻ một mình” trong công tác khám, chữa bệnh, Sở Y tế chọn Trạm Y tế phường 13, quận Bình Thạnh làm điểm xuất phát cho lộ trình này.
Lộ trình đã được sự đồng thuận cao của lãnh đạo các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa đầu ngành, của lãnh đạo các trung tâm Y tế và các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Hiện nay, mô hình “Phòng khám đa khoa vệ tinh” của bệnh viện quận đặt tại trạm y tế đã thành công trong việc tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu. Nếu phát triển được trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tại mỗi quận, huyện thì hầu hết các trạm y tế phải đổi mới hoạt động của chính mình. Dù đây là khó khăn, thách thức nhưng nếu làm được, việc giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối, giảm chi phí điều trị và thời gian chờ đợi cho người dân là rất lớn.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh chọn Trạm Y tế phường 13, quận Bình Thạnh làm điểm xuất phát cho lộ trình này. |
Để đổi mới hoạt động trạm y tế, bên cạnh việc cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị và nhất là danh mục thuốc thiết yếu cần thiết cho hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu đáp ứng đúng theo các quy chuẩn của Bộ Y tế, thì việc bổ sung nhân lực bác sĩ đã được đào tạo chương trình bác sĩ gia đình cho trạm là rất cần thiết.
Mỗi trạm cần đảm bảo tối thiểu 2 bác sĩ để không bị gián đoạn công tác khám, chữa bệnh khi người dân đến khám bệnh tại trạm y tế. Để thực hiện yêu cầu này, các bệnh viện và trung tâm y tế của 24 quận, huyện sẽ triển khai hoạt động luân phiên bác sĩ mỗi 6 – 12 tháng đến công tác tại trạm y tế, đồng thời các bác sĩ của trạm y tế sẽ được luân phiên “ngược” về các bệnh viện quận, huyện để nâng cao tay nghề và năng lực khám, chữa bệnh.
“Không để bác sĩ ở trạm y tế ‘đơn lẻ một mình’ trong công tác khám, chữa bệnh” là yêu cầu quan trọng thứ hai và là yêu cầu mới do chính ngành y tế thành phố đặt ra, phải được cụ thể hoá thành những hoạt động thiết thực.
Nếu như công tác tại bệnh viện, các bác sĩ dễ dàng hội chẩn với nhau khi gặp tình huống khó thì làm thế nào các bác sĩ ở trạm y tế cũng được hội chẩn như vậy. Để thực hiện yêu cầu này, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố đã cam kết thực hiện bằng hoạt động hội chẩn và tư vấn từ xa qua ứng dụng ‘app hội chẩn’ trên điện thoại thông minh.
Với ứng dụng này, các bác sĩ tại trạm y tế sẽ dễ dàng trao đổi và xin ý kiến chuyên môn ngay lập tức với các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành của các bệnh viện thành phố, và các bác sĩ của các bệnh viện thành phố cũng có thể trao đổi trực tiếp với bệnh nhân đang ngồi khám bệnh với bác sĩ ở trạm y tế.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động để hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho các bác sĩ công tác tại trạm y tế sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới như các khoá tập huấn phác đồ điều trị dành cho trạm y tế, cấp cứu cơ bản trong nhi khoa, quản lý thai sản, siêu âm, ECG… sẽ do các bác sĩ của các bệnh viện tuyến cuối của thành phố trực tiếp huấn luyện và đào tạo.
Xác định đây là hoạt động mang tính quyết định để nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, ngành y tế thành phố rất trân trọng và hoan nghênh các bệnh viện thành phố, các bệnh viện và trung tâm y tế các quận, huyện đã đồng thuận cao trong xác định trách nhiệm hỗ trợ các hoạt động thiết thực cho trạm y tế, nhằm tạo dựng niềm tin cho người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, hướng đến xây dựng hình ảnh “người gác cổng” (Gate-keeper) của ngành y tế thành phố chính là các bác sĩ trực tiếp khám, chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế và các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu khác.