TPHCM đầu tư 6 dự án y tế trọng điểm
Phối cảnh bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức |
Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới ba bệnh viện gồm: Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức do UBND TP.HCM quản lý. Nguồn vốn dự án của ba bệnh viện là từ ngân sách TP.HCM.
Trong đó, Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức có tổng mức đầu tư 1.915 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn có tổng mức đầu tư 1.895 tỷ đồng; Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi với tổng mức đầu tư 1.854 tỷ đồng với cùng quy mô gồm: khu khám điều trị ngoại trú, khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, khu hành chính hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ đảm bảo công suất quy mô 1.000 giường, hoàn chỉnh khu điều trị nội trú 500 giường bệnh. Lộ trình thực hiện ba dự án xây dựng mới BV bắt đầu khởi công từ năm 2018 và đến năm 2023 sẽ đưa vào khai thác sử dụng.
Mục tiêu đầu tư của ba dự án nhằm xây dựng các bệnh viện hiện đại, chất lượng cao, hình thành các chuyên khoa sâu với các thiết bị y khoa đồng bộ hiện đại nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và khu vực nội thành, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, trình độ chuyên môn tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe người dân tại tuyến đầu thuộc khu vực có bệnh viện và các vùng lân cận.
GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, 3 dự án bệnh viện cửa ngõ này nằm trong 6 dự án trọng điểm thuộc đề án quy hoạch ngành y tế TPHCM từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. 6 dự án gồm 5 bệnh viện: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Hiện đã có Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đi vào hoạt động, Bệnh viện Ung bướu đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để có thể đi vào sử dụng vào năm 2019.
Theo ông Bỉnh, sở dĩ thành phố chọn các bệnh viện đa khoa khu vực cửa ngõ để đầu tư, xây mới là vì ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các quận, huyện ngoại thành, các bệnh viện này còn phải đảm nhận nhiệm vụ điều trị các bệnh lý cho người dân các tỉnh lân cận.
Đến thời điểm này TPHCM đã chuẩn bị, đáp ứng đủ nguồn nhân lực. Thành phố đã tăng chỉ tiêu đào tạo từ năm 2008 khi Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP chuyển thành Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đồng nghĩa với việc được phép tăng chỉ tiêu đào tạo đại học và sau đại học. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ về công tác, hỗ trợ cho tuyến quận, huyện; trong tương lai còn hỗ trợ cho tuyến y tế phường xã. Cùng lúc đó, các bệnh viện tuyến trung tâm sẽ hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến quận, huyện với các chương trình luân phiên cán bộ công tác từ 6 tháng đến 1 năm. Ngành y tế cũng chuẩn bị với hơn 600 bác sĩ ra trường năm nay để đáp ứng đủ nhân lực cho 3 bệnh viện đa khoa khu vực sắp hình thành.