TP.HCM: Chống ngập lãng phí, không hiệu quả
TP.HCM: Chống ngập lãng phí, không hiệu quả
Đó là nhận định của PGS - TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu TP.HCM tại Hội thảo của Dự án chống ngập nước khu vực TP.HCM tổ chức sáng 7/3.
Hiện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đang hỗ trợ TP tiến hành quy hoạch trên diện tích 650 km2, bao gồm khu vực trung tâm TP, phía Nam, phía Bắc và phía Đông.
TP.HCM hiện có trên 100 điểm ngập triều cường |
Quy hoạch này tập trung vào giải pháp nâng cấp ống nước, san nền, kiểm soát triều cường cục bộ, đã được triển khai từ năm 2003 đến nay với tổng kinh phí hơn 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, TP cũng tiến hành dự án kiểm soát triều cường từ năm 2008 với 12 cống ngăn triều lớn, cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè và 170 km đê bao. Chi phí đầu tư đến nay đã lên đến gần 3 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có quy hoạch không gian TP.HCM đến năm 2025, gồm: nâng cấp hệ thống thoát nước và công trình chống ngập ở vùng A (vùng cao của TP); cải thiện hệ thống kênh sông và san nền cục bộ tại vùng B (vùng công nghiệp hóa)...
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quy hoạch này mang tính tổng hợp và có nhiều điểm trùng lắp với hai giải pháp chống ngập đang tiến hành nói trên, nhất là trùng lắp với quy hoạch tổng thể JICA.
"Trong các quy hoạch nói trên, hiện quy hoạch tổng thể JICA đang được đánh giá là rất khả quan", ông Phi nói.
Thực tế cho thấy, các dự án chống ngập lún tại TP.HCM đang thiếu sự đồng bộ trong triển khai và mâu thuẫn trong các giải pháp.
Theo dự báo, nguy cơ ngập lún tại TP.HCM là rất lớn. TP.HCM hiện có trên 100 điểm ngập triều cường. Trong tương lai, tình hình ngập sẽ còn gia tăng.
Tổng thời gian ngập là 30 ngày/năm, độ sâu ngập từ 0,15m – 0,3m, tối đa có thể lên đến 0,6m. Sụt lún đất do khai thác nước ngầm là từ 2 - 3cm/năm.
Những khu vực ngập do triều cường tập trung ở các quận 2, 7, một số khu vực quận 4, 6 và 8. Ngập gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống thông tin liên lạc, hoạt động buôn bán và giao thông của người dân.
Duy Nguyên