TP.HCM: Bế tắc phương án đổi giờ làm
TP.HCM: Bế tắc phương án đổi giờ làm
Ùn tắc trước cổng trường trước giờ tan học
Khó cụ thể, thuyết phục
Hiện tại Hà Nội đã có phương án đổi giờ học, giờ làm nhằm giảm ùn tắc, tuy nhiên nhiều ý kiến trái chiều về các phương án này đã tạo một sức ép không nhỏ cho TP.HCM khi phải xây dựng phương án cho mình.
Sau 10 năm nghiên cứu, đến nay đề án đổi giờ làm của UBND TP.HCM vẫn chưa thể áp dụng vào thực tế vì có quá nhiều vướng mắc. Hầu hết lãnh đạo các quận, huyện đều tỏ ra không đồng tình với đề án này nên việc đổi giờ học hay giờ làm vẫn còn là bài toán khó.
Lý do là vì trên 90% cán bộ hành chính cấp quận, huyện và phường, xã sống tại địa bàn mình công tác, thời gian di chuyển từ nhà tới cơ quan chỉ 10 – 15 phút. Vả lại, TP.HCM cũng khác Hà Nội là không có nhiều cơ quan Trung ương trên địa bàn nên có đổi giờ làm cũng không giảm được ùn tắc giao thông.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, thật khó để TP.HCM thực hiện được như Hà Nội trong việc áp dụng đề án này. Bởi lẽ, cách tổ chức sắp xếp về hành chính cũng như về đời sống, kinh tế, xã hội giữa hai thành phố này có nhiều sự khác biệt nên không thể áp dụng đồng nhất.
Xét trên thực tế, ông Trần Quốc Hùng, cán bộ Ban An toàn giao thông TP.HCM cho rằng, rất khó có một đề án cụ thể, thuyết phục. Báo cáo của Sở LĐTB&XH TP.HCM mới đây cũng chỉ là những đề xuất cũ, chưa có gì mới nên HĐND TP.HCM chưa thông qua mà chỉ cho làm thí điểm như lâu nay.
Được biết, dựa trên phương án bố trí lệch ca, lệch giờ làm năm 2007, hiện TP.HCM đang chỉnh sửa và bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, phương án cụ thể để báo cáo với Chính phủ vào cuối tháng 11 này hiện vẫn đang tiếp tục soạn thảo.
Nhiều hoài nghi
Trong khi nhiều lãnh đạo vẫn còn bế tắc trong cách thực hiện thì người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa tỏ ra tin tưởng với đề án này.
Ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Công ty An Thiên Lý (Q. 1) chia sẻ: “Cho dù có bố trí phương án làm lệch giờ như thế nào thì cũng chỉ là biện pháp tình thế để giải quyết các vấn đề của giao thông hiện nay. Phải chăng nó chỉ giúp giảm ùn tắc cục bộ tại một số cổng trường còn lượng xe trong thành phố vẫn không hề thay đổi".
Các doanh nghiệp sản xuất cũng trở nên bối rối khi sắp xếp giờ đi làm, tan ca của công nhân sao cho hợp lý. Vì ngoài làm ở công ty thì công nhân cũng có nhiều nhu cầu khác để ra ngoài vào giờ cao điểm, nhất là những người có con nhỏ.
Thực tế cho thấy, thời gian kẹt xe hiện nay không chỉ diễn ra trong tầm 6h đến 7h sáng, mà nó kéo dài từ 6h đến 8h30 sáng. Cho nên, nếu bố trí không khéo sẽ làm cho giờ cao điểm kéo dài ra thêm, nguy cơ ùn tắc sẽ tệ hơn vì có thể sẽ dẫm chân nhau.
Một giáo viên Trường THPT Trí Đức (Q. Tân Phú) cho hay, phương án làm lệch giờ, chỉ có thể áp dụng cho khối cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học... Hơn nữa việc giảm ùn tắc giờ cao điểm vẫn chưa cho thấy dấu hiệu khả thi khi vào buổi sáng bố mẹ vẫn đưa con đi học và không thể về nhà chờ đến giờ đi làm.
Lệch giờ, lệch ca vẫn chưa thể là phép giải hữu hiệu cho bài toán ùn tắc giao thông tại TP.HCM. Xét cho cùng nó cũng chỉ là một trong rất nhiều giải pháp tình thế. Dĩ nhiên, một giải pháp tình thế thì không thể áp dụng lâu dài để giải quyết căn cơ cho thực trạng giao thông hiện nay tại TP.HCM.
Việt Lê