TP.HCM: 530 cơ sở y tế, xử lý rác phải nộp phí bảo vệ môi trường
TP.HCM đề nghị bổ sung cơ sở y tế, xử lý rác vào danh sách đóng phí bảo vệ môi trường |
Ngày 1/3, TP.HCM đã tổ chức hội nghị phản biện ghi nhận ý kiến đóng góp về đề án điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, UBND TP.HCM đang xây dựng đề án Điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Hội nghị phản biện lấy ý kiến đóng góp về đề án do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức.
Theo UBND TP.HCM, hiện trên địa bàn có gần 2.790 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m3/ngày đêm).
Mỗi năm, TP.HCM thu 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (523 cơ sở, thải hơn 22.260m3/ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải hơn 7.880m3/ngày đêm) lại không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Các cơ sở này có lưu lượng phát sinh nước thải lớn, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không nộp phí là không công bằng. Do đó, UBND TP.HCM đề xuất bổ sung 2 nhóm đối tượng này vào danh sách thu phí nước thải công nghiệp.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng đề xuất tăng cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo hướng thu tăng phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tác động đến hành vi giảm xả nước thải ô nhiễm.
Theo đề án, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện chưa đảm bảo tính công bằng đối với các đối tượng nộp phí. Cơ sở sản xuất có lượng nước thải phát sinh từ 20m3/ngày đêm trở lên vừa phải đóng mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm, vừa phải đóng phí biển đổi. Trong khi đó, cơ sở sản xuất, chế biến có mức thải dưới 20 m3/ngày đêm chỉ phải đóng mức phí cố định.
Bên cạnh đó còn có vấn đề về mức độ, hàm lượng ô nhiễm vì có cơ sở xả thải ít nhưng ô nhiễm cao, cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải lại bị thu như cơ sở không đầu tư. Theo đó, đề án được điều chỉnh nhằm đảm bảo sự công bằng giữa những đối tượng nộp phí và khuyến khích các cơ sở sử dụng tiết kiệm, tái sử dụng nước nhằm giảm lượng nước thải xả ra môi trường. Đặc biệt, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải.
Đại biểu Tống Hữu Châu - Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật và môi trường TP.HCM cho rằng, việc đưa đối tượng các cơ sở y tế, khám chữa bệnh vào đối tượng bị thu phí nên xem xét lại, bởi trước đây thành phố đã yêu cầu các bệnh viện lớn xây dựng hệ thống xử lý của từng cơ sở.
Theo ông Châu, mục tiêu cuối cùng của đề án vẫn nhằm làm cho môi trường tốt hơn, người dân được hưởng lợi. Vì vậy thành phố nên có chủ trương bắt buộc các cơ sở y tế nếu chưa có xử lý nước thải thì phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải trong quý 3 hoặc cuối năm 2018. Ông Châu nhấn mạnh: "Trường hợp không xây dựng thì phải đóng cửa"
Bên cạnh đó, ông Châu cũng cho rằng cần phải tăng hệ số tính ô nhiễm đối với đơn vị xả thải và phải tăng danh mục các chất ô nhiễm chứ không phải chỉ có 6 chất như trong đề án.
Theo ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, các đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm 16 nhóm cơ sở như: chế biến nông lâm thủy sản; thực phẩm; thuộc da; bột giấy; cao su; cơ khí; luyện kim; nhà máy cấp nước sạch; cơ sở sản xuất khác… Cơ sở y tế và xử lý rác không nằm trong nhóm phải đóng phí.
Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở. Tổng lượng nước thải của các cơ sở thải ra khoảng 173.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, khi thu phí theo phương thức mới, dự kiến TP.HCM thu được 60 tỷ đồng/năm.
UBND TP.HCM phân tích, việc tăng mức thu phí như đề xuất sẽ tác động một phần đến đời sống xã hội. Cụ thể, phí tăng có thể làm tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến y tế, xử lý rác và từ đó tác động đến người dân.
Tuy nhiên, việc tăng phí này sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải (giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường) và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí.
Ngoài ra, nguồn kinh phí thu tăng thêm sẽ đóng góp vào ngân sách góp phần cải thiện môi trường, từ đó nâng chất lượng sống của người dân.