Tổng hợp các lỗi thường gặp khi sử dụng tủ lạnh, nguyên nhân và cách khắc phục
1. Tủ không lạnh
Có nhiều nguyên nhân khiến tủ lạnh không lạnh:
- Cửa tủ đóng không khít, viền cao su bị hở: Tủ lạnh đóng không khít có thể là do thói quen mở tủ lạnh ra "ngắm nghía" rất lâu rồi đóng không khít.
Cũng có trường hợp do viền cao su bị hỏng, bị rách nên không thể làm cửa tủ đóng kín… những điều này đều dễ làm không khí lạnh thoát ra ngoài, khiến tủ lạnh không làm lạnh. Nếu nguyên nhân từ người sử dụng, bạn chỉ cần chú ý hơn khi sử dụng tủ, nếu là do viền cao su bạn hãy liên hệ đơn vị bảo hành, sửa chữa để thay mới.
- Bị thiếu gas: Nếu gas không đủ, tủ lạnh không thể làm lạnh được, bạn nên liên hệ với đơn vị sửa chữa bơm thêm gas, tủ lạnh sẽ hoạt động tốt hơn. Bạn phải gọi thợ đến để bơm gas, không nên tự ý bơm gas tủ lạnh nếu không có tay nghề. Bơm gas vừa đủ, không bơm quá nhiều so với khuyến cáo vì bơm quá nhiều cũng có thể khiến tủ không lạnh.
- Nút chỉnh nhiệt độ tủ cài đặt quá thấp: Rất nhiều trường hợp tủ lạnh không lạnh là do tủ đang bị chỉnh ở mức làm lạnh thấp hoặc đang được cài đặt ở chế độ tiết kiệm điện. Khi phát hiện thấy tủ không lạnh, bạn nên kiểm tra xem tủ có đang được đặt ở mức làm lạnh thấp hay đang chạy ở chế độ tiết kiệm điện hay không.
- Bộ phận xả đá có vấn đề: Bộ phận xả đá không hoạt động sẽ khiến tuyết đông lại quanh các thiết bị làm bay hơi, gây "tê liệt" hoạt động của bộ phận làm lạnh dẫn đến tủ lạnh không lạnh. Lúc này bạn cần dịch vụ sửa chữa giúp đỡ khắc phục. Nên nhớ vệ sinh tủ lạnh thường xuyên để các thiết bị hoạt động tốt hơn, bền hơn.
- Công tắc đèn trong tủ lạnh không hoạt động: Công tắc đèn giúp nhận biết tủ lạnh của bạn có đang hoạt động hay không, nếu mở tủ ra không có đèn sáng hãy xem lại dây cắm, các bộ phận kết nối, nếu chúng không có vấn đề gì, có nghĩa đã có trục trặc bên trong, lúc này đừng tự sửa chữa mà hãy gọi thợ đến sửa.
- Quá nhiều hoặc quá ít thực phẩm bên trong tủ lạnh: Bạn đặt quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh nên sẽ không có đủ khoảng trống để không khí lạnh lưu thông, không thể làm lạnh thực phẩm được.
Nên xếp đồ trong tủ sao cho luồng khí lạnh trong tủ vẫn có thể lưu thông được. Trường hợp ngược lại khi có quá ít thực phẩm bên trong cũng làm tủ lạnh hoạt động không tốt, vì thế tốt nhất bạn hãy luôn duy trì một lượng thực phẩm vừa đủ trong khi tủ lạnh đang chạy.
2. Ngăn đá tủ lạnh bị đóng tuyết
- Do Rơ-le xả hay còn gọi là Timer không đóng sang tiếp điểm xả đá: bộ phận này được lắp đặt ở vị trí trong ngăn để rau, củ quả hay nằm sau lưng tủ trong phần hộp điện kế bên Compressor tùy theo thiết kế của từng loại tủ lạnh. Nhiệm vụ của nó rất quan trọng đó là chuyển mạch ngắt Compressor sang chế độ xả đá.
Khi Timer không được đóng tiếp điểm, sẽ bị ngắt chế độ xả đá làm gián đoạn quá trình xả đá, làm cháy cuộn dây mô-tơ khiến đá bị đóng cứng trong tủ lạnh.
Bánh răng tủ lạnh bị bào mòn hoặc bị kẹt do bụi bẩn hoặc khô mỡ do lâu ngày không vệ sinh khiến quá trình truyền nhiệt giảm mạnh, làm cho đá bị đóng tuyết nhiều lên trong tủ lạnh vì thế khi bạn sử dụng tủ lạnh gia đình mình bạn cần có sự bảo quản cũng như lau chùi thường xuyên để đảm bảo tủ lạnh hoạt động bình thường và không bị hỏng.
- Sò lạnh hay âm tủ lạnh không thông mạch: Sò lạnh thực chất là rờ - le xả tuyết nằm sau ngăn đá của tủ lạnh, được kẹp vào dàn lạnh để phát hiện lớp tuyết phủ đầy trên dàn lạnh.
Chức năng chính của sò lạnh là để đảm bảo thanh điện trở xả tuyết hoạt động khi có tuyết phủ đầy dàn lạnh nhằm giúp thanh điện trở hoạt động tốt hơn, ngăn chặn trường hợp thanh điện trở đốt nóng dàn lạnh khi không cần thiết. Do đó, nếu sò lạnh hư hỏng, nó sẽ khiến thanh điện trở nóng lên khi tuyết phủ đầy dàn lạnh.
- Do bị đứt cầu chì nhiệt: Cầu chì nhiệt nằm trên ngăn đá. Chức năng của cầu chỉ nhiệt là bảo vệ không cho bộ phận xả đá hoạt động quá lâu làm nóng tủ lạnh gây ra hỏng hóc. Nếu cầu chì nhiệt bị đứt, bộ phận xả đá cũng sẽ ngưng hoạt động gây ra hiện tượng đóng đá tuyết trong tủ lạnh.
- Do bị đứt điện trở gia nhiệt: Bộ phận điện trở gia nhiệt có chức năng điều khiển điện điện năng khi quá tải. Khi điện trở gia nhiệt bị đứt sẽ khó kiểm soát được lượng điện năng.
Để khắc phục tình trạng tủ bị đóng tuyết, ngoài việc sửa các bộ phận bị hỏng như trên, bạn có thể vệ sinh tủ, dọn hết tuyết để khởi động lại tủ. Trước hết bạn cần tắt hết nguồn điện cho tủ lạnh để đảm bảo an toàn khi sửa tủ lạnh và tránh lãng phí nguồn điện năng. Sau đó, bạn phải lấy hết thực phẩm trong tủ lạnh ra ngoài, lấy từ từ các khay đựng đá và ngăn đựng thức ăn ra ngoài.
Tiếp đó, bạn rút phích cắm tủ lạnh, lấy khăn khô lau khô tất cả các ngăn trong tủ lạnh. Mở tất cả các cửa của tủ lạnh ra, đồng thời cho một ca nước nóng để trong tủ lạnh mục đích cho đá nhanh tan hơn, dùng khăn mềm lau sạch lớp đá trong tủ lạnh, vệ sinh tủ lạnh. Lau lại một lần cho thật sạch bằng khăn khô.
Đặt các khay đá vào vị trí cũ, mở nguồn chờ tủ lạnh đủ lạnh rồi cho thức ăn vào sau. Để làm giảm hiện tượng đông đá trong thành tủ lạnh, bạn có thể thoa một lớp dầu thực vật quanh thành, vì dầu thực vật có độ nhờn trơn cao, nó sẽ giảm đáng kể việc nước đóng thành tuyết.
3. Lỗi tủ lạnh bị chảy nước
- Nếu tủ lạnh bị chảy nước trong ngăn đá, nguyên nhân có thể do cách sắp xếp thực phẩm bên trong ngăn đá, không dàn trải đều mà dồn về 1 phía khiến cho hơi lạnh không làm đông toàn bộ thực phẩm bên trong, dẫn đến tình trạng rã đông và chảy nước.
Một nguyên nhận khác là cửa tủ lạnh ngăn đá bị hở do vô ý không đóng chặt hoặc do cửa sử dụng lâu ngày không hít vào được, hơi lạnh bị thoát ra ngoài làm đá bên trong bị tan chảy thành nước. Ngăn đá bị tuyết bám, khi tủ đang chế độ ngắt cũng là nguyên nhân khiến lớp tuyết tan chảy thành nước tràn ra ngăn đá.
Tùy thuộc theo từng nguyên nhân mà có cách khắc phục khác nhau. Bạn chú ý cách sắp xếp thực phẩm bên trong tủ lạnh sao cho hợp lý. Nhớ đóng cửa cẩn thận sau khi mở cửa, nếu chất lượng cửa không còn đảm bảo thì nên liên hệ trung tâm bảo hành để được hỗ trợ. Nếu loại tủ lạnh bạn dùng thường bị đóng tuyết thì cần phải định kỳ làm vệ sinh cho tủ.
- Nếu tủ lạnh bị chảy nước trong ngăn mát, nguyên nhân cũng có thể do cánh cửa không được đóng kín. Ngoài ra, có thể nước rỉ ra từ thực phẩm tươi như rau, củ, quả,… do bạn mua về và bỏ ngay vào tủ lạnh, hoặc bạn đã cho quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, gây nghẽn đường thông gió giữa ngăn mát và ngăn đá.
Cách khắc phục trong trường hợp này là bạn cần bọc kín các thức ăn tươi sống như thịt cá bằng màng bọc thực phẩm hoặc cho vào hộp kín, trước khi cho vào tủ lạnh, vừa hạn chế lẫn mùi thức ă vừa ngăn nước chảy từ thực phẩm ra tủ lạnh. Bạn cũng cần kiểm tra cánh tủ đóng có khít không, kiểm tra đường thông gió (các lỗ thoát hơi lạnh) trên hai ngăn tủ lạnh bằng mắt thường xem có bị bịt kín không. Nếu thức ăn quá nhiều thì cần lấy bớt thức ăn trong tủ lạnh ra.
- Nếu tủ lạnh bị chảy nước ra sàn từ khay nước phía sau tủ, có thể khay nước tủ lạnh bị bụi bẩn bám nhiều, làm tắc lỗ thoát nước, gây nên hiện tượng tích nước và làm chảy nước ra sàn. Đôi khi, khay nước bị nứt cũng có thể làm tủ lạnh bị chảy nước. Ống cấp nước của tủ lạnh bị hỏng hoặc kết nối của ống cấp nước lỏng cũng có thể gây nên hiện tượng chảy nước.
Để khắc phục, trước tiên, bạn phải rút phích cắm của tủ lạnh để đảm bảo an toàn trong quá trình sửa chữa, lấy khay nước ra và tìm đường ống thoát nước. Kiểm tra ống xem có bị gấp khúc, tắc hay thủng ở đâu không. Nếu không được, bạn cần tiếp tục xem xét khay hứng nước có bị nứt, vết lõm hay xuất hiện lỗ hỏng nào không.
Trong trường hợp có, bạn cần gọi điện cho nơi bảo hành để thay mới. Trong trường hợp vẫn không thể ngăn nước rò rỉ, bạn cần kiểm tra ống thoát nước ở phía sau tủ xem có bị hư hoặc lỏng hay không và thay thế ống cấp nước mới trong trường hợp cần thiết.
Kiểm tra đường thông gió và đường hồi gió từ ngăn đá với ngăn bảo quản có thông nhau không nếu thông là được, nếu không thông thì bạn nên dùng máy sấy để sấy tan đá làm thông nối gió. Nếu đã làm tất cả mà tủ lạnh vẫn tiếp tục bị rò rỉ, hãy gọi thợ bảo hành đến và sửa chữa.
4. Lỗi tủ lạnh phát ra tiếng ồn lớn
- Các tấm vỏ có thể bị lỏng và rung hoặc gây ra tiếng ồn khi tủ đang chạy. Những thứ được đặt trên nóc tủ và nam châm giữ những thứ trên mặt tủ lạnh cũng có thể là nguyên nhân tủ lạnh bị ồn khi tủ đang chạy. Bạn có thể ấn vào 2 bên của tủ lạnh hoặc loại bỏ tất cả mọi thứ ra khỏi nóc tủ để xem có loại bỏ được tiếng ồn hay không.
- Nếu tiếng ồn ở dưới đáy, có thể do tủ lạnh không được cân bằng hoặc khi tủ lạnh chạy, một trong những chân tủ có thể chỉ chạm nhẹ được vào sàn nhà, vì vậy khi tủ lạnh chạy, chân đó sẽ rung hoặc "kêu ro ro" trên sàn nhà, tủ lạnh kêu to, gây tiếng ồn. Bạn cần kiểm tra cân bằng có phải là nguyên nhân hay không bằng cách nghiêng tủ lạnh để loại bỏ tất cả trọng lượng từ một phía và sau đó là phía khác. Nếu tiếng ồn dừng lại, thì vấn đề nằm ở các chân tủ lạnh và chúng cần phải được điều chỉnh.
- Nếu tiếng ồn ở bên trong tủ, có thể do tủ lạnh chống đóng tuyết và tủ có ngăn làm đá sẽ phát ra tiếng ồn trong khi chạy. Hoặc khi van nước mở để nạp lại cho ngăn làm đá, tủ lạnh sẽ phát ra tiếng ồn. Khi nước nhỏ giọt xuống các cuộn dây nóng trên mẫu tủ chống đóng tuyết, cũng sẽ có tiếng ồn.
- Nếu tiếng ồn từ phía sau, nguyên nhân là do máy nén cũ. Bạn có thể kiểm tra bằng cách kéo tủ lạnh ra khỏi tường và nghe thấy tiếng ồn đến từ khu vực thấp hơn phía sau, đó là máy nén. Trong trường hợp này, bạn có thể gọi cho chuyên gia và nhờ họ kiểm tra tủ lạnh.
5. Lỗi đèn sáng nhưng tủ không chạy
Tủ lạnh vào điện nhưng không chạy là một trong những hư hỏng cần được xử lý và khắc phục ngay sau khi phát hiện. Nếu không phát hiện sớm và sửa chữa kịp thời sẽ dẫn đến những hư hỏng nặng hơn và đặc biệt là thực phẩm nhà bạn sẽ nhanh chóng bị hư hỏng.
- Do máy nén ( block) tủ lạnh gặp vấn đề: bạn kiểm tra xem block phía sau tủ lạnh có chạy không, Nếu block không chạy, bạn kiểm tra nguồn cấp đã có ra block chưa. Nếu chưa có điện cấp ra block thì bạn kiểm tra dây điện.
Nếu đã có điện cấp ra block mà thấy block vẫn không chạy, bạn kiểm tra rơle bảo vệ và role khởi động của block còn sống hay không. Nếu rơle bảo vệ và rơle khởi động bị hư thì bạn chỉ cần thay thế là được. Nếu rơle vẫn bình thường thì có thể là block của bạn đã bị hỏng bạn cần gọi người thay thế.
- Do quạt gió tủ lạnh bị hư hỏng hoặc bị đứt dây nên không chạy: Khi quạt gió không chạy thì sẽ không thể phả hơi lạnh tới các ngăn để thực phẩm của tủ lạnh. Bạn mở cửa tủ phần trên ngăn đá ra nếu không thấy có hơi lạnh phả ra ngoài thì quạt gió của bạn đã bị hỏng. Đối với trường hợp quạt gió bị hỏng thì bạn chỉ cần đi mua quạt đúng loại đúng công suất về thay là được.
- Bị hỏng đồng hồ thời gian hoặc bị kẹt (đối với tủ lạnh bình thường): Đầu tiên bạn phải xác định vị trí xem đồng hồ nằm ở đâu, chiếc đồng hồ có thể nằm ở trong ngăn để thực phẩm hoặc phần dưới đằng sau gần block.
Khi tìm thấy đồng hồ thời gian bạn cầm lên tay xem có rung ko? Nếu đồng hồ rung là vẫn chạy, còn không thấy rung là đồng hồ đã bị hư hỏng. Lúc này bạn chỉ cần mua đồng hồ đúng loại, đúng công suất về thay là được. Nếu không tự sửa được, bạn nên gọi thợ.