Tổng giám đốc Eximbank: “Ông Lê Minh Quốc không có quyền khởi kiện”
Ngày 29/3, Eximbank có đơn khiếu nại gửi đến cơ quan các cấp về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 92 (ngày 27/3) của TAND TP.HCM
Trước đó, ngày 28/3, Eximbank nhận được Quyết định 92 buộc các bị đơn: Ông Đặng Anh Mai, ông Lê Văn Quyết, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Cao Xuân Ninh, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Yasuhiro Saitoh, ông Yataka Moriwaki, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là Eximbank; phải tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án.
Tại nghị quyết 112, HĐQT Eximbank đã thông qua việc bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc, đồng thời bầu bà Lương Thị Cẩm Tú lên thay ông Quốc.
Ông Lê Văn Quyết đại diện cho Eximbank gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. |
Nguyên đơn khởi kiện vụ tranh chấp thành viên công ty tại Eximbank là ông Lê Minh Quốc.
Trong đơn khiếu nại, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho rằng, căn cứ vào khoản 1 Điều 161 Luật Doanh nghiệp 2014 thì người khởi kiện phải có ít nhất 15% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng.
"Ông Quốc là thành viên HĐQT độc lập, không phải cổ đông của Eximbank nên không có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT như vụ án mà TAND TP.HCM đã thụ lý.
Vì nguyên đơn không có quyền khởi kiện nên yêu cầu ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái pháp luật”, Tổng giám đốc Eximbank nêu quan điểm.
Về thẩm quyền thụ lý vụ án, theo ông Lê Văn Quyết, tòa án xác định ông Lê Minh Quốc tranh chấp thành viên công ty. Tuy nhiên đối chiếu với những tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại Luật Dân sự và những yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại bộ luật này thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thì không có trường hợp nào phù hợp. Do đó, việc TAND TP.HCM thụ lý vụ kiện của ông Lê Minh Quốc là không đúng thẩm quyền.
Theo Tổng giám đốc Lê Văn Quyết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Eximbank, tránh những thiệt hại không đáng có, ngân hàng khiếu nại và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ Quyết định 92 của TAND TP.HCM.
Đồng thời đề nghị Chánh án TAND Thành phố căn cứ thẩm quyền, xem xét yêu cầu thẩm phán đình chỉ vụ án, buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp đảm bảo bồi thường thiệt hại do yêu cầu này không đúng.