Tổng cục Đường bộ “dọa" truất quyền thu phí quốc lộ 2.000 tỷ bị lún, nứt
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Văn bản số 2212 /TCĐBVN-QLBTĐB gửi Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng, Chi nhánh BOT 319 Sông Phan - Tổng công ty 319, Công ty cổ phần Đầu tư Đồng Thuận và Cục Quản lý đường bộ IV về việc xử lý các hư hỏng, bất cập của Dự án BOT cải tạo nền mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương tổ chức xử lý hoàn thành điểm đen và xử lý dứt điểm hằn lún vệt bánh xe, đặc biệt tại các vị trí, diện tích tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT); tiến độ thực hiện hoàn thành trước ngày 20/5/2016.
Sau thời gian trên, nếu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không nghiêm túc thực hiện các nội dung công việc nêu trên và các nội dung chỉ đạo của Bộ GTVT về khắc phục hằn lún vệt bánh xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tạm dừng thu phí theo quy định tại điểm đ), khoản 2, Điều 14 của Quyết định số 2777/QĐ-BGTVT ngày 3/8/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT, đồng thời sẽ báo cáo và kiến nghị Bộ GTVT hình thức xử lý tiếp theo.
Mặt đường quốc lộ 1 với những vệt hằn lún bánh xe. Ảnh: VNE |
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao Cục Quản lý đường bộ IV tiếp tục phối hợp với Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, Ban ATGT tỉnh Bình Phước và các cơ quan của địa phương để giám sát, yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khẩn trương khắc phục các tồn tại trong giai đoạn khai thác công trình của dự án. Trường hợp nhà đầu tư không nghiêm túc thực hiện, để mặt đường hư hỏng có nguy cơ gây mất ATGT thì báo cáo Tổng cục Đượng bộ Việt Nam để xử lý.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Dự án cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai theo hình thức Hợp đồng BOT do Tổng công ty 319 là nhà đầu tư, Chi nhánh BOT 319 Sông Phan là doanh nghiệp dự án, Ban QLDA 1 là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công trình hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 3/2015, thời gian bảo hành công trình là 24 tháng.
Sau khi đưa vào khai thác một thời gian, trên tuyến bắt đầu xuất hiện hiện tượng hằn lún vệt bánh xe, đặc biệt trên đoạn Km1753 ÷ Km1755, Km1793 ÷ Km 1798, Km1816 ÷ Km1818,... bị hằn lún sâu > 2,5cm. Đồng thời, đã xuất hiện điểm đen tại Km1726 ÷ Km1727 (chợ Hàm Minh).
Cục Quản lý đường bộ IV đã có nhiều văn bản nhắc nhở, yêu cầu nhà đầu tư sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khắc phục và nâng cao công tác quản lý, bảo trì công trình.
Theo Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư đã tổ chức khắc phục các hư hỏng bằng biện pháp cào tạo phẳng và cào bóc thảm lại bê tông nhựa (BTN) tại các vị trí bị đùn lún. Khối lượng sửa chữa trên đoạn tuyến (tính đến cuối tháng 4/2016) là cào tạo phẳng đảm bảo giao thông 32.602 m2; cào tạo phẳng, chưa thảm lại các vị trí đùn lún sâu 4.375 m2.
Tuy nhiên, hiện nay trên đoạn tuyến của dự án vẫn tồn tại hư hỏng hằn lún vệt bánh xe, thậm chí lún trồi. Nguyên nhân là tốc độ phát triển hư hỏng mặt đường nhanh, việc khắc phục của nhà đầu tư rất chậm và giải pháp sửa chữa chưa triệt để. Việc nhà đầu tư chậm xử lý để đảm bảo ATGT, đáp ứng các tiêu chí phục vụ của Dự án khi thu phí nên đã có một số cơ quan báo chí phản ánh gây bức xúc trong dư luận xã hội.