Tồn tại những hành tinh ‘đáng sống’ hơn trái đất?
Các nhà địa chất và Thiên văn học tại Đại học bang Ohio cùng hợp tác để thực nghiệm phương thức mới nhằm săn lùng sự sống ngoài hành tinh. Theo đó, họ tìm kiếm các nguyên tố phóng xạ thorium và uranium, có thể khiến lõi các hành tinh nóng lên, đóng vai trò đặc biệt trong quá trình kiến tạo địa tầng, giống như trái đất hàng tỷ năm trước đây.
Hệ mặt trời của chúng ta. |
Quá trình hoạt động bên trong lõi những hành tinh nào đó có thể tạo ra quá trình nứt gãy địa chất, cùng với đó là những trận động đất có thể làm di chuyển những mảng kiến tạo lớn, khiến chúng trượt lên nhau và tạo ra những mảng lục địa. Những mảng kiến tạo này giúp duy trì nước trên bề mặt, giúp hành tinh có đủ điều kiện để tồn tại sự sống.
Đặc biệt, những hành tinh được chọn để nghiên cứu nằm trong những hệ mặt trời được coi là song sinh với Thái Dương hệ. Theo đó, những hành tinh di chuyển quanh ngôi sao giống với mặt trời của chúng ta chính là đối tượng được chọn để sử dụng phương pháp mới nhằm kiếm tìm sự sống.
Cho đến nay, 8 hệ mặt trời tương tự như Thái Dương hệ đã được các chuyên gia Ohio nghiên cứu trong đó có 7 ngôi sao chứa nhiều Thorium hơn so với mặt trời của chúng ta. Nó cũng cho thấy những hành tinh quay quanh nó có thể chứa nhiều Thorium hơn so với trái đất. Nó khiến lõi các hành tinh nóng hơn so với trái đất.
Trên thực tế, địa cầu nằm trong vùng được gọi là "Goldilocks zone", nơi không quá nóng nhưng cũng chẳng quá lạnh để tồn tại sự sống. Tuy nhiên, đối với những ngôi sao phát nhiệt lớn hơn và nóng hơn mặt trời của chúng ta, kích thước vùng "Goldilocks zone" cũng có thể thay đổi. Chính vì lẽ đó, những hành tinh ở xa vẫn có cơ hội tồn tại sự sống.
Giáo sư Cayman Unterborn, người trình bày bản báo cáo tại Hội thảo Hiệp hội Địa chất Mỹ tại San Francisco cho biết: “Nếu những hành tinh được nghiên cứu ấm hơn so với chúng ta nghĩ, rất có thể kích thước vùng sống cũng tăng lên tỷ lệ thuận với đó. Rất có thể, sự hiếu khách đó là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn, dạng sống đơn giản nhất trong vũ trụ”.
Hồng Duy