Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo”

Chiều 16/11/2021, Báo VietNamNet tổ chức tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo”, phác họa bức tranh thực trạng và chia sẻ những kinh nghiệm, lưu ý khi triển khai tuyên truyền về công tác dân tộc và tôn giáo.

{keywords}
Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo” do Báo VietNamNet tổ chức.

Công tác truyền thông, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo từ lâu luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của nước ta, bởi đây là một vấn đề cực kì nhạy cảm, cần được thông tin một cách đúng đắn để nâng cao nhận thức của đồng bào.

Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn khẳng định vấn đề dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, phát huy truyền thống và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là một đảm bảo quan trọng cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Hiểu rõ được tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, tôn giáo, công tác truyền thông về vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng được đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Nhờ đó, các cộng đồng dân tộc, tôn giáo về cơ bản đã nắm được về chính sách dân tộc, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện công tác truyền thông về tôn giáo, dân tộc vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại, do sự chia cắt về mặt địa lý, điều kiện tự nhiên xã hội cũng như ngôn ngữ của các dân tộc khác biệt và khó tiếp cận... Công tác thông tin, truyền thông cũng còn chưa chủ động, sáng tạo.

Nhằm đổi mới phương thức truyền thông, tháng 2/2019, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 219/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án Hỗ trợ thông tin, truyền thông về dân tộc, tôn giáo hướng tới mục tiêu đổi mới, chủ động trong cách thông tin, tuyên truyền về tôn giáo, dân tộc để độ phủ sóng tới cộng đồng hiệu quả và sâu rộng hơn.

Đồng hành trong công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo, chiều 16/11/2021, Báo VietNamNet phối hợp tổ chức Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo”.

Các khách mời tham gia tọa đàm gồm: Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT); bà Phan Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An; bà Buôn KRông Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Tây Nguyên -Trường Đại học Tây Nguyên; bà Trương Thị Hiền, Trưởng khoa Sư phạm - Trường Đại học Tây Nguyên; ông Nguyễn Viết Tôn, Phó Trưởng Phòng Phóng viên Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam).

Thông qua buổi tọa đàm, chúng ta có thể nhìn rõ bức tranh chung thực trạng công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo; Những kinh nghiệm, lưu ý khi triển khai công tác tuyên truyền về công tác dân tộc và tôn giáo nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong thời gian tới.

{keywords}
Ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet phát biểu khai mạc tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Võ Đăng Thiên, Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet thay mặt lãnh đạo Ban Biên tập Báo cảm ơn các khách mời đã  nhiệt tình tham dự tọa đàm để chia sẻ những vấn đề thực trạng công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo, qua đó rút ra những kinh nghiệm, những lưu ý với các đơn vị khi triển khai công tác tuyên truyền về nội dung này.

''Có thể thấy, đối với các nhà báo, đây là một nội dung khó thực hiện vì địa bàn hoạt động của phóng viên cơ quan báo chí ở miền núi khó khăn. Chủ đề này kén khán giả, độc giả nên các cơ quan báo chí chưa tập trung nhiều; hiệu quả của công tác tuyên truyền trên báo chí còn nhiều hạn chế. Do đó, Bộ TT&TT và các cơ quan Đảng, Nhà nước chú trọng, khuyến khích các báo tuyên truyền về chủ đề này'', ông Võ Đăng Thiên nhấn mạnh.

Công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo đã phát huy hiệu quả nhưng còn nhiều hạn chế

Bắt đầu buổi tọa đàm, các khách mời tập trung nêu bật hình ảnh, bức tranh thực trạng công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trong giai đoạn hiện nay.

Thưa ông Nguyễn Văn Tạo, với vai trò một nhà quản lý về lĩnh vực thông tin cơ sở, ông nhận xét như thế nào về thực trạng công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo hiện nay trên hệ thống thông tin đại chúng, nhằm góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT:

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, tín ngưỡng. Cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước là sự đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo trong một quốc gia thống nhất.

Do đó, công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa của các dân tộc, những giá trị của tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống xã hội để nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo hiện nay đã và đang được các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức thường xuyên trên các loại hình báo chí, thông tin điện tử, mạng xã hội, xuất bản phẩm, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại và các phương tiện truyền thông khác để tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và đồng bào có đạo.

Nội dung tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định của chính quyền địa phương về xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo; đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn và các hình thức lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; lợi dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín, trục lợi, gây ảnh hướng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.

{keywords}
Ông Nguyễn Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ TT&TT.

Được mệnh danh là “Đại sứ” văn hóa Tây Nguyên, nghiên cứu về nhiều tộc người trên mảnh đất này, PGS.TS. Buôn KRông Tuyết Nhung đánh giá thế nào về thực trạng công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống dân tộc hiện nay?

PGS.TS. Buôn KRông Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Tây Nguyên - Trường Đại học Tây Nguyên:

Có 1 điểm đặc biệt ở Tây Nguyên, khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên, đó là mỗi người dân thực hiện vai trò 1 công dân theo pháp luật và 1 thành viên theo luật tục.

Truyền thống là khái niệm trừu tượng, là những thói quen, giá trị, lối sống lâu đời có giá trị tích cực. Thời gian qua, các truyền thống yêu nước, yêu dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn… đã được chuyển hóa vào các văn bản, quy định pháp luật của Đảng, nhà nước, các chính sách dân tộc, tôn giáo.

Thời gian gần đây, công tác tuyên truyền về dân tộc tôn giáo đã được thực hiện rất tốt. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú: trên báo chí; qua các ấn phẩm, tờ rơi, bản tin nội bộ; tuyên truyền miệng; tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích… Bây giờ đa số người dân đã dùng điện thoại thông minh. Điều này rất thuận lợi cho cộng đồng trong việc tiếp nhận các hoạt động truyền thông.

Để tăng cường năng lực của người làm truyền thông, chúng ta đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo. Vai trò của tuyên truyền viên ở cơ sở cũng đã được phát huy. Bên cạnh những pano, áp phích tiếng phổ thông thì có cả tiếng dân tộc thiểu số… Song song với việc bảo tồn phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc, thì chữ viết, tiếng nói dân tộc cũng đã được sử dụng vào các ấn phẩm tuyên truyền.

Khi tuyên truyền về vai trò quản lý nhà nước, pháp luật, chính sách, chủ trương liên quan đến tôn giáo, dân tộc, người thụ hưởng trực tiếp là người dân. Vì vậy, cần phải có những nội dung thiết thực, gần gũi. Những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, dân tộc cần được mềm hóa, cập nhật điều chỉnh thường xuyên.

{keywords}
PGS.TS. Buôn KRông Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Tây Nguyên -Trường Đại học Tây Nguyên.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền đã có sự tham gia, vào cuộc rất đồng bộ. Từ cấp ủy, ban tuyên giáo, ban tôn giáo, các sở, ngành thông tin và truyền thông (TT&TT), văn hóa - thể thao và du lịch (VHTTDL), các hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đều vào cuộc nhanh, xử lý công việc hài hòa, đồng bộ, hiệu quả.

Và đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả thiết thực: Chính sách dân tộc, tôn giáo đã được thực thi; Công tác quản lý nhà nước có chuyển biến tích cực; Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo; Tôn trọng phong tục tập quán, vai trò của các dân tộc trong phát triển đất nước…

Tính hiệu quả còn thể hiện ở chỗ không chỉ tạo điều kiện cho cộng đồng thụ hưởng chính sách, mà còn để chính cộng đồng giám sát thực thi đối với việc quản lý nhà nước trong thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước.

Hiệu quả chính sách tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên cũng thể hiện rất rõ. Tây Nguyên là địa bàn khá phức tạp, nhạy cảm. Thế nhưng từ sau năm 1986 đến nay, điều hạnh phúc nhất của chúng tôi là Chính phủ luôn quan tâm tới chính sách dân tộc, tôn giáo. Những năm 2002, 2004 cũng có xảy ra một số vụ việc, thể hiện sự không hiệu quả trong chính sách dân tộc, tôn giáo. Thế nhưng sau đó đã có sự vào cuộc rất đồng bộ, đặc biệt, tôn trọng những người theo tôn giáo mới. Có sự điều chỉnh hài hòa, có sự tham gia, giám sát. Tuyên truyền theo phương châm “nói đúng, nói trúng và nói thật”.

Và từ năm 2004 đến giờ, ở Tây Nguyên tương đối ổn định. Các thế lực thù địch thì nước nào cũng có, nhưng chúng ta không có xung đột dân tộc. Tinh thần đoàn kết dân tộc, sự cố kết cộng đồng đã được tiếp thu, lồng ghép vào các chính sách tôn giáo, dân tộc.

Tuy nhiên, hiện cũng vẫn còn một số hạn chế như: Có những chính sách dân tộc, tôn giáo chưa bám thói quen, phong tục. Như tôi đã nói, ở Tây Nguyên hình thành 2 thiết chế: pháp luật và luật tục. Trong quá trình triển khai còn tồn đọng những hạn chế, tác động chưa thật sự hiệu quả.

Theo tôi, một trong những việc nên tránh khi triển khai công tác tuyên truyền là việc có thành kiến với những người theo tôn giáo mới; không đánh giá được vai trò của cộng đồng tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên.

Tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Với góc nhìn của một chuyên gia xã hội học, theo TS. Trương Thị Hiền, đâu là những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với những người làm công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo?        

Tiến sĩ Trương Thị Hiền, Trưởng Khoa Sư phạm - Trường Đại học Tây Nguyên:

Trước tiên tôi đồng tình với ý kiến các chuyên gia, bởi công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo là việc khó.

Dưới góc nhìn xã hội học, các khó khăn về chính sách, cán bộ làm công tác tuyên truyền chúng ta nói nhiều rồi. Nhưng theo tôi, khó khăn lớn nhất có thể kể đến chính là sự thấu hiểu nền tảng xã hội của từng tôn giáo cần tuyên truyền.

Cụ thể, sự thấu hiểu chứ không đơn thuần chỉ là hiểu biết. Bởi các sai lầm trong đánh giá các tôn giáo sẽ dễ xảy ra khi nhận thức sai lầm, từ đó các chính sách cũng sai lầm theo.

Ví dụ, để hiểu được các quan hệ dân tộc, tôn giáo của đồng bào ở Tây Nguyên cũng là vấn đề khó. Đơn cử chế độ mẫu hệ của đồng bào Ê Đê là chủ đề hay, nhưng vẫn còn là bí ẩn với nhiều người.

Quyền lực của người phụ nữ Ê đê trong gia đình, vai trò của họ trong dòng họ và cộng đồng. Quyền lực của người phụ nữ Ê đê được thể hiện luôn là chủ đề khiến nhiều người khi nghiên cứu công tác dân tộc tôn giáo cũng cảm thấy… ngỡ ngàng.

Tôi ví dụ như vậy để thấy, để nhận thức đúng rồi tiến tới thấu hiểu là việc không dễ.

{keywords}
TS Xã hội học Trương Thị Hiền, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Tây Nguyên.

Sự thấu hiểu các nền tảng giá trị xã hội của các dân tộc, tôi xin nhắc lại luôn là khó khăn lớn với các cán bộ tôn giáo. Từ hiểu sai về đồng bào dẫn tới giải thích sai việc làm của họ, và cái nhìn từ bên ngoài (của chúng ta) đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số sai sẽ khiến các chính sách dành cho đồng bào cũng vì thế không sát thực tế.

Tôi xin nói thêm về cái nhìn từ bên ngoài. Khi các kết luận về đồng bào (đôi khi) sai sẽ dẫn tới các sai lầm, và chúng ta dễ có những kết luận vội vàng về đồng bào như: lạc hậu, hủ tục…, mặc dù đó là truyền thống của họ.
Do đó, tôi xin nhắc lại cẩn trọng đưa ra các kết luận về từng sự vụ và chính sách đối với đồng bào chính là những lưu ý đối với các cán bộ làm công tác dân tộc tôn giáo.

Thiếu sự thấu hiểu cũng dẫn tới những lãng phí trong việc từ thiện, hỗ trợ đồng bào mà không quan tâm tới người tiếp nhận. Ví dụ, có những món quà chúng ta mang tới cho đồng bào nhưng thực sự người dân lại không hề đón nhận như chúng ta lầm tưởng. Do đó, cần tránh các sai lầm nhận thức về đồng bào, tránh các ngộ nhận về chính sách hỗ trợ. Bởi nếu không có sự thấu hiểu thì sẽ không biết nhu cầu của đồng bào, và khi không hiểu nhu cầu thì chính sách cũng sẽ dẫn tới sai lầm dù chủ trương của chính sách là rất tốt.

Với góc nhìn của một nhà báo, theo ông Nguyễn Viết Tôn, đâu là những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo?

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn, Phó Trưởng Phòng Phóng viên Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam):

Phải thừa nhận rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo vẫn còn những hạn chế. Một trong những hạn chế đó là việc phổ biến giáo dục pháp luật có nơi, có lúc chưa tường xuyên, liên tục.

Đó là vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiểu biết hoặc hiểu chưa đầy đủ về các quy định của pháp luật, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật.

Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến các vi phạm pháp luật như: Tệ nạn nghiện hút ma túy, tảo hôn, di dịch cư tự phát, phá rừng làm nương rẫy...

Chương trình, đề án về phổ biến giáo dục phát luật, hòa giải ở cơ sở, nội dung còn chưa phù hợp với thực tiễn, dàn trải; hình thức tuyên truyền chưa hấp dẫn; kinh nghiệm của đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật các cấp còn hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao.

{keywords}
Nhà báo Nguyễn Viết Tôn, Phó Trưởng Phòng Phóng viên, Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam).

Bên cạnh đó, một số thành viên Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục dục pháp luật chưa thực sự quan tâm, còn xem nhẹ công tác này nên thiếu sự chỉ đạo quyết liệt; điều kiện kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng chưa tổ chức triển khai được nhiều.

Ngoài ra, ở nhiều địa phương, cán bộ làm công tác dân vận, vận động quần chúng còn chưa hiểu hết về phong tục tập quán địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số (như TS Trương Thị Hiền cũng đã chia sẻ ở trên). Nhiều người chưa học và chưa biết nói tiếng của đồng bào nên công tác tuyên truyền, phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương đến với bà con còn từ đó cũng còn hạn chế.

Xin hỏi Thạc sỹ Phan Minh Lý, từ thực tế tại Nghệ An - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có 2 tôn giáo hoạt động, công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo đã được triển khai như thế nào? Có thuận lợi và khó khăn gì trong công tác tuyên truyền?

Thạc sỹ Phan Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An:

Công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo ở tỉnh Nghệ An có mấy đặc điểm đáng chú ý như sau. Nghệ An là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo sinh sống, có 2 tôn giáo cùng hiện diện trên địa bàn (thực ra là có 3 tôn giáo có 1 tôn giáo chưa được công nhận chính thức).

Nghệ An là tỉnh có địa bàn rất lớn, hơn 16.000km2, 83% diện tích là khu vực miền núi và dân tộc, 39 dân tộc cùng sinh sống, 5 dân tộc đông dân nhất là Thái, Thổ, Khơ Mú, Hơ Mông, Khơ Mú, Ơ đu.Để thực hiện công tác tuyên truyền cho từng dân tộc phù hợp tập quán, văn hóa của họ cũng đặt ra vấn đề rất khó khăn. 2 tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo cũng có những vấn đề khá nhạy cảm trong công tác tuyên truyền.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã quan tâm cả 2 khía cạnh: Tuyên truyền về vấn đề dân tộc tôn giáo hướng đến đại chúng, tình hình hoạt động các dân tộc, tôn giáo đến với đại chúng; Chuyển tải chủ trương, chính sách pháp luật, thông tin thời sự khác hướng đến đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo được tiến hành đồng bộ, với nhiều chủ thể thực hiện. Chẳng hạn: Kênh tuyên truyền cấp ủy có tuyên giáo, tuyên truyền miệng, hệ thống các ban dân vận, mặt trận…

Hệ thống báo chí cũng có sự phát triển sâu, rộng và hiệu quả. Tỉnh có 3 cơ quan báo chí gồm: Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh Nghệ An, Tạp chí Sông Lam (trước có 6, sau quy hoạch báo chí chỉ còn 3 cơ quan). Cùng với đó là lực lượng cơ quan thường trú của các báo trung ương trên địa bàn tỉnh, 62 cơ quan thường trú đã hỗ trợ tốt trong việc đưa thông tin chủ trương chính sách đến đồng bào, cũng như phản ánh thông tin về tình hình đời sống của bà con đến với đại chúng. Tỉnh rất quan tâm, thường xuyên cung cấp thông tin cho lực lượng này.

Các báo cũng có chính sách khuyến khích thông tin về dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, chẳng hạn như được nhuận bút cao hơn. Báo Nghệ An có chuyên trang Miền núi dân tộc, mỗi tuần 1 số trình bày rất đẹp, cỡ chữ lớn hơn so với nhật báo, được in màu… Đài Truyền hình ngày nào cũng có bản tin tiếng dân tộc, tiếng Thái và tiếng Mông. Đó là sự quan tâm của tỉnh đối với công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.

{keywords}
Thạc sỹ Phan Thị Minh Lý, Trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An.

Bên cạnh đó, việc vận dụng mạng xã hội trong tuyên truyền rất hiệu quả. Mỗi ban tuyên giáo cấp huyện, cấp cơ sở đều có tài khoản mạng xã hội chuyên đưa thông tin trên địa bàn. Họ có nhóm nhận thông tin từ cơ sở và truyền tải thông tin xuống cơ sở.

Công tác tuyên truyền về dân tộc cũng có một số thuận lợi. Khi chúng tôi xuống cơ sở đồng bào dân tộc để tuyên truyền, phải vận dụng triệt để đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Nghệ An rất quan tâm lực lượng này. Họ làm công tác vận động tuyên truyền rất hiệu quả. Không bao giờ tỉnh xuống cơ sở lại đi riêng mà luôn có sự hỗ trợ, hướng dẫn của đội ngũ cán bộ này, nếu không có họ thì không tiếp cận được với đồng bào, có độ vênh về văn hóa, không hiểu được họ.

Vừa rồi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai Đề án biên soạn tài liệu về việc Học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học tập này đã triển khai từ lâu trên cả nước. Thế nhưng khi khảo sát ở vùng dân tộc thiểu số thì thấy sự tiếp nhận của đồng bào còn rất hạn chế. Vì thế, phải xây dựng đề án, biên soạn riêng tài liệu để bà con dễ tiếp nhận.

Khi chúng tôi xuống với đồng bào thì được tiếp đón rất nồng hậu, họ rất quý người, đó là điều kiện thuận lợi để đưa chủ trương chính sách vào. Tuy nhiên, Nghệ An đang nhức nhối vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhất là trong người Mông. Nhưng đây cũng là 1 dạng tập tục. Để giải quyết rất khó. Chỉ có thể vận động chứ không thể áp dụng chế tài pháp luật của nhà nước để xử lý.

Còn đối với công tác tuyên truyền về tôn giáo, chúng tôi rất quan tâm và hiện nay chủ yếu đi theo mạch “lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tích cực đẩy lùi tiêu cực”, tập trung khai thác thông tin về hoạt động của đồng bào tôn giáo, những hoạt động vì cộng đồng, nhân đạo, từ thiện, cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới… tuyên truyền để nhân rộng những điều tích cực.

Về vấn đề lợi dụng tự do tôn giáo để chống phá Đảng và nhà nước, chúng tôi thực hiện việc tuyên truyền sao cho không làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết, chủ yếu tập trung vào hành vi vi phạm pháp luật.

Song trong tiếp cận cũng có cái khó với phóng viên và cán bộ tuyên truyền. Đồng bào tôn giáo hơi khó tiếp cận hơn so với đồng bào dân tộc, ít chia sẻ hoạt động của họ với truyền thông.

Chẳng hạn, đồng bào Công giáo có mặc cảm nhất định về việc học xong không được chào đón trong các cơ quan chính quyền. Về chủ trương chính sách thì không có sự phân biệt, nhưng thực hiện lại do con người, cũng có những vấn đề gây vướng mắc, rào cản về tâm lý khi tiếp cận vấn đề tôn giáo.

Chính vì thế, khai thác đề tài về tôn giáo đối với đội ngũ báo chí rất khó khăn. Báo Nghệ An có chuyên mục Đời sống tôn giáo nhưng luôn bị ''đói'' tin. Rất ít người khai thác để tuyên truyền. Mảng dân tộc dễ nói, dễ tuyên truyền hơn.

{keywords}
Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về dân tộc và tôn giáo” được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Từng làm việc với rất nhiều địa phương trên cả nước, nhà báo Nguyễn Viết Tôn có thể chia sẻ những ấn tượng đặc biệt của ông về những địa phương/đơn vị có những cách thức tuyên truyền mới, đạt hiệu quả cao, có thể là kinh nghiệm hay để các địa phương khác học tập, áp dụng?

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn:

Tôi vào làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã hơn 20 năm, trong đó có 1 nửa thời gian đi thường trú trong nước, chủ yếu ở một số tỉnh vùng Tây Bắc như Điện Biên và Yên Bái. Năm 2008 tôi kết thúc nhiệm kỳ thường trú về công tác tại báo Tin tức (thuộc TTXVN) lại có điều kiện theo dõi 3 Ban Chỉ đạo (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) và Ủy ban Dân tộc nên tôi lại có điều kiện đi nhiều hơn, có nhiều chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo.

Ở những tỉnh tôi từng công tác, tôi nhận thấy cấp ủy, chính quyền các cấp luôn coi trọng công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và phát luật của Nhà nước tới đông đảo đồng bào dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt là đội ngũ những người làm công tác dân vận, vận động quần chúng, lực lượng vũ trang luôn có cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần giúp đỡ đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Một trong những cơ quan, đơn vị làm tốt vấn đề này phải kể đến lực lượng vũ trang như: Công an, quân đội, nhất là lực lượng Bộ đội biên phòng. Quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn thường xuyên quan tâm, chăm lo đến công tác vận động quần chúng, đổi mới nội dung và biện pháp công tác phù hợp với thực tiễn tình hình địa bàn.

Lực lượng vũ trang đã trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc; đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tăng cường cán bộ và quân y xuống địa phương xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng các phong trào quần chúng ở các xã, phường biên giới, hải đảo. Chính vì vậy, kinh tế - xã hội ở vùng biên như ở tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum, Cần Thơ, Kiên Giang… đã có nhiều khởi sắc, chính trị ổn định, biên giới được giữ yên.

Một trong những đơn vị địa phương làm tốt vấn đề này là Bộ đội biên phòng (BĐBP), Cảnh sát biển.

Qua theo dõi lực lượng BĐBP và Cảnh sát biển, tôi nhận thấy họ đã có nhiều mô hình hay. Các mô hình đã phát huy hiệu quả của BĐBP có thể kể đến như Con nuôi biên phòng, chương trình Nhà đại đoàn kết, chương trình hỗ trợ bò giống cho các gia đình khó khăn; hay như mô hình Cảnh sát biển đồng hành với đồng bào dân tộc, tôn giáo…

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã có nhiều thành quả đáng kể. Từ những năm 1999 đến nay, các đơn vị BĐBP đã triển khai hàng trăm dự án kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới với số vốn lên tới vài ngàn tỷ đồng, nhiều dự án định canh, định cư, đường giao thông, đường điện hạ thế đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Do đó, đã tạo được sự yên tâm, phấn khởi và niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước ta, đồng bào thêm yêu quý Bội đội cụ Hồ trong đó có chiến sỹ Biên phòng.

Cùng với những việc làm thiết thực hiệu quả đã nêu, để huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới như Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã ký kết các chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành ở các cấp; như chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học với Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đưa thông tin văn hóa về cơ sở với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, chương trình vận động động phụ nữ, nông dân, đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh biên giới với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, chương trình quân dân y kết hợp giữa Bộ Quốc phòng (trong đó có Bộ đội biên phòng) và Bộ Y tế…

{keywords}
 

Có thể nói, trong khuôn khổ tọa đàm này, PGS.TS. Buôn KRông Tuyết Nhung là người hiểu hơn ai hết những đặc thù riêng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bà có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn và những điểm cần tránh khi triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo tại các địa phương?

PGS.TS. Buôn KRông Thị Tuyết Nhung:

Các điểm thuận lợi thì các chuyên gia đã nói ở trên và tôi hết sức đồng tình, chỉ xin đi sâu thêm vào các khó khăn, trong đó khó khăn đầu tiên là vấn đề ngôn ngữ.

Đối với đồng bào dân tộc Kinh, chúng ta dễ dàng tuyên truyền do có cùng ngôn ngữ (Tiếng Việt). Việc định lượng ngôn ngữ với 70% từ ngữ là Hán Việt nên người Kinh tiếp nhận chính sách cũng dễ hơn, nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số thì không dễ dàng như vậy.

Ví dụ vấn đề tảo hôn, chúng tôi đi tuyên truyền mặc dù đã nói bằng tiếng dân tộc nhưng đồng bào cũng… khó hiểu. Ngoài sự khác biệt về ngôn ngữ, vấn đề tảo hôn cũng là vấn đề khó, bởi vấn nạn tảo hôn do nhiều yếu tố tác động.

Cụ thể, sự phát triển của mạng xã hội tác động, chế độ dinh dưỡng thay đổi (thanh thiếu niên dậy thì sớm hơn), khiến việc tuyên truyền vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, đồng bào do nhận thức hạn chế, thiếu các biện pháp tránh thai và phong tục tập quán đưa dẫn cũng khiến nạn tảo hôn không dễ gì có thể xóa bỏ.

Khó khăn thứ hai có thể kể đến là các hoạt động liên quan đến tà đạo, li khai tự trị… cũng là sự khó khăn trong công tác tuyên truyền dân tộc tôn giáo. Ví dụ, các hoạt động mê tín dị đoan cũng là lí do khiến nhiều đồng bào không tin cán bộ cơ sở. Bên cạnh đó, sự hoạt động của các đối tượng lợi dụng đức tin của đồng bào, sự nhận thức hạn chế của đồng bào gây bất ổn xã hội, cũng vì thế khiến tình hình trở nên phức tạp.

Đặc điểm tiếp theo là đa phần đồng bào sinh sống ở những khu vực khó khăn (miền núi, vùng sâu vùng xa), do đó công tác nắm và quản lý địa bàn của cán bộ cơ sở ở một số nơi gặp khó.

Ví dụ tại Đắk Lắk, những dữ liệu về đồng bào cũng là chỉ số khó định lượng khi chúng tôi về đây khảo sát. Khi chúng tôi xin cán bộ địa phương số liệu đồng bào theo từng tôn giáo, giới tính của các nhóm cư dân sắc tộc… thì không hề có.

Dễ thấy, một số cán bộ cơ sở vẫn chưa thể hiện được hết vai trò của mình, do đó công tác dân tộc tôn giáo ở nhiều nơi thường không bám sát được thực tế.

Khó khăn tiếp theo là những quy định, thiết chế của từng tôn giáo cũng là điều khiến cán bộ cơ sở khó khăn khi tuyên truyền. Mỗi cộng đồng cư dân thường chịu 3 thiết chế: luật pháp của Nhà nước, thiết chế tôn giáo của họ theo và thiết chế về phong tục tập quán của cộng đồng bản địa.

Chính vì vậy, cán bộ cơ sở giỏi tiếng dân tộc chưa đủ, họ còn cần sự thấu hiểu đồng bào, am hiểu các thiết chế tôn giáo của địa phương và đặc biệt là luật tục của cư dân bản địa.

Nếu không nắm được các định chế tôn giáo, thiết chế văn hóa thì đừng nói gì tới sự thấu hiểu. Và khi không thấu hiểu thì ngay việc “nói chuyện” được với đồng bào đã là việc khó chứ đừng nói tới tuyên truyền.

Ví dụ, cán bộ thiếu kĩ năng tiếng dân tộc, kiến thức về đồng bào thì khó mà tuyên truyền hay đưa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước xuống cơ sở, xuống vùng đồng bào được.

Thực tế, sự e dè của các chức sắc tôn giáo khi tiếp xúc với cán bộ tuyên truyền cũng là điều có thật. Tiếng nói của cán bộ tuyên truyền ở nhiều nơi chưa thực sự có sức nặng và chưa được đón nhận cũng là điều chúng ta cần lưu ý.

Về giải pháp, chúng ta có thể học người Pháp trước đây khi họ đã lồng được câu chuyện bình đẳng giới với vấn đề tôn giáo (cộng đồng Ê đê với đạo Tin lành là một ví dụ). Do vậy, thay đổi phương pháp tuyên truyền chính là điều tôi muốn nhắn nhủ tới các cán bộ cơ sở.

Thứ hai, nội dung tuyên truyền tới đồng bào cũng cần bám sát đặc thù của từng dân tộc, bám theo các vùng văn hóa (6 vùng văn hóa nước ta lại có các tiểu vùng văn hóa khác nhau). Từ đó cần dùng ngôn ngữ vùng, ngôn ngữ của đồng bào để tuyên truyền.

Thấu hiểu, tôi xin nhắc lại là cần thấu hiểu đồng bào trước khi xây dựng chính sách cho chính họ. Và để làm được điều này theo tôi, hãy xây dựng chính sách đặc thù cho các vùng miền, đặc biệt là chính sách cho từng dân tộc. Ví dụ, chính sách cho vùng Tây Bắc với Tây Nguyên (cùng đặc thù) nhưng lại khác nhau vô cùng. Chính sách cho người Mông ở Tây Bắc với người Mông ở Tây Nguyên cũng cần khác nhau. Không có chính sách đặc thù thì chính sách sẽ không xuống được cơ sở.

Ngoài ra, cần vận dụng các phong tục tập quán để đưa vào nội dung tuyên truyền. Những phong tục đưa vào tuyên truyền cần sử dụng 2 thứ tiếng: phổ thông và bản địa. Ví dụ, Đắk Lắk đã làm được điều này và các địa phương cũng cần lưu ý.

Tôi xin có thêm 1 ý kiến nhỏ “xíu” nữa, nhưng chắc là một vấn đề lớn.

Trước hết, những vấn đề các đại biểu khác chia sẻ đã cho thấy một thực tế về công tác tuyên truyền về chính sách dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, để cho cán bộ truyền thông cũng như các cơ quan truyền thông trong đó có Báo VietNamNet thực hiện thành công và hiệu quả nhiệm vụ của mình trong truyền thông chính sách dân tộc và tôn giáo, tôi xin có đề xuất.

Trước hết, chúng ta cần thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng miền núi, vùng có cộng đồng tôn giáo. Rà soát bổ sung các chính sách đã có và đang có, hiện tại đang chồng chéo để chúng ta điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của từng nhiệm vụ, cũng như trong giai đoạn mới.

Thứ hai, cần phải huy động nhiều nguồn lực hơn nữa cho đầu tư phát triển, giúp đỡ vùng đồng bào dân tộc và miền núi, trong đó có cộng đồng tôn giáo. Ưu tiên đầu tư xóa đói giảm nghèo, phát triển mạnh kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm và những bức xúc trong việc cạnh tranh cũng như tạo quyền sở hữu tài sản về đất đai và phân chia các quyền lợi tại các vùng miền dân tộc thiểu số.

Nếu quý vị quan sát, sau đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, tại Đắk Lắk có 17.000 đồng bào bị ảnh hưởng trở về từ các tỉnh thành Đông Nam Bộ, trong đó tỉ lệ người dân tộc thiểu số khá cao. Đó là những hộ nghèo, họ đến các vùng đất mới kiếm công ăn việc làm. Đó là vấn đề nóng. Nếu chúng ta thực hiện không tốt thì việc tuyên truyền chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới họ sẽ khó khăn.

"Có thực mới vực được đạo". "Thực" mà không tốt thì chúng ta cũng sẽ rất khó tuyên truyền chủ trương chính sách thành công.

{keywords}
 

Câu hỏi tiếp theo xin dành cho bà Phan Thị Minh Lý: Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác tuyên truyền là đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bà đánh giá thế nào về thực tiễn triển khai nhiệm vụ này thời gian qua? Bà có đề xuất gì cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thời gian tới tại Nghệ An?

Thạc sỹ Phan Thị Minh Lý:

Thực tế công tác tuyên truyền đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được chúng ta thực hiện từ rất lâu rồi. Từ sau khi có Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị thì được thực hiện bài bản, đem lại hiệu quả hơn.

Thẳng thắn nhìn nhận thì việc đấu tranh, phản bác này, đặc biệt trên mạng xã hội khoảng 5 năm trước hầu như không có hiệu quả. Lên mạng xã hội, thông tin xấu độc rất nhiều. Sau khi có Nghị quyết số 35 và sự vào cuộc của các hệ thống chính trị thì mảng này được quan tâm, có hiệu quả rất tốt.

Chúng tôi xác định, tấn công vào vấn đề dân tộc, tôn giáo là 2 nội dung mà các thế lực thù địch rất chú trọng, nên chúng tôi luôn nâng cao cảnh giác trong hoạt động tuyên truyền đấu tranh phản bác.

Về phía hệ thống chính trị, chúng tôi đã triển khai quán triệt rất kỹ trong cán bộ, Đảng viên; khi thấy có dấu hiệu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo thì có chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống tuyên giáo toàn tỉnh và báo chí cùng vào cuộc.

Điều thuận lợi hiện nay là một số báo lớn, đặc biệt báo Đảng như Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Truyền hình Quốc phòng, VTV (có chuyên mục Đối diện)... làm nội dung này rất hiệu quả, nhìn thẳng vào luận điệu của các thế lực thù địch để phản bác lại. Đây là cơ sở để các hệ thống tuyên giáo địa phương dựa vào để có thêm vũ khí để đấu tranh trên mạng xã hội.

Chúng tôi đã yêu cầu cán bộ tuyên giáo các cấp, đồng thời vận động các cán bộ, quần chúng mở tài khoản để đấu tranh trên mạng xã hội. Chủ trương là có 2 cách: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đưa ra những thông tin tích cực về đất nước, địa phương, hoạt động tốt đẹp của các tôn giáo, dân tộc thiểu số để tuyên truyền lấn át các thông tin xấu độc; Phản bác trực tiếp vào những thông tin sai, vạch ra cái sai để tạo môi trường thông tin lành mạnh hơn.

Ở Nghệ An, vấn đề dân tộc thì tương đối ổn vì các dân tộc có truyền thống đoàn kết, thực hiện chính sách dân tộc rất tốt. Tuy nhiên, vấn đề tôn giáo dễ bị lợi dụng hơn. Vừa rồi có một số đối tượng cực đoan lợi dụng tự do ngôn luận, tự do tôn giáo để bôi nhọ, nói xấu Đảng và Nhà nước. Chúng tôi đã có đấu tranh phản bác ngược lại.

Có 1 điều tôi hơi băn khoăn, không chỉ ở Nghệ An mà ở cả nhiều địa phương khác và trên không gian mạng. Đó là khi đấu tranh phản bác dễ rơi vào cực đoan. Lẽ ra lôi kéo cộng đồng tôn giáo về với mình thì vô tình lại khiến họ xa mình hơn. Chúng tôi luôn nhắc nhở những người làm công tác tuyên truyền rằng đưa thông tin về dân tộc, tôn giáo chủ yếu nhấn mạnh những thông tin tốt, gương sống tốt đời đẹp đạo, hỗ trợ chính quyền trong lúc thiên tai, địch họa, xây dựng nông thôn mới… Cá nhân nào sai phạm thì phê bình, lên án cụ thể hành vi sai phạm đó chứ không lôi nguồn gốc tôn giáo ra để phê phán, dễ gây ra mất đoàn kết. Tuy nhiên, đây vẫn là thực trạng mà nhiều người mắc phải trong công tác tuyên truyền.

Mặt khác, thông tin trên mạng xã hội thì không kiểm soát được hết. Cũng có những tài khoản của cá nhân bày tỏ quan điểm cực đoan, không ủng hộ tôn giáo. Kiểm soát định hướng những thông tin này cũng khó khăn.

Thời gian tới, trong tình hình hiện nay, theo tôi, các thế lực thù địch sẽ vẫn không từ bỏ chuyện lợi dụng dân tộc tôn giáo để chống phá ta, thì trong tuyên truyền phải lấy phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, khai thác triệt để, làm nổi bật bản chất tốt đẹp của các chủ trương, chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo để cộng đồng quốc tế thấy quan điểm của Đảng về dân tộc tôn giáo luôn nhân văn, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người dân thuộc các dân tộc, tôn giáo hiểu các chủ trương của Đảng đều vì đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đã đấu tranh thì có sự đối kháng. Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào vấn đề, không né tránh, nếu không sẽ không thể đi tận cùng để phản bác sự sai trái trong luận điệu của các thế lực thù địch.

Ví dụ, trước những ý kiến cho rằng chúng ta không có tự do tôn giáo, chúng ta phải làm cho họ thấy hoạt động tôn giáo của chúng ta luôn được tạo điều kiện một cách tốt nhất trong điều kiện cho phép của địa phương. Ví dụ cấp đất để làm cơ sở thờ tự, nếu đủ điều kiện thì cấp phép cho họ. Nếu không đáp ứng được điều kiện của họ thì phải giải thích rõ.

Mặt khác, việc đấu tranh, phản bác nên thực hiện đồng bộ trên các kênh, các phương tiện để tạo sức mạnh tổng hợp và sự lan tỏa thông tin. Thông tin như nước chảy. Đặc biệt phải kịp thời phản bác, nếu chậm trễ, để nhận thức sai trái tràn ngập không gian truyền thông thì khó lấy lại “mặt trận”.

Thông tin tuyên truyền phải kịp thời, đồng bộ và rộng rãi. Cần định hướng kịp thời trên mạng xã hội về việc đấu tranh với sự lợi dụng tự do tôn giáo để chống phá chúng ta. Ở Việt Nam, số lượng người có tài khoản mạng xã hội rất lớn, theo tôi nắm được thì khoảng 60 triệu. Số lượng tài khoản mạng xã hội của người làm công tác tuyên truyền (cán bộ tuyên giáo, dân vận, nhà báo) rất ít ỏi so với các đối tượng khác, thế nhưng có thể định hướng được cho những người tham gia mạng xã hội để họ biết được cái gì đúng, cái gì sai, để lôi kéo quần chúng về phía các luồng thông tin chính thống.

Các kênh chính thống đã làm rất tốt việc đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc. Chúng tôi lấy đó làm cứ liệu rất hiệu quả trong việc chuyển tải thông tin xuống cơ sở trong đấu tranh phản bác trên mạng xã hội. Thời gian tới nên tập trung hơn nữa vào cách này.Tăng cường tập huấn kỹ năng, đổi mới cách thức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trên mạng xã hội

Thưa ông Nguyễn Văn Tạo (Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông) nhằm đẩy mạnh thông tin tuyên truyền góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cục Thông tin cơ sở (TTCS) được giao nhiệm vụ tổ chức Triển lãm ảnh, tư liệu tuyên truyền về cộng đồng các dân tộc và tôn giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xin ông cho biết một số điểm nổi bật của hoạt động triển lãm này?       

Ông Nguyễn Văn Tạo:

Triển lãm “Ảnh tuyên truyền về cộng đồng các dân tộc và tôn giáo Việt Nam” do Cục Thông tin cơ sở chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT và các cơ quan liên quan tổ chức ở 4 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang và Bắc Giang trong quý IV năm 2021. Đây là một nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo theo Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 21/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển lãm trưng bày 180 ảnh tư liệu phong phú và đa dạng phản ánh về các dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam, được kết cấu thành 7 chủ đề chính:

Chủ đề 1: Các dân tộc Việt Nam - Thống nhất và đa dạng;

Chủ đề 2: Truyền thống đoàn kết các dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

Chủ đề 3: Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về dân tộc;

Chủ đề 4: Các tôn giáo ở Việt Nam - Giá trị văn hóa lịch sử;

Chủ đề 5: Tín ngưỡng các dân tộc Việt Nam;

Chủ đề 6: Chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng;

Chủ đề 7: Đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo.

Ngoài ra, Ban Tổ chức triển lãm dành một không gian trưng bày khoảng 20 hình ảnh, tư liệu về đồng bào các dân tộc và tôn giáo ở địa phương nơi tổ chức triển lãm.

Hệ thống TTCS được đánh giá là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo ở các địa phương. Xin ông chia sẻ thêm về những thuận lợi, khó khăn hiện tại của hệ thống TTCS khi triển khai công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.

Ông Nguyễn Văn Tạo:

Thông tin cơ sở phát huy được vai trò là một kênh thông tin thiết yếu, có lợi thế nhất ở cơ sở: gần dân, sát dân, tuyên truyền hiệu quả đến người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, mà không có kênh truyền thông nào có thể làm được với số lượng người được tiếp cận thông tin rất đông đảo.

Đặc biệt, người làm công tác thông tin cơ sở cũng chính là người dân địa phương, đó là cán bộ đài truyền thanh xã, tuyên truyền viên cơ sở là những cán bộ công tác mặt trận, các đoàn thể, là những già làng, trưởng bản, những chức sắc, chức việc tôn giáo… họ am hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương và nói tiếng nói của đồng bào địa phương, nên những nội dung tuyên truyền, phổ biến nói chung và nội dung tuyên truyền, phổ biến về dân tộc, tôn giáo nói riêng rất dễ được người dân địa phương tiếp nhận và thực hiện.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo cũng có những khó khăn nhất định do người làm công tác thông tin cơ sở chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm, không chuyên trách và thường xuyên thay đổi. Nhìn chung, lực lượng làm công tác thông tin cơ sở không được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ công tác tuyên truyền, chủ yếu làm theo năng lực, sở trường, kinh nghiệm, lại rất ít có điều kiện được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, thường xuyên cập nhật kiến thức về dân tộc, tôn giáo, nên chất lượng, hiệu quả tuyên truyền chưa cao.

Ông có đề xuất, khuyến nghị gì để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo của đội ngũ làm công tác thông tin cơ sở trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Tạo:

Muốn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo nói riêng, thì những người làm công tác thông tin cơ sở cần được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng vận động người dân; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật để khai thác thông tin, biên soạn nội dung tuyên truyền; đặc biệt là thường xuyên được cung cấp, cập nhật thông tin về những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật mới về dân tộc, tôn giáo và tình hình dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng ở trong nước và trên thế giới.

Để việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng làm công tác thông tin cơ sở khi mà nhân sự luôn có sự thay đổi, các cơ quan chức năng cần phải:

- Biên soạn các loại sách hướng dẫn, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn hướng dẫn về nghiệp vụ tuyên truyền, kiến thức, công nghệ, kỹ năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng bài giảng E-Learning, videoclip để người làm công tác thông tin cơ sở có thể sử dụng thuận tiện để tự nghiên cứu, tự học hỏi.

- Tổ chức các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức về dân tộc, tôn giáo bằng các hình thức tập trung và trực tuyến; có thể mở các khóa/lớp đào tạo, tập huấn từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn; đưa nội dung đào tạo, tập huấn bồi dưỡng lên nền tảng online.

- Sử dụng công nghệ AI, “trợ lý ảo” chuyên sâu về thông tin cơ sở hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông ở cơ sở; hỗ trợ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở ở xã, phường, thị trấn khai thác, biên soạn nội dung tuyên truyền, sử dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại trong công tác truyền thông ở cơ sở.

Đẩy mạnh tuyên truyền trên Internet, mạng xã hội là một trong những xu hướng đang được khuyến khích triển khai. Theo PGS.TS. Buôn KRông Tuyết Nhung thì chúng ta cần lưu ý những gì để đảm bảo hiệu quả cho phương thức tuyên truyền mới này?

PGS.TS. Buôn KRông Thị Tuyết Nhung:

Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, tôi cũng rất đồng tình. Hình thức tuyên truyền thời 4.0 cũng cần có sự thay đổi và theo tôi, để tăng cường hiệu quả đầu tiên chúng ta phải đánh giá được thực trạng công tác tuyên truyền hiện nay.

Từ thực trạng tuyên truyên, chúng ta xây dựng được nội dung tuyên truyền trên cơ sở: đơn giản, dễ hiểu sao cho phù hợp với trình độ, phong tục tập quán của đồng bào.

Chúng ta có thể học tập Bác Hồ: Nói những vấn đề thiết thực, nói những vấn đề đồng bào muốn nghe và nói một cách sao cho đồng bào dễ hiểu nhất, dễ tiếp nhận nhất.

Khi đã có nội dung tốt, chúng ta cần thay đổi hình thức tuyên truyền, cần mang tính đặc thù riêng cho từng đối tượng đặc thù. Đặc thù dân tộc, đặc thù tôn giáo là điều chúng ta phải lưu ý. Tuyên truyền sao cho phù hợp với nhu cầu của động bào, trình độ nhận thức của từng cộng đồng dân tộc khác nhau.

Tiếp đến, cán bộ cơ sở tôn giáo, dân tộc cần phối hợp tốt hơn với những người có uy tín tại địa phương, với các cán bộ chức sắc tôn giáo bản địa. Chỉ khi “nắm” được họ, công tác dân tộc tôn giáo mới đi vào cuộc sống và thành công.

Thứ nữa là chúng ta cần lan tỏa các quy định của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc và tôn giáo trên tinh thần tốt đời đẹp đạo, “nương” theo đồng bào và linh hoạt trong cách tuyên truyền. Có như vậy chúng ta mới có thể chiếm trọn được niềm tin của đồng bào, qua đó mới có thể đưa được chính sách tới họ.

Cuối cùng, các cán bộ tuyên truyền cần chuyên nghiệp hơn. Hãy học các nhà truyền giáo. Họ nói sao đồng bào luôn tin theo? Xin thưa, vì họ nói hay. Họ thu hút đồng bào bằng cách tổ chức các cuộc thi tuyên truyền.

Tại sao chúng ta không tổ chức các cuộc thi tương tự và lôi kéo chính những người có đạo, các chức sắc tôn giáo tham gia cuộc thi do chúng ta tổ chức?

Và thêm một lưu ý nữa, chính là chúng ta cần đầu tư phương tiện, công cụ tuyên truyền sao cho phù hợp với tình hình mới. Mỗi cán bộ cơ sở ngoài trang bị kiến thức, đa dạng hình thức tuyên truyền, họ cũng cần nhanh chóng nắm bắt thông tin trên mạng về đồng bào. Chỉ khi hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; nắm được thông tin về vấn đề mình quản lý thì chúng ta mới thể thấu hiểu và từ đó mới có thể tìm được “cách thức” tuyên truyền phù hợp, lấy được niềm tin của đồng bào.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ đầy tâm huyết của PGS.TS. Buôn KRông Thị Tuyết Nhung!

Thưa nhà báo Nguyễn Viết Tôn, khi tác nghiệp tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, ông đã tận dụng, khai thác tiềm năng của mạng xã hội và Internet hay chưa? Trải nghiệm cá nhân của nhà báo về hiệu quả mang lại cũng như những hạn chế hiện tại của phương thức mới này ra sao?         

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn:

Có một thực tế là hiện nay trong xã hội toàn cầu hóa, phủ sóng điện thoại và internet đến nhiều vùng, trong đó có vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp cho người dân, trong đó có những người làm báo tiếp cận được thông tin nhanh hơn, ứng dụng và khai thác thông tin tốt hơn. Nhưng việc tận dụng tiềm năng này còn hạn chế.

Tôi nói đơn cử cụ thể như: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, học sinh ở những địa phương, trong đó có con em đồng bào dân tộc thiểu số thiếu máy tính, điện thoại để học trực tuyến. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã phát động cuộc vận động ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em” và chương trình này đã phát huy hiệu quả khi nhiều con em của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã có phương tiện để học tập.

Nhưng có một thực tế là, ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi không phải chỗ nào cũng có sóng internet. Hay nói cách khác là có những vùng bị “lõm sóng”. Vậy kể cả khi có máy tính, có điện thoại thông minh Smatphone nhưng nếu không có sóng, không có internet thì các em học sinh cũng không học trực tuyến được. Nhà báo đến vùng sâu, vùng xa tác nghiệp, đưa tin về những đổi thay ở vùng miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng do không có internet nên không gửi được tin bài, ảnh, thậm chí là video về tòa soạn cũng không được. Vậy là thông tin thời sự đã bị chậm, thâm chí có tin nóng như mưa lũ, sạt lở đất, cháy rừng… dù là tin bài “nóng”, tin bài thời sự cũng không thể gửi về cơ quan được, dẫn tới việc thông tin chậm do không có mạng internet.

Nói về câu chuyện không có mạng internet, tôi đơn cử ví dụ: Dù chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 10 cây số nhưng cuộc sống của 33 hộ dân thôn Ngàn Chi (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) gần như bị cô lập thông tin với bên ngoài. Bởi, cả thôn chưa có hộ nào dùng điện thoại bàn vì chi phí lắp đặt đường dây quá tốn kém. Mọi thông tin trao đổi của người dân chỉ biết chông chờ vào những chiếc điện thoại di động. Thế nhưng, sóng điện thoại ở đây thường xuyên bị gián đoạn và “rớt” sóng liên tục.

Ông Tô Văn Công, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ngàn Chi cho biết, vào mỗi buổi tối ông Công đến trực tiếp các hộ dân để thông báo cho buổi họp thôn sắp tới, do ban ngày người dân trong thôn đi làm hết cả, trong khi sóng điện thoại di động trong thôn lúc có lúc không. Bởi vậy, suốt 10 năm nay, mỗi khi thôn hay xã có việc, tối nào ông Công cũng phải cất công đi đến từng nhà để thông tin. Ở miền xuôi có lẽ đi đến nhà này nhà kia khá dễ dàng, nhưng ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa việc nhà này cách nhà kia cả cây số, trong khi ở miền núi đi lại khó khăn, chưa kể những ngày thời tiết xấu mà lại có công việc cần thông tin cho bà con thì việc đi lại vô cùng vất vả, thậm chí nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cũng còn khó khăn, không phải gia đình nào cũng mua được điện thoại thông minh để liên lạc, huống chi cho con máy tính, điện thoại để học tập trực tuyến.

Câu chuyện nều ra ở đây là nếu có máy tính, có điện thoại thông mình nhưng không phủ sóng internet thì việc tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin cũng không thể thực hiện được.

{keywords}
 

Theo Tiến sĩ Trương Thị Hiền thì chúng ta cần lưu ý những gì để đảm bảo hiệu quả cho phương thức tuyên truyền mới này?

Tiến sĩ Trương Thị Hiền:

Trong bối cảnh hiện nay, sử dụng mạng xã hội sẽ giúp tăng hiệu quả thông tin tuyên truyền, rút ngắn khoảng cách thông tin, đảm bảo tất cả các cộng đồng DTTS gia tăng cơ hội bình đẳng trong tiếp cận thông tin để phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Tuyên truyền qua mạng xã hội là xu thế tất yếu.

Chia sẻ thông tin trên mạng xã hội thì rất nhanh. Nhưng tôi thấy hiện nay có tình trạng khi đưa các thông tin văn bản, quy định pháp luật thì chỉ sao chép các nội dung văn bản, chỉ thị…, có những khi dài hơn 10 trang, thì đa phần người dân không muốn đọc.

Với người dân, đặc biệt là người DTTS thì nội dung tuyên truyền nên để ở dạng gạch đầu dòng để người dân có thể thực hiện được.

Trên thực tế có buổi tuyên truyền về pháp luật, người dân nghe nghiêm túc cả buổi, theo đánh giá bên ngoài thì có vẻ như họ đang chăm chú tiếp nhận, đang nuốt từng lời, thế nhưng hết buổi tuyên truyền là lại không nhớ gì. Khi tuyên truyền mà chỉ thấy nói luật này, văn bản nọ, số kia…, họ nói luật chán, nhiều số, không nhớ được. Bởi thế, chúng ta nên tuyên truyền dưới dạng thực hành, dễ nhớ.

Mặt khác, chúng ta hay nói người DTTS khó khăn, lạc hậu. Song có vẻ như chúng ta đã không truyền thông một cách khách quan theo những gì thực tế đang diễn ra. Xem chương trình dành riêng cho người DTTS vẫn toàn thông tin liên quan đến hình ảnh lạc hậu, khó khăn, khiến nhiều người nghĩ thực tế vẫn đang tồn tại như vậy, trong khi thực tế đã chuyển biến khá mạnh.

Khi tuyên truyền về cộng đồng DTTS, có thể phân chia thành các nhóm về vùng miền, văn hóa, mức độ hiện đại hóa của các cộng đồng… để tuyên truyền cho phù hợp.

Với những địa phương có nhiều khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn như Nghệ An, đâu là những thuận lợi cũng như hạn chế khi đầu tư và triển khai tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo trên mạng xã hội, Internet, thưa bà Minh Lý?

Thạc sĩ Phan Thị Minh Lý:

Ở Nghệ An có 252 xã khó khăn, hơn 1.000 thôn bản khó khăn tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi phía tây. Do đó, thuận lợi cũng đi liền với khó khăn chính là nét nổi bật trong tuyên truyền của địa phương.

Thứ nhất, dù là tỉnh có diện tích lớn (khu vực miền núi chiếm 82% diện tích) nhưng mạng lưới Internet đã phủ tới tận 100% trung tâm các xã. Tuy nhiên, vùng lõm sóng vẫn còn nhiều và mới phục vụ được tới khu vực trung tâm.

Thứ hai, triển khai tuyên truyền trên mạng liên quan tới nội dung và nhân lực thực hiện. Năng lực của cán bộ cơ sở về nội dung tuyên truyền còn hạn chế, chưa nói tới trình độ về công nghệ.

Hiện số lượng cán bộ tuyên giáo cơ sở Nghệ An còn tương đối mỏng, mỗi huyện chỉ có từ 3 - 5 người chuyên trách, cơ sở thì kiêm nhiệm về công tác tuyên truyền. 

Mặc dù Internet xóa nhòa khoảng cách, nhưng đặt ra vấn đề là không phải ai cũng đủ năng lực tiếp nhận. Nhiều người dễ bị “ngộ độc” thông tin, bởi khi họ không có kiến thức nền thì thông tin trên mạng nó như con dao hai lưỡi khiến đồng bào càng dễ bị lôi kéo bởi các đối tượng xấu. Khi họ bị lôi kéo, việc tuyên truyền của cán bộ cơ sở dễ bị đồng bào nghi ngờ và không khéo trở thành “lợi bất cập hại”.

Tuy nhiên, thời gian qua Nghệ An làm rất tốt công tác thông tin cơ sở (đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở). Trong đợt bùng dịch Covid-19 vừa qua, hệ thống này đã phát huy tác dụng rất tốt. Lợi thế của truyền thanh cơ sở là sự ''cưỡng chế'' thông tin, và người dân nghe và tuân thủ gần như tuyệt đối chủ trương chống dịch của Chính phủ là ví dụ.

Ngoài ra, cách thức tuyên truyền cũng được Nghệ An đổi mới và thực hiện rất tốt. Ví dụ về chống dịch Covid-19, các biện pháp 5K hay chủ trương tiêm vaccine được đồng bào hưởng ứng sau khi tiếp nhận thông tin từ hệ thống truyền thanh cơ sở rất tốt.

Cuối cùng, chúng tôi cũng tăng cường tập huấn cán bộ cơ sở cách lên mạng tìm kiếm thông tin chính thống qua đó tuyên truyền lại cho đồng bào, do kỹ năng tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo cũng còn hạn chế.

Hy vọng, sau tọa đàm này chúng tôi sẽ được Bộ TT&TT nói chung, các chuyên gia tham dự tọa đàm nói riêng hỗ trợ các giải pháp tuyên truyền, cách biên tập nội dung tuyên truyền… sao cho bắt kịp được với nhu cầu thực tiễn hiện nay tại địa phương.

{keywords}
 

Câu hỏi cuối cùng xin gửi tới nhà báo Nguyễn Viết Tôn: Là một nhà báo, ông có khuyến nghị gì để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới, thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn:

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo trong thời gian tới, tôi thấy cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền với nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể cần nâng cao hiệu quả công tác nắm, đánh giá, dự báo tình hình nhân dân, chủ động ứng phó, hóa giải kịp thời với những vấn đề phức tạp nảy sinh, giữ vững ổn định xã hội.

Hai là, chú trọng nhân rộng, phát triển các mô hình, điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có đông đồng bào tôn giáo về những các làm hay, hiệu quả trong coogn tác dân vận, vận động quần chúng. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần chú trọng định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình, điển hình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và có giải pháp để nhân rộng các mô hình, điển hình có hiệu quả.

Ba là, các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức tốt công tác tiếp dân; phát huy vai trò của người đứng đầu các cấp, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc đối thoại với nhân dân, luôn  lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các địa phương, cơ quan chức năng tập trung giải quyết hiệu quả, dứt điểm đơn thư, khiếu nại tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để phát sinh “điểm nóng”. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có đông đồng bào tôn giáo. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là công tác nắm tình hình nhân dân ở những địa bàn dễ nảy sinh phức tạp.

Năm là, nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, cần tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân ở miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư, Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; tiếp tục tổ chức thi hành nghiêm túc, đồng bộ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đẩy mạnh nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách của tỉnh về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có các chính sách về miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng; tăng cường đầu tư nguồn lực, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân vùng dân tộc, miền núi, vùng có đông đồng bào tôn giáo trên địa bàn.

Cảm ơn nhà báo Nguyễn Viết Tôn và các vị khách mời đã tham gia tọa đàm hôm nay, đóng góp, chia sẻ nhiều thông tin quý báu để tọa đàm thành công tốt đẹp!

Nhóm phóng viên

Bộ TT&TT đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh triển khai. 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4, trong đó, 65% có phát sinh hồ sơ.

Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn của du khách!

Địa điểm sống ảo, khu du lịch cộng đồng độc đáo, điểm đến văn hóa… chính là những mỹ từ của du khách cảm nhận khi đến với Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Sơn Tây, Hà Nội.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Qua 5 năm đi vào cuộc sống, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã phát huy tốt được vai trò là cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo… tại Việt Nam.

Kon Tum: Đa dạng sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều  mô hình liên kết sản xuất xã Ia Chim (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số,  vươn lên thoát nghèo.

Hàng trăm suất cơm nhà chùa hỗ trợ bệnh nhân Bệnh viện K mùa dịch

Hàng trăm suất cơm nhà chùa đã được gửi đến Bệnh viện K cơ sở 2 (địa chỉ tại 304 Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) nhằm giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân và người nhà đang sống ở đây.

Tăng cường đưa công nghệ thông tin tới vùng dân tộc thiểu số

Mức độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân vùng dân tộc thiểu số đã tăng lên. Đây là tín hiệu đáng mừng trong tiến trình đưa vùng dân tộc thiểu số tiệm cận với mức phát triển chung của cả nước.

Gắn kết tình quân dân

Mối quan hệ quân - dân gắn bó đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Câu chuyện về di sản văn hóa cộng đồng

Tuyển tập các câu chuyện về di sản văn hóa cộng đồng do Hội đồng Anh ấn hành giúp lan tỏa, tôn vinh và tạo ra một tương lại tốt đẹp hơn cho di sản văn hóa Việt Nam.

Tình người trong đại dịch

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đất nước đang gặp vô vàn khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đó, những hành động đẹp của mỗi cá nhân, tổ chức đều vô cùng đáng quý, đáng trân trọng.

Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Với gần 15 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống trải dài ở 3/4 diện tích đất nước, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đến nay vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, bất cập.

Đang cập nhật dữ liệu !