Tình huống nào có thể xảy ra nếu không thi THPT và xét tuyển đại học theo học bạ?
Về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: "Các trường THPT ở các địa phương khác nhau, có mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất, chất lượng khác nhau nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau. Ví dụ một em học điểm toán 9.0, học lực giỏi theo học bạ của trường này không có nghĩa tương đương với học lực giỏi ở một trường khác. Khi đó chúng ta xét theo học bạ sẽ có yếu tố thiếu chính xác, thiếu công bằng về học lực và có thể có yếu tố thiếu khách quan, nhất là các ngành “hot” như Y, Dược, Kinh tế, Luật, CNTT…".
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội |
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng phân tích, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT cũng không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm” cho học sinh, khi đó, mặc dù có thể có học bạ tốt và trúng tuyển vào ngành yêu thích, nhưng khi vào học lại rất khó có thể theo học được, ví dụ các ngành khó như toán học, vật lý, CNTT, hóa học, y dược, tự động hóa, cơ điện tử,... các em sẽ không học được, phải bỏ học giữa chừng, lãng phí tuổi xuân cho thí sinh và thiệt hại tài chính cho gia đình và nhà trường.
Hơn nữa, còn nảy sinh những phức tạp trong quá trình quản lý đào tạo. Ví dụ thí sinh trúng tuyển năm nay theo hình thức xét tuyển học bạ, vài năm sau xin chuyển trường. Trước kia, theo quy chế đào tạo, một trong những yêu cầu tiên quyết là điểm đầu vào đại học không được thấp hơn nếu muốn chuyển sang trường khác. Nay không có mặt bằng điểm thi đầu vào, rất khó xử lý và dễ xảy ra tiêu cực, nhất là khi ngành đó là ngành “hot” và thường những năm trước ở mức 27, 28 điểm mới trúng tuyển.
Về việc hiện nay các trường đang “nở rộ công bố” phương án tuyển sinh GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết: "Trước tình hình dịch bệnh, các trường đại học lo lắng về kỳ tuyển sinh đại học, đó là việc đương nhiên và hoàn toàn chính đáng. Việc xét tuyển đại học chỉ căn cứ vào học bạ, có thể nhàn cho các trường và dễ tuyển sinh, nhưng chúng ta có căn cứ để băn khoăn về chất lượng đầu vào".
Ảnh minh họa |
Phân tích về điều này, GS. Nguyễn Đình Đức cho biết, ở Mỹ, quyền tuyển sinh được giao cho các trường tự chủ hoàn toàn, nhưng đều có mẫu số chung là lấy điểm thi ACT và SAT là điều kiện cần. Sau đó từng trường lại có yêu cầu riêng tùy từng ngành, có thể là kỳ thi chuyên biệt dạng SAT2, kỳ thi năng khiếu hoặc bài luận.
Ở Việt Nam, muốn tuyển sinh đại học có chất lượng, chúng ta phải có một kỳ thi/hay bài thi để đánh giá chuẩn kiến thức và năng lực như vậy trên toàn quốc. Sau đó các trường trên cơ sở tự chủ của mình có thể có thêm các yêu cầu khác với thí sinh, tùy theo từng ngành. Thực chất mấy năm gần đây, điểm thi THPT toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã được xem như ngưỡng xét tuyển đầu vào trên mặt bằng chung để xét tuyển vào đại học.
Như vậy, về lâu dài, khi tách kỳ thi THPT riêng giao cho các sở, chúng ta có thể giao cho một số trung tâm khảo thí độc lập tổ chức nhiều kỳ thi trong năm với các bài thi nhằm giúp các trường đại học có thể lấy kết quả để tuyển sinh đại học. Nhưng ma trận đề thi, độ khó dễ phải có sự tương đồng, thống nhất và tương đương giữa các trung tâm này và phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và quản lý. Có như vậy mới đảm bảo sự thống nhất và công bằng, cũng như thuận lợi khi quản lý sinh viên trong quá trình đào tạo.
Lưu ý là các bài thi ACT và SAT, với kiến thức cốt lõi là Toán, Ngữ văn và bài luận. Như vậy, một thí sinh, muốn học bất kỳ ngành nào, kể cả khối xã hội nhân văn cũng phải trải qua bài thi với các kiến thức như vậy.
Hơn nữa bây giờ là thời đại CMCN 4.0, ngoài giáo dục khai phóng (Libert Art), thì giáo dục STEM đã và đang là mục tiêu của giáo dục trong thời đại ngày nay. Tuyển sinh vào đại học của Việt Nam chắc chắn cũng phải hội nhập theo xu thế này. Vì vậy, tôi cũng kiến nghị Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét và cũng cần có quy định rõ ràng từ cơ quan quản lý Nhà nước, không nên để thả nổi cho các trường chọn quá nhiều tổ hợp xét tuyển, môn xét tuyển mà thiếu các môn cơ bản như Toán và Ngữ văn, như hiện nay.
"Với năm nay, phương án lý tưởng là hy vọng bệnh dịch sớm kết thúc và chúng ta vẫn kịp tổ chức được kỳ thi THPT quốc gia như kỳ vọng. Hai là, đành phải chấp nhận giải pháp tình thế, là phương án xét học bạ chỉ như là sơ tuyển, có thể tuyển thẳng với các em học sinh giỏi các trường chuyên, đoạt giải quốc gia, quốc tế, sau đó các trường cần chủ động có phương án tổ chức các kỳ thi tuyển (trên giấy hoặc máy tính).
Và với các điều kiện cơ sở vật chất hiện tại thì bài thi giấy sẽ thuận lợi hơn (khi hết dịch Covid-19) để đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với từng ngành trong trường (ví dụ ngoài Toán và ngữ văn, với ngành y dược có thể có bài thi môn sinh học hoặc hóa học, hoặc có thể là các môn ngoại ngữ với các ngành ngoại ngữ,…). Các trường nhỏ hơn và chưa có điều kiện tổ chức kỳ thi riêng thì có thể hợp tác và lấy điểm thi đầu vào của các trường này làm căn cứ xét tuyển đại học", GS. Đức cho hay.