Tin mới nhất vụ sập hầm: Nổ 2 quả mìn phá đá ở hầm phụ
11h ngày 19/12:
Có mặt thị sát công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường lúc này có bà Trương Thị Mai - Uỷ viên Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội.
Hiện nay, một tổ công nhân vẫn đang di chuyển trang thiết bị đến một điểm khoan khác cao gần 30 mét so với điểm khoan gặp sự cố vào chiều hôm qua.
Mũi khoan mới này sẽ được tiến hành song song. Như vậy đến nay lực lượng cứu hộ cứu nạn tại hiện trường đồng thời khoan 2 vị trí khác nhau hướng từ trên đỉnh đồi xuống khu vực hầm sập.
10h ngày 19/12:
Ban chỉ đạo cứu nạn cứu hộ vừa cho nổ 2 quả mìn ở hầm phụ bên để phá đá. Đây là phương án đã được tính đến khi lực lượng công binh và công nhân của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đào hầm phụ gặp phải đá rắn.
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng thông tin, tính đến thời đểm sáng 19/12 đã có khoảng 700 người tham gia vào công tác cứu nạn tại hiện trường vụ sập hầm.
Lúc này, tổ bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cứ 4 giờ lại truyền dung dịch dinh dưỡng vào cho nhóm công nhân.
Ông Lê Việt Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nhôm Lâm Đồng, đơn vị hỗ trợ cứu hộ cứu nạn nhận định, với thời tiết nùa mưa như ở đây thì không đáng lo ngại, chỉ sợ nước ngầm dâng cao gây khó khăn cho việc đào hầm giải cứu.
9h30 ngày 19/12:
Đại tá Phạm Văn Tỵ - Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng có mặt tại hiện trường cho biết, nước trong hầm hiện nay đã không còn ngập, sức khỏe của nhóm công nhân vẫn ổn.
9h00 ngày 19/12:
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện nay chúng ta đang triển khai tất cả các phương án, tích cực làm theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Mũi khoan thoát nước từ phía hạ lưu đã khoan chạm tới vị trí hầm bị sập và lưu lượng thoát nước và bùn vào khoảng 10 – 15m3/ giờ.
Hai hầm cứu nạn đang đào phía thượng lưu (từ cửa hầm vào) cả đường bên trái và bên phải tiến độ tương đối khả quan, hiện đã đào được hơn 10 mét. Hi vọng trong đêm nay, rạng sáng mai sẽ có một bước ngoặc.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng |
Trả lời câu hỏi của phóng viên Infonet về việc tại sao không nhờ chuyên gia nước ngoài, ông Hùng cho biết, Ban chỉ đạo công tác cứu hộ đã tính đến nhiều phương án trong đó có hướng nhờ chuyên gia nước ngoài hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn.
Theo ông Hùng, có công nghệ là khoan kích đẩy, khoan 1 đường ống (phi 800 – 1000), khoan đến đâu đẩy ống kích đến đấy. Ban chỉ đạo cứu hộ cứu nạn đã chuyển bản đồ địa chất đường hầm bị sập cho các chuyên gia của Nhật, Đài Loan và một số nước khác nghiên cứu. Tuy nhiên thời gian để họ có mặt, triển khai cứu hộ mất khoảng 1 tuần. Trong khi đó chúng ta vẫn đang tiến hành các phương án tiếp cận như hiện nay. Trường hợp 2 đường hầm cứu nạn đang đào có trục trặc thì sẽ bố trí máy bay yêu cầu họ đưa thiết bị sang ngay lập tức. Phương án dùng cọc khoan nhồi từ trên đỉnh xuống cho thấy không khả quan.
“Tôi vừa trong hầm ra, các công nhân có liên lạc với anh em bị kẹt trong hầm. Mọi người vẫn trả lời rõ ràng, rành mạch. Hi vọng sức khỏe của mọi người vẫn ổn định. Đến hôm nay đã là ngày thứ 4 rồi và rất may đã đưa được nguồn điện vào cho nhóm công nhân bị kẹt thắp sáng để mọi người có thể di chuyển đến những vị trí cao hơn cũng như hỗ trợ thông tin từ bên trong ra. Công tác thoát nước và đào hầm có tín hiệu khả
quan”, ông Hùng nói.
Trả lời câu hỏi về việc đã kiểm tra việc thi công đường hầm dẫn đến xảy ra tai nạn chưa, ông Hùng cho hay vẫn chưa đặt vấn đề này ra. Thời điểm này chỉ tập trung công tác cứu hộ, sớm đưa người ra nhưng chắc chắn là sau khi giải quyết xong sẽ xem xét nguyên nhân và lỗi ở đâu.
Sau 3 ngày vụ sập đường hầm xảy ra, sáng 19/12, thời tiết tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nơi xảy xa tai nạn, có nắng ấm. Đây là điều kiện thuận lợi cho lực lượng cứu hộ, cũng như các công nhân đang bị kẹt trong hầm.
----------------------------
Vào khoảng 10h đêm hôm qua 18/12, ông Nguyễn Văn Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có hành động trấn an tinh thần nhóm công nhân đang bị mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo bằng cách viết thư tay gửi vào.
Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng (bên phải) tại hiện trường đêm 18/12. |
Bức thư được ông Yên trao cho lực lượng cứu hộ cứu nạn kèm theo đoạn dây nhựa (dài 60 mét). Vị Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng còn yêu cầu nếu được hãy đưa giấy, bút vào để các công nhân có thể hồi âm ra.
Nội dung lá thư của ông Yên như sau:
“Thân gửi 12 anh chị em trong hầm!
Ban chỉ đạo phòng chống cứu nạn đang tập trung toàn lực để giải cứu các anh chị, với lực lượng máy móc để giải cứu các anh chị; với lực lượng máy móc thiết bị hiện đại nhất và hàng trăm nhân lực của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ y tế, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng.
Anh chị em yên tâm, bằng mọi cách bảo vệ sức khỏe và thông tin kịp thời ra ngoài những yêu cầu của mình để được đáp ứng.
Ở ngoài này mọi người làm việc 24/24 giờ với tinh thần nhanh nhất để cứu các anh chị.
TM. Ban chỉ đạo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
Nguyễn Văn Yên”.
Bức thư ông Yên viết gửi 12 công nhân đang bị mắc kẹt trong hầm. |