Tín hiệu mừng đối với NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg |
Mới đây, phát biểu tại diễn đàn Công nghiệp NATO tại Berlin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hiện đã có 11 trong tổng số 29 nước thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP.
Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh: "Tình hình hiện nay tuy còn nhiều phức tạp, nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với ba năm trước, khi đó chỉ có 3 nước thành viên Liên minh đạt được mục tiêu 2% GDP, còn bây giờ có thêm 8 nước đồng minh nữa". Bài phát biểu của Tổng thư ký được đăng tải trên trang web của liên minh quân sự này.
Ông Stoltenberg ghi nhận một xu hướng tích cực, đó là các đồng minh đang ngừng cắt giảm chi tiêu quốc phòng, nhưng ông cũng thừa nhận rằng "để nhận được hỗ trợ chính trị từ các nước trong liên minh thì cực kỳ khó khăn".
Hiện tại, các thành viên châu Âu của NATO trung bình chi tiêu cho quốc phòng ít hơn 1,5% GDP so với 3% vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trong năm 2014, tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Wales đã thông qua quyết định, theo đó trong tương lai, tất cả các nước NATO sẽ tăng chi tiêu quốc phòng của mình lên 2% GDP. Tuy nhiên, tính tới 2017, chỉ có 4 trong tổng số 29 nước đạt được mục tiêu. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi các đối tác thực hiện các thỏa thuận đã đạt được, nếu không Hoa Kỳ sẽ hạn chế tham gia vào các chương trình chung.
11 nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP |
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels hồi tháng7 vừa rồi, nhà lãnh đạo Mỹ đã đặt ra mức mới là 4%. Tổng thống Trump cho biết ông muốn các đối tác NATO phải nhanh chóng hoàn thành cam kết nâng mức chi tiêu quốc phòng mỗi năm lên bằng 2% GDP và mục tiêu cuối cùng là các thành viên phải chi 4% GDP cho ngân sách quốc phòng.
Các nước thành viên NATO có những đóng góp theo hình thức trực tiếp và gián tiếp. Đóng góp trực tiếp là đóng chi phí tài trợ chung cho toàn bộ nhu cầu liên minh. Đóng góp theo hình thức quốc gia là cung cấp thiết bị hoặc quân đội để tham gia vào hoạt động quân sự và các chi phí liên quan đến hoạt động này.
Diễn đàn Công nghiệp của NATO được xem là nền tảng đối thoại chiến lược với các nhà sản xuất trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Diễn đàn được tổ chức với sự hỗ trợ của Tổng thư ký Stoltenberg cùng với Tư lệnh tối cao NATO Andre Lanata và Trợ lý Tổng thư ký về đầu tư quốc phòng Camille Grand.