Tiếp công dân tốt thì sẽ không xuất hiện các điểm nóng
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu nhận định sau đợt giám sát về công tác tiếp tiếp công dân, đối thoại với công dân.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: "Tại sao ở nhiều địa phương, người dân không đồng tình với các quyết định, việc làm của chính quyền địa phương? Tại sao dân đưa trẻ em ra đường nóng nóng như thế để phản đối chính quyền, chắc chắn dân cũng không sung sướng gì đâu. Điều này cần phải xem xét lại” |
Báo cáo KT- XH chưa đề cập nhiều đến mảng xã hội
Tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay, nhiều ĐB nêu ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Liên quan đến việc quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị những vấn đề này cần phải được thể hiện rõ hơn trong báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn lại vụ việc phức tạp tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vừa qua và cho rằng, rõ ràng quản lý đất đai ở nhiều địa phương của nước ta hiện có vấn đề. Vì thế, cần phải rà soát lại, rút kinh nghiệm để quản lý sao cho đúng nguyên tắc và thống nhất từ trên xuống dưới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trăn trở: “Tại sao ở nhiều địa phương, người dân không đồng tình với các quyết định, việc làm của chính quyền địa phương? Tại sao dân đưa trẻ em ra đường nóng nóng như thế để phản đối chính quyền, chắc chắn dân cũng không sung sướng gì đâu. Điều này cần phải xem xét lại”.
Theo bà Phóng, không phải do chính sách, luật pháp về đất đai chưa đầy đủ mà cái chính là khâu thực thi, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng chưa tốt.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng trong báo cáo kinh tế - xã hội mới chỉ nặng về kinh tế mảng xã hội còn bị xem nhẹ. Đặc biệt đối với công tác quản lý đất đai một số nơi còn bất cập… đây là vấn đề mà qua công tác xử lý đơn thư tố cáo và giám sát các việc giải quyết đơn thư tố cáo ở các địa phương nổi lên.
“Hành lang pháp lý là tương đối đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai thực hiện gây ra những bức xúc trong vấn đề thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện không đúng pháp luật. Ví dụ các quy trình thủ tục thông báo quyết định đền bù, mức đền bù, kế hoạch cưỡng chế…là không đầy đủ, đảm bảo tính minh bạch đối với người dân và không thực hiện theo đúng các bước trong luật đất đai. Hoặc khi người dân có tố cáo, khiếu nại thì không thực hiện theo đúng các bước trong luật tiếp công dân, luật xử lý tố cáo, khiếu nại. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm những vấn đề này lại không được thực hiện thường xuyên”- bà Hải nhấn mạnh.
Chất lượng tiếp công dân chưa tốt
Đặc biệt, theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện cũng nhấn mạnh vấn đề mà qua đợt giám sát nhận thấy rất bất cập đó là công tác tiếp tiếp công dân, đối thoại với công dân. Hiện nay có thực trạng không thực hiện theo luật. Theo bà Hải trong quá trình thực hiện giám sát giải quyết đơn thư tố cáo ở địa phương nhận thấy nhiều địa phương không đúng luật. Cụ thể, luật quy định chủ tịch tỉnh phải tiếp công dân 1 năm 12 lần (1 tháng một lần), nhưng đi giám sát cho thấy một năm chủ tịch chỉ trực tiếp tiếp 3 lần/năm còn lại giao cho Phó chủ tịch (mỗi đồng chí phó lại tiếp một hai tháng khác nhau chứ không phải một đồng chí tiếp liên tục. Vì vậy vấn đề theo dõi không được liên tiếp, xuyên suốt. Chưa kể người tiếp không đúng thẩm quyền (phó chủ tịch giao cho Chánh thanh tra, Phó chánh văn phòng) tiếp rồi về tổng hợp báo cáo…điều này ảnh hướng chất lượng tiếp công dân.
“Đặc biệt khi đi giám sát ở rất nhiều tỉnh, đến địa phương, lãnh đạo tỉnh yêu cầu giơ lịch tiếp công dân một tháng 2 lần, một năm 24 lần đối với cấp huyện và một tháng 4 lần, một năm 48 lần đối với chủ tịch xã đều không có, thậm chí nhiều khi còn nói rõ không giám sát được việc này, điều đó dẫn tới việc công tác tiếp công dân ở cơ sở còn hạn chế.
Vì vậy nhiều việc rất đơn thuần như người dân không nắm được thông tin, không nắm rõ được quy trình thủ tục để thu hồi đất đai nhưng vì không được tiếp, không được đối thoại. Thậm chí có tình trạng ở cấp xã còn giao cho cán bộ không chuyên trách tiếp công dân. Trong khi chúng ta đều ý thức được nếu việc tiếp công dân tốt, đối thoại với dân tốt thì chuyện lớn sẽ biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có gì, nếu tiếp công dân tốt thì sẽ không xuất hiện các điểm nóng” – bà Nguyễn Thanh Hải nói.