Tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 11 tuổi: Phụ huynh lo ảnh hưởng tuổi dậy thì cũng như khả năng sinh sản, bác sĩ nói gì?
Mong muốn con được đi học nhưng nghĩ tới tiêm vắc xin, nhiều phụ huynh cũng lo lắng không biết như thế nào?
Chị Nguyễn Thị Nga – trú tại Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ con gái chị sinh năm 2011, đến nay cháu đang tuổi tiền dậy thì và gần đây có thông tin các cháu sẽ được tiêm vắc xin để có thể đi học thoải mái. Bản thân chị Nga lo lắng không biết có nên tiêm hay không.
Cháu lớn 15 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi nhưng ban đầu quyết định cho con đi tiêm vợ chồng chị Nga cũng “cân não” không ít ngày, đưa ra các yếu tố nguy cơ về tiêm chủng cũng như lợi ích để cho con tự lựa chọn.
Nhưng bé gái thứ 2 thì anh chị không biết sẽ như thế nào. Mẹ chỉ nhắc tới tiêm cháu đã sợ hãi không muốn tiêm.
Cùng suy nghĩ, chị Hoàng Thị Minh – Long Biên, Hà Nội, cũng cho biết nếu phải lựa chọn tiêm cho con gái 10 tuổi thì chị Minh sẽ không tiêm vì bé đang chuẩn bị vào tuổi dậy thì, chị Minh lo lắng liệu tiêm vắc xin có ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con hay không. Bà mẹ này cũng sốt ruột khi nghe tới việc sắp tới tiêm cho trẻ dưới 11 tuổi.
Theo BS Trương Hữu Khanh – Nguyên trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, việc tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 tới 11 tuổi không đáng lo vì ở tuổi này trẻ chưa phát triển nhiều về các mặt sinh lý, hơn nữa liều lượng vắc xin cho trẻ nhỏ liều thấp hơn. BS Khanh cho biết quan điểm của ông là chỉ tiêm cho trẻ có yếu tố nguy cơ như bệnh nền, bệnh bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, béo phì chứ không nên tiêm chủng 100%, nên cho phụ huynh lựa chọn.
Tiêm vắc xin cho trẻ em ở TP.HCM. |
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, đến nay có hơn 20 quốc gia đã thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Các đánh giá đều cho thấy vắc xin an toàn và không tăng các biến cố bất lợi sau tiêm chủng ở nhóm tuổi này so với người ở các độ tuổi khác được tiêm vắc xin.
BS Minh cho biết việc tiêm vắc xin hiện nay tại nhiều quốc gia vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện, và ba mẹ cân nhắc yếu tố nguy cơ – lợi ích khi đồng ý tiêm vắc xin cho con. Mục tiêu khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là tăng cường tỷ lệ bao phủ vắc xin, đồng thời ngăn ngừa trẻ em mắc bệnh và lây nhiễm cho những người khác trong gia đình.
Hệ miễn dịch của trẻ em khoẻ mạnh có khả năng đối phó với biến chủng Omicron tốt hơn người lớn, nhưng tiêm chủng sẽ giúp giảm những hậu quả nghiêm trọng của Covid-19 ở những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu, nhất là những trẻ có những bệnh lý nghiêm trọng (tim bẩm sinh, ung thư, suy thận mãn...), đồng thời ngăn chặn nguy cơ mắc các di chứng kéo dài hậu Covid-19 ở trẻ em.
Tiêm vắc xin cho trẻ em sẽ giúp ngăn chặn việc lây truyền bệnh và bảo vệ các thành viên dễ bị tổn thương do Covid-19 trong gia đình (người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính...) trong trường hợp trẻ mắc bệnh. Không có bằng chứng về việc vắc xin Covid-19 có ảnh hưởng tới giai đoạn tuổi dậy thì của trẻ cũng như khả năng sinh sản trong tương lai.
Hiện nay vắc xin được sử dụng cho nhóm tuổi này là vắc xin của Pfizer, với liều lượng kháng nguyên chỉ bằng một phần ba so với những người trên 12 tuổi và hai mũi tiêm sẽ cách nhau 3 tuần – 8 tuần (tuỳ quốc gia). Chưa có khuyến cáo về tiêm mũi 3 cho nhóm tuổi này.
Thực tế có những chị em phụ nữ sau tiêm vắc xin họ bị rối loạn kinh nguyệt nên không khỏi lo lắng, nhiều hiểu lầm và tin đồn đã lan truyền xung quanh tác động của việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 đối với việc mang thai và khả năng sinh sản. Tuy nhiên, thạc sĩ Minh cho biết hiện nay chưa có bằng chứng đầy đủ về việc vắc xin Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới.
Những tin đồn không có đủ cơ sở để kết luận có thể ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng quốc gia, chậm đạt đến miễn dịch cộng đồng và nguy cơ tác động tiêu cực đến kế hoạch kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.
Khánh Chi