Tiếc thương một văn hoá được thực hành theo nghĩa “đen”
Ni sư, Tiến sĩ Phật học Pháp Hỷ chia sẻ: “Tám năm trước khi tôi đến thăm một ngôi chùa ở Hà Nội vào dịp đầu năm, vườn chùa xơ xác đến thảm hại. Tôi được thầy trụ trì cho biết nhiều người đã đã vào hái lộc - dẫm đạp lên cây nhỏ, vặt trụi các cây vừa, và bẻ cành các cây lớn trong vườn chùa gây ra thảm trạng đó.”
Mùa xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, là biểu tượng cho những điều tốt đẹp. Ảnh:HN |
Nhìn gốc mai già không còn hoa lá, ni sư Pháp Hỷ ngậm ngùi, rồi chợt có chút trào lộng nhớ đến câu thơ trong Truyện Kiều: “Khi về hỏi liễu chương đài - Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay”.
“Ý tứ của câu thơ trên chẳng có gì liên hệ đến nhau, chỉ là niềm tiếc thương cho một văn hóa đẹp đã bị hiểu theo nghĩa đen và thực hành một cách thô thiển đến tan nát một nét đẹp của chuyện “rước thần tài, hái lộc non” đầu năm trong văn hóa.” – Ni sư Pháp Hỷ cho biết.
Theo Tiến sỹ Pháp Hỷ, người đến chùa với ý định cầu tài cầu lộc, nhất là vào dịp đầu năm, vẫn phổ biến là người đến để học Đạo, để hướng đến những điều thiện mỹ. Tuy nhiên cũng không ít người đến chùa theo “mùa vụ” và tham gia tập tục theo “phong trào” nên mới xẩy ra nông nỗi “cưỡng tài và cướp lộc” ở các đền chùa vào các dịp lễ-tết.
Cầu tài cầu lộc sao cho đúng?
Vậy văn hóa cầu tài, phát lộc nên hiểu và thực hành như thế nào cho đúng với bản sắc truyền thống Đạo Phật Việt Nam vốn tốt đẹp và hướng thiện? Theo Tiến sỹ Pháp Hỷ, đó vốn là một nét văn hóa thuần phong mỹ tục khi đạo lý sống trên kính thần Phật, dưới sẻ chia-bố thí với muôn loài chúng sinh trong các lễ hội dân gian và Phật giáo hòa quyện.
Thông thường khi thờ cúng tổ tiên hay thần Phật xong, người tiến lễ thường ‘phát lộc’ cho mọi người xung quanh như một kiểu bố thí hồi hướng phúc đức cho các chúng sinh trong khổ cảnh, nhất là trong cõi ngạ quỉ. Đây cũng là hành động để gián tiếp xin mọi người hoan hỷ với việc phúc đức mà mình đã làm.
Tiến sỹ Pháp Hỷ cho rằng, việc làm phúc đức này nên được làm một cách có tổ chức, có trật tự và đặc biệt là khi cho người dưới cũng nên làm với tâm thái và cử chỉ kính trọng như khi cúng tiến lên bậc trên (thần - Phật). Có vậy phúc đức mới tăng thịnh mỹ mãn. Không nên phát lộc theo kiểu đứng từ trong đền hay chùa ném ra xung quanh để cho người đến “xin lộc” xông vào, giẫm đạp lên nhau để “cướp lộc” tạo ra cảnh hỗn loạn và rất mất văn hóa, thiếu tôn trọng kẻ nhận.
Còn việc hái lộc hiên hiểu thế nào? Theo Tiến sỹ Pháp Hỷ, lộc là những mầm non hoa lá mới nhú trên cây khi Đông tàn Xuân đến. Lộc cũng còn được hiểu là những quả phúc thiện lành, những may mắn lợi lạc bất ngờ ngoài niềm mong đợi. Do lộc đến không do cưỡng cầu, hãy hái với tất cả tấm lòng trân trọng và biết ơn trời đất thần Phật tổ tiên đã gia hộ độ trì cho con cháu có Phúc-Lộc-Thọ. Nếu chúng ta không biết ơn và trân trọng, chỉ tham lam vặt trụi những gì trong tầm tay, thì lộc sẽ héo tàn và đất đai khô cằn không còn sức sống nhân bản.