Tỉ lệ người mắc stress càng ngày càng tăng
Cách đây một tháng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) nhận một bệnh nhân nam 35 tuổi là giám đốc doanh nghiệp. Trên người bệnh nhân toàn áo quần hàng hiệu, trông có vẻ khá giả nhưng lại luôn lẫn lộn những người xung quanh. Theo các bác sĩ, bệnh nhân đang gặp một số vướng mắc liên quan đến công việc, dẫn đến lo lắng thái quá và rối loạn hành vi.
Quá nhiều nguy cơ
Theo bác sĩ Lý Trần Tình - giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, mặc dù không có thống kê chính thức, nhưng qua thực hành lâm sàng có thể thấy số lượng bệnh nhân có các vấn đề về stress liên quan đến công việc đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Trong năm năm trở lại đây, cơ cấu bệnh lý ở bệnh nhân có các rối loạn về tâm thần đã có sự thay đổi. Trước kia, bệnh nhân tâm thần phân liệt chiếm tỉ lệ rất cao từ 70-80%, gần đây số lượng bệnh nhân có vấn đề về stress, căng thẳng, mất ngủ, trầm cảm lại gia tăng, chiếm tỉ lệ tương đương nhóm bệnh nhân tâm thần phân liệt.
Theo phân tích của ông Lý Trần Tình, xã hội ngày nay tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến đời sống và sức khỏe tâm thần của con người. Có thể thấy những nguy cơ lớn như ô nhiễm môi trường, sự phát triển nhanh chóng, ồ ạt và khó kiểm soát của công nghệ, lối sống mới. Tình hình an ninh trật tự có dấu hiệu đi xuống, chính sách cho an sinh, giáo dục còn nhiều bất cập... tất cả những điều này tạo thành những sức ép, áp lực cho từng cá thể xã hội. Khi những nguy cơ này tác động cùng một lúc và trong một thời gian ngắn lên một người nào đó sẽ trở thành thách thức sức chịu đựng, nếu không thích nghi được rất dễ bị “quỵ ngã” về tinh thần và mắc các chứng rối loạn về tâm thần.
Cũng theo ông Lý Trần Tình, tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay kéo theo nhiều hệ lụy, nhiều nguy cơ đến sức khỏe tâm thần của con người. Bệnh viện Tâm thần Hà Nội ghi nhận được rất nhiều trường hợp bệnh nhân trước kia là người thành đạt, là chủ doanh nghiệp phải vào điều trị sau khi phá sản, thất bại trong kinh doanh. Những bệnh lý tâm thần liên quan đến công việc phổ biến nhất là liên quan đến stress trường diễn hoặc stress cấp.
Bệnh nhân bị stress cấp phải chịu một cú sốc quá lớn với sức chịu đựng, từ đó có thể mắc chứng trầm cảm, tâm thần phân liệt. Đối với stress trường diễn, người có bệnh lý này đã phải chịu những cú sốc rất lớn, thất bại trong cuộc sống về công danh, tiền tài hoặc tình cảm suốt một thời gian dài. Những bệnh nhân này thường tìm đến các chất kích thích như rượu, ma túy để giải sầu và mong muốn chấm dứt cơn sầu, nhưng rượu và ma túy chỉ làm tổn hại thêm tinh thần của bệnh nhân, bệnh nhân rất dễ bị sa lầy vào nỗi buồn, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả giống như ở stress cấp - bệnh nhân rơi vào trầm cảm hoặc có thể bị tâm thần phân liệt.
Tăng cường lối sống lành mạnh
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng những lo lắng trong cuộc sống, công việc... không những dẫn đến các hiện tượng như mất ngủ, căng thẳng, ăn kém ngon, còn dẫn đến các bệnh thực thể như huyết áp, dạ dày. Hiện tượng lo âu, căng thẳng kéo dài và không được điều trị hiệu quả sẽ trở thành trầm cảm. Theo bác sĩ Tuấn, nhiều trường hợp trầm cảm có triệu chứng nặng luôn tự nghĩ mình đang mắc bệnh hiểm nghèo, không thể chữa được, chỉ có chết mới có thể giải thoát và đã tự tử.
Theo bác sĩ Lý Trần Tình, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc các chứng rối loạn về tâm thần và có thể mắc nhiều lần trong đời. Muốn hạn chế được hậu quả do các chứng rối loạn tâm thần gây ra, trước tiên phải dự phòng các nguy cơ có hại bằng cách sắp xếp hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi, tăng cường tập luyện thể dục, thể thao, giải trí, loại trừ cảm xúc âm tính... Bác sĩ Tình cũng cho rằng cần phải ăn uống hợp lý, tăng cường chất xơ, vitamin trong bữa ăn; chú trọng giấc ngủ không để tình trạng mất ngủ kéo dài. Không đặt ra những mục tiêu, ham muốn quá xa khả năng thực hiện của bản thân, vì nếu không đạt được mục tiêu, ham muốn đó con người rất dễ cảm thấy mình bị thất bại, dẫn đến các cảm xúc tiêu cực khác.