Thượng nghị sĩ thân cận với ông Trump “gạt phăng” dự luật trừng phạt Nord Stream 2
Thượng nghị sĩ Mỹ thân cận với ông Trump “gạt phăng” lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 |
Theo Daily Beast, thượng nghị sỹ Paul đã hoãn xem xét tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ dự thảo luật, trong đó áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các tàu, công ty tham gia đặt đường ống dẫn khí đốt ở ngoài khơi, cũng như các pháp nhân và cá nhân liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Daily Beast trích dẫn lá thư của thượng nghị sỹ Paul gửi cho các thượng nghị sĩ khác, trong đó ông lưu ý rằng hiện tại, dự luật sẽ không gây hại cho Nga, mà là gây hại cho các đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Âu.
Cụ thể, theo ông Paul, công ty đến từ Thụy Sĩ, có một doanh nghiệp chi nhánh ở Mỹ, cũng như một công ty của Italia có trụ sở tại Texas, đang tham gia đặt phần đường ống dẫn khí dưới biển của dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Thượng nghị sỹ Paul bày tỏ ý kiến cho rằng trước khi thông qua dự luật, các thượng nghị sĩ nên quyết định liệu chiến lược đó có phải là một hình thức chống lại Nga hiệu quả hay không, và kêu gọi các đồng nghiệp xem xét lại cách tiếp cận vấn đề và từ chối tài liệu (dự luật) này.
Đồng thời, The Daily Beast nhắc lại rằng thượng nghị sỹ Paul, người thân cận với nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump, năm ngoái đã đến thăm Nga và trao một lá thư từ Tổng thống Hoa Kỳ cho Điện Kremlin.
Trước đó, tờ The Hill nhận định, các lệnh trừng phạt mà Mỹ đang chuẩn bị chống lại Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) là vô nghĩa. Việc tìm cách cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đến châu Âu sẽ trở thành một “phương pháp hiệu quả hơn nhiều” để đấu tranh với dự án năng lượng Nord Stream 2.
Tác giả bài báo nhấn mạnh việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Dòng chảy phương Bắc 2 và những công ty liên quan có thể sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các công ty và ngân hàng Mỹ hợp tác với các đối tác châu Âu của Gazprom.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.