Thực hư việc túi ngực nổ tung khi đi máy bay: Chuyên gia thẩm mỹ cảnh báo gì?
Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội trước đó |
Theo thông tin ban đầu, vào sáng 26/7 trên chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TPHCM đi Vinh đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng, để cấp cứu cho một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực trái. Nữ hành khách sau đó được chẩn đoán bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ do chênh lệch áp suất trên máy bay.
Theo đó, chuyến bay VN1262 cất cánh rời TPHCM lúc 6h40. Sau khoảng 40 phút, hành khách N.T.H. tại ghế ngồi 18B có dấu hiệu chảy máu tại vết thương sau phẫu thuật thẩm mỹ ở ngực trái. Khách nữ liên hệ tiếp viên để xin bông, gạc.
Ngay sau khi nhận thông tin về tình trạng sức khỏe của khách, tiếp viên trưởng đã phát thanh đề nghị hỗ trợ y tế từ các hành khách trên chuyến bay và nhận được sự giúp đỡ của một y sĩ đông y. Mặc dù nỗ lực sơ cứu, nhưng y sĩ vẫn không thể cầm máu cho khách vì lúc này máy bay đang ở độ cao khoảng 10.000m, chênh lệch áp suất lớn.
Nhận thấy tình trạng sức khỏe của mình không thuyên giảm, khách nữ N.T.H. yêu cầu hỗ trợ y tế gấp và tổ tiếp viên đã thông báo tới cơ trưởng để có phương án xử lý. Sau đó, cơ trưởng quyết định cho máy bay chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng và thông báo với bộ phận mặt đất để kịp thời cấp cứu cho hành khách.
Tại sân bay Đà Nẵng, chi nhánh Vietnam Airlines đã liên hệ với bộ phận y tế của sân bay, chuẩn bị xe cứu thương và đón hành khách N.T.H. từ trên máy bay. Do đi một mình nên hành khách đã được đưa đến Bệnh viện Hoàn Mỹ dưới sự hỗ trợ của nhân viên Vietnam Airlines.
Thông tin này khiến nhiều người lo lắng đặc biệt là chị em đã đặt túi nâng ngực trước đó. Trao đổi với chúng tôi, TS BS Phạm Cao Kiêm – nguyên trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, các trường hợp nổ túi ngực trên máy bay nhiều năm trước đã được mổ sẻ tuy nhiên cho đến lúc này chưa có một nghiên cứu nào đưa ra nguy cơ nổ túi ngực khi đi máy bay.
Trước đó, từng có trường hợp nữ ca sĩ nổ túi ngực khi đi máy bay và sau đó không phải là túi ngực nổ mà chỉ là rò dịch silicon. Bác sĩ Kiêm cho biết, trường hợp nữ hành khách này bị chảy máu vùng ngực được nâng có thể do thời gian nâng ngực mới hoặc bệnh nhân nâng ngực đặt size quá lớn. Ví dụ như có người chỉ đặt được size 240ml nhưng khách đòi đặt size to lên tới 350ml gây quá kích ở vùng ngực.
Trùng hợp tai biến này là lúc người bệnh đang đi máy bay nên gây ra hiểu nhầm nổ túi ngực do đi máy bay. Việc rò rỉ túi ngực thì ở nhà, đi làm cũng có thể xảy ra. Với túi ngực chất lượng tốt thì tai biến rò rỉ vô cùng hiếm nhưng hiện nay có nhiều loại túi ngực chất lượng kém cũng được đưa vào sử dụng trong thẩm mỹ.
Vấn đề xảy ra khi túi ngực bị rách và thủng thường gây đau và sưng. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng của bệnh nhân, cách phát hiện kịp thời và xử lý đúng. Bản chất túi ngực đặt trong cơ thể trong một thời gian dài, cơ thể sẽ tự hình thành các mô xơ bao xung quanh vỏ túi. Khi vỏ túi rách và thủng thì chất gel silicone khi bị rách và thủng sẽ nằm trong khoang đó. Do đó, chất gel này sẽ chỉ nằm trong khoang, gây kích ứng, gây viêm nhưng không nhiễm và di truyền vào cơ thể người. Điều này khác hoàn toàn với phương pháp nâng ngực bằng gel silicone bơm trực tiếp vào cơ thể trước đây vốn nguy hiểm hơn rất nhiều.