Thực hư về áo chống cận thị
Hút hàng vì công dụng trên trời giá ở dưới đất
Với nhiều tên gọi khác nhau như áo chống cận thị, áo chống vẹo cột sống, chỉnh hình, đai lưng thẩm mỹ…sản phẩm này đang được quảng cáo và bày bán ở nhiều nơi, từ các cửa hàng bán dụng cụ học tập đến các trang mua bán trực tuyến.
Được giới thiệu là dòng sản phẩm được sản xuất dựa trên phát minh của Nhật và Mỹ, những nhãn hiệu áo chống cận thị này đều có chung đặc điểm là có dây chun đàn hồi và “hệ thống định dạng ở cổ, vai và lưng”. Theo các nhà sản xuất, những chiếc áo này giúp “tạo dựng một thói quen tốt khi trẻ ngồi học, đặc biệt là sửa được thói quen xấu… nhằm phòng ngừa hiệu quả hiện tượng gù lưng không do bệnh lý và biến dạng đốt sống do việc ngồi sai tư thế. Áo giúp cho lực tác động phân bố đều lên các bộ phận của cơ thể như vai, lưng, hông, bụng nên giảm bớt sự mệt mỏi của cơ bắp…”.
Để “nâng cấp” thêm độ nóng sốt của áo chống cận thị, nhiều người bán còn “phóng ngôn” thêm hàng loạt chức năng khác cải thiện chiều cao cơ thể, khi mặc áo đại não cũng sẽ được cung cấp nhiều oxy hơn, trí nhớ cũng sẽ được nâng lên… Trái với câu “tiền nào của nấy”, các nhãn hiệu áo chống cận thị lại có giá khá rẻ, thường là không quá 500.000đ/chiếc. Cá biệt, một số nhãn hiệu được kê giá lên tới gần 1 triệu đồng nhưng được chiết khấu tới… 80% nên chỉ còn chưa đến 200.000 đồng. Mức giá mềm này đã đánh đúng tâm lý của nhiều bậc phụ huynh.
Thêm vào đó, những lập lờ trong quảng cáo bằng cách mượn tên hoặc chung tên với tổ chức này, hội đồng nọ cũng khiến cho “độ khả tín” của những chiếc áo này tăng lên đáng kể.
Chưa chống được bệnh đã gây lên bệnh
Hãy hướng dẫn con cách học và chơi hợp lý
Tin tưởng vào những lời quảng cáo có cánh trên, chị Minh Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mua cho con một chiếc áo chống cận thị với giá 300.000đ. Mới đầu mặc áo, thấy con ngồi học thẳng lưng, chị cũng nghĩ chiếc áo có tác dụng thật. Tuy nhiên được vài ngày thì con chị nhất định không mặc vì những ngày nóng bức, chiếc áo khiến bé toát nhiều mồ hôi và tỏ ra rất khó chịu. Thấy con như thế chị Trang cũng thương, nhưng cứ nghĩ vì tương lai của con, nên chị vẫn dỗ dành con mặc. Nhưng một hôm đi làm về, nhìn con mồ hôi bết tóc đang vật lộn khổ sở trong chiếc áo kỳ dị, chồng chị Trang phát hoảng và ra điều luật “sắt” buộc vợ tuyệt đối không cho con mặc nữa.
Nói về những chiếc áo chống cận thị, BS. Bùi Tiến Hùng, bệnh viện mắt Hitech, Hàm Long, Hà Nội cho rằng chúng không có công dụng thần kỳ như quảng cáo. Nếu chúng thực sự chống được cận thị thì chỉ có thể đúng trong những trường hợp cận thị giả chứ không phải mọi trường hợp bệnh.
Cận thị có hai loại là cận thị thực thể và cận thị giả. Cận thị thực thể có nguyên nhân do trục nhân cần dài hoặc độ võng giác mạc lớn. Loại này không có bất kỳ thuốc hay một dụng cụ nào có thể chữa được mà buộc phải dùng kính cận.
Còn cận thị giả mang tính chất nhất thời do sử dụng mắt thiếu khoa học như đọc sách quá lâu, chơi máy tính quá nhiều, nhìn quá gần, viết và đọc khi ánh sáng quá yếu… Loại cận thị này chỉ cần cho mắt nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ là mắt có thể trở lại bình thường. Trường hợp không điều chỉnh thói quen, mắt ở trạng thái đó lâu sẽ dẫn đến cận thị giả.
Bác sỹ Hùng còn nhấn mạnh, cận thị có rất nhiều nguyên nhân nên áo chống cận thị có tác dụng thì cũng chỉ là phụ trợ, chống được một dạng nguyên nhân là do đọc viết quá gần chứ không chống được tất cả nguyên nhân gây bệnh. Bởi vậy, quan trọng nhất vẫn là ý thức của các em và việc quan tâm của các bậc phụ huynh đến môi trường học tập của con em mình.
Vì vậy, chuyện mỗi ngày mặc áo đó 1-2 tiếng mà chống được cận thị thì rất khó tin. Ngoài ra, những chiếc áo trên còn buộc trẻ vào một tư thế ngồi học cứng nhắc nên chưa chắc tốt cho xương sống. Chiếc áo còn khiến trẻ thấy bị bó buộc nên có thể dẫn đến việc không hứng thú, kém tập trung.
Những chiếc áo này còn thiếu kiểm định từ phía chuyên gia y tế về khả năng chống được cận thị, vẹo cột sống.
Đến giấy kiểm định cũng lập lờ
Một điều cần lưu ý nữa về áo chống cận thị là các loại giấy kiểm định. Không tính đến hàng nhái, dù là hàng công ty 100% thì các giấy tờ chứng nhận cũng cần được xem xét lại. Khá nhiều trường hợp người bán sản phẩm mang thương hiệu X đưa giấy kiểm định sản phẩm được Tổng cục Đo lường Chất lượng Việt Nam xác nhận chất lượng. Nhưng khi nhìn kỹ thì đó chỉ là giấy chứng nhận các tiêu chí về sản phẩm may mặc như giới hạn cho phép với hàm lượng formaldehyd, các amind thơm có thể giải phóng ra khỏi thuốc nhuộm… chứ không hề có kiểm định về chuyên môn chống cận hay chống vẹo cột sống.
Để kiểm tra độ chính xác của một nhãn hiệu, chúng tôi đã liên hệ đến công ty S để hỏi về sản phẩm. Đường dây tư vấn 098.890xxx của công ty này cho chúng tôi biết sản phẩm đã được Tổng cục Đo lường Chất lượng Việt Nam chứng nhận. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc đó là chứng nhận an toàn không gây ung thư, không có tồn dư hóa chất trong vải chứ không có chứng nhận về việc chống cận hay vẹo cột sống thì nhân viên tư vấn của công ty cũng thành thật: “Vâng, về kiểm tra từ chuyên gia y tế như chị hỏi thì bên em chưa có”.
Nói về vấn đề này, BS. Bùi Tiến Hùng cho rằng: “Với những sản phẩm chống cận thị, chống vẹo cột sống này cần phải có chuyên gia về cơ xương khớp đánh giá xem nó có ảnh hưởng đến sự phát triển của xương khớp hay không và phải có chuyên gia về mắt đánh giá hiệu quả của sản phẩm xem nó có chống được cận thị không thì mới có thể tin tưởng dùng”. Như thực trạng hiện nay, người tiêu dùng vẫn chỉ là tin vào lời giới thiệu của người sản xuất.