Thừa Thiên - Huế vẫn đang chìm trong lũ
Thừa Thiên - Huế vẫn đang chìm trong lũ
Thủy điện Hương Điền, Bình Điền và các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì điều tiết xã lũ, khiến hàng trăm hộ dân ở vùng hạ lưu ngập chìm trong nước lũ. Một số bờ sông sạt lở nặng ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân.
Chìm trong lũ
Trong sáng 8/11, nhiều tuyến đường trung tâm ở nội thành TP Huế đang bị lũ chia cắt. Nhiều nơi ngập sâu khoảng 2m, rất nhiều nhà dân ngập chìm trong nước hơn nửa nhà.
Các tuyến đường về các xã, phường nằm ven sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu và phá Tam Giang của TP Huế và các huyện Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền cũng đang bị chia cắt từ 0,8-2,2m, người dân muốn di chuyển phải dùng bằng thuyền.
Ngành điện lực đã cho cắt điện toàn tuyến ở huyện Quảng Điền, Hương Trà và một số tuyến ngập nặng ở TP Huế... để bảo toàn tính mạng cho người dân.
Tỉnh lộ 4 đoạn (Km6+400) qua xã Hương Vinh (huyện Hương Trà) và đập tràn Thủ Lễ, xã Quảng Phước (huyện Quảng Điền) có nhiều đoàn đã ngập sâu hơn 1,5m.
Tỉnh lộ 8A, 8B qua địa phận huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà bị ngập sâu từ 0,5-1m. Tỉnh lộ 1,2,3, 10A, 17 ngập trung bình 0,3-1,7m.
Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Phước Tượng, Phú Gia (huyện Phú Lộc) và đường Hồ Chí Minh đang sạt lở một số vị trí. Khu ga Văn Xá bị ngập 30-50cm, nên có 4 đoàn tàu SE1, SE3, SE5, SE19 bị kẹt tại ga Hiền Sỹ, huyện Phong Điền và đoàn tàu SE8 bị kẹt tại ga Huế. Đến 14 giờ 30 ngày 8/11 mới thông tuyến trở lại.
Sẵn sàng ứng phó
Hiện toàn tỉnh vẫn còn 36.060 căn nhà bị ngập bình quân từ 0,2-1,5m, trong đó TP Huế 20.000 căn, huyện Hương Trà 5.736 căn, Quảng Điền 2.400 căn, Phong Điền 50 căn, Phú Vang 4.647 căn và Hương Thủy 3.227 căn.
Các địa phương cũng đã kịp triển khai di dời 1.150 hộ với 4.525 khẩu ở các vùng thấp trũng, trong đó huyện Hương Trà 33 hộ/126 khẩu; TP Huế 650 hộ/2600 khẩu; Phú Vang 102 hộ/334 khẩu và Hương Thủy 365 hộ/1.465 khẩu.
Để phòng tránh khi lũ lớn có thể xảy ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức lực lượng trực 24/24 ở các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lỡ, cửa sông, cửa biển... kêu gọi, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh bão, giằng chống nhà cửa. Sẵn sàng điều động 17 xuồng cao tốc, 48 xuồng, thuyền các loại, 30 xe tải, xe lội nước, trên 1000 phao tập thể, phao cá nhân, 100 nhà bạt và hàng ngàn lít xăng, dầu, hệ thống thông tin liên lạc... để kịp thời đối phó khi có tình huống xấu xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, do mưa lớn những ngày qua kết hợp nước nguồn liên tục đổ về, trong khi địa phương là vùng thấp trũng nên phải gánh chịu nhiều nhất.
Ngay cả trung tâm huyện nước vẫn còn ngập, ở những tuyến đường về các xã, thôn nhiều nơi còn ngập sâu từ 0,5-1m. Giao thông đi lại rất khó khăn, người dân phải di chuyển đồ đạc, chạy lũ bằng thuyền.
Hàng trăm hộ dân mất nhà
Ngày 7/11, PV Infonet có mặt tại thôn Long Hồ Thượng chứng kiến cảnh bờ sông Hương đã “nuốt” sâu vào đất liền gần 25m, dài hơn 30m, có 5 hộ dân bị đe dọa nghiêm trọng và chỉ cách bờ sông gần 4m nên buộc phải di dời.
Hàng trăm mét khối đất, nhiều cây cối ven bờ bị hà bá nuốt chửng. Khiến hàng trăm người dân sống dọc bờ sông hoang mang và nhốn nháo di dời khỏi vùng sạt lở.
Ông Hà Thành, Phó trưởng thôn Long Hồ Thượng cho biết, tình trạng sạt lở bờ sông như hiện nay thì người dân chưa bao giờ chứng kiến. Nguyên nhân có thể trước đó, ngày 5/11, nước lũ dâng đột ngột khiến đất xốp, khu vực này lại không có bờ kè che chắn nên xảy ra sạt lở. Hơn nữa, tình trạng khai thác cát sạn trái phép nhiều năm qua khiến bờ sông bị khoét sâu, mỗi lần có mưa lũ là sạt lở kéo dài.
Sông Bồ đoạn qua thôn Lai Thành (xã Hương Vân) tình trạng sạt lở cũng rất nghiêm trọng kéo dài trên 20m, ăn sâu vào đất liền hơn 15m, khiến một hộ dân phải di dời, 6 hộ còn lại đang sống trong thấp thỏm lo sợ.
Bà Lê Thị Thủy ở trong thôn lo lắng: 'Đã gần 70 tuổi, nhưng tui chưa bao giờ chứng kiến sạt lở bờ sông khủng khiếp như năm nay. Cứ sau mỗi trận lũ sông lại “nuối” mất hàng chục mét vuông đất vườn, chỉ còn khoảng 5m nửa là dòng sông tiến sát nhà. Tôi đã nhiều lần xin chính quyền địa phường cho di dời đến nơi khác nhưng vẫn không được. Ở vậy không biết sông “nuốt” khi mô, nguy hiểm lắm!"
Ông Nguyễn Xuân - Chủ tịch UBND xã Hương Vân cho biết, xã đang trình lên các cấp để xin xây dựng bờ kè chống sạt lở và có hướng di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Trước mắt, xã đang vận động 6 hộ dân nằm trong vùng sạt lở khi thấy nguy hiểm phải chủ động di dời.
Lãnh đạo UBND huyện Hương Trà cũng đã đi kiểm tra điểm sạt lở ở xã Hương Hồ, trước mắt huyện đồng ý di dời khẩn cấp 5 hộ dân đang bị lở đất nghiêm trọng tại khu vực nhà thờ họ Nguyễn. Xuất 1.000 bao tải kết hợp với vật liệu và huy động lực lượng tại chỗ để xử lý tạm thời hạn chế sạt lở.
Huyện Hương Trà sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án xây bờ kè mới và bố trí tái định cư cho gần 100 hộ dân đang sinh sống sát bờ sông Hương thuộc thôn Long Hồ Thượng (xã Hương Hồ) và những hộ dân sống cặp sông Bồ ở thôn Lai Thành (xã Hương Vân).
Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, hai trận lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh có trên 70 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 70km, đe dọa trực tiếp đến khoảng 600 hộ dân và hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, Ban đã chỉ đạo chính quyền địa phương theo dõi sát tình hình, hướng dẫn, tổ chức di dời người dân đến nơi an toàn.
VĨNH ĐỊNH