Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Các nhà xuất bản phải “lột xác”
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc sáng ngày 22/3. |
Ngày 22/3 tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2016 với sự tham gia của hàng chục nhà xuất bản (NXB), phát hành khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) – Trương Minh Tuấn đã tham dự và phát biểu tại đây.
Quá thiếu người viết sách cho trẻ em
Trong phần phát biểu, Thứ trưởng Tuấn đã đề nghị các nơi cần triển khai đồng bộ Luật Xuất bản và các văn bản có hiệu lực thi hành để sớm đưa nội dung của Luật vào thực tiễn, và trong quá trình thực hiện nếu gặp các vấn đề mới thì cần nghiên cứu, đánh giá để đề xuất sửa đổi nếu thấy cần thiết.
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong tham mưu xây dựng văn bản pháp luật, ông yêu cầu phải nghiên cứu kỹ để đề xuất “đúng và trúng” qua đó tạo sự ổn định lâu dài về mặt pháp lý.
Về công tác triển khai quy hoạch phát triển, in ấn, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 Thứ trưởng cho rằng một số địa phương chưa nhận thức đúng đắn dù đây là nhiệm vụ rất quan trọng, trong khi Cục xuất bản, in, phát hành cũng chưa chủ động tham mưu, hướng dẫn cho các địa phương.
Liên quan đến nội dụng này, ông cho rằng hiện nay còn rất ít tác giả người Việt viết sách cho trẻ em. “Một đất nước 90 triệu dân mà không có người viết sách cho trẻ em là không bình thường” – ông nói.
Trong khi đó đề cập đến xu hướng phát triển của lĩnh vực xuất bản thời gian tới Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh đến việc quy hoạch sách điện tử, bởi theo ông: “Ở nước ta sách điện tử mới xuất hiện nhưng đã có dấu hiệu manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm”.
Cần kiến nghị sửa những điều chưa hợp lý
Nhắc đến việc cấp giấy phép hoạt động cho các NXB, Thứ trưởng cho biết đến nay Bộ TT&TT đã cấp giấy phép thành lập cho 30 NXB, như vậy vẫn còn 30 NBX chưa có giấy phép theo quy định.
Từ đó ông yêu cầu những NXB đã được cấp giấy phép cần duy trì các điều kiện cần thiết, hoạt động ổn định và phát triển, tránh hiện tượng đối phó trên giấy tờ mà không triển khai trên thực tiễn. Đối với những NXB chưa có giấy phép cần đề nghị cơ quan chủ quản rà soát, bổ sung các điều kiện còn thiếu để hoàn thiện hồ sơ.
Ông cũng cho rằng các cơ quan quản lý cũng phải quan tâm xem xét cơ chế vận hành mới để các NXB vừa thực hiện công tác chính trị, tư tưởng vừa hoạt động như một công ty TNHH Một thành viên.
“Việc quy định vốn pháp định 5 tỷ là ý tốt của các cơ quan quản lý để giúp cơ quan chủ quản quan tâm đến các NXB hơn, nhưng ở nước ta có quá nhiều loại hình NXB vì vậy quy định như thế là không phù hợp, mà không phù hợp là phải tháo gỡ chứ không phải bắt người ta thực hiện” – ông nói về một quy định mà nhiều NXB phản ánh rằng không hợp lý.
Không những vậy, trong việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập ông cũng cho rằng còn vấn đề và đặt câu hỏi về việc “có dứt khoát là biên tập viên phải có chứng chỉ này không?”, vì theo ông trên thực tế nhiều biên tập viên không có chứng chỉ vẫn làm biên tập.
“Cũng như trong cơ quan báo chí, người được cấp thẻ cũng được viết bài, người chưa được cấp thẻ cũng được viết bài. Thế thì ta phải tính lại chỗ này, luật pháp thì quy định như vậy nhưng cái gì chưa hợp lý thì ta kiến nghị lại. Có lẽ ta phải ngồi lại để tháo gỡ” – ông cho biết.
Đừng để năm nào cũng nhắc đến in lậu
Sở dĩ Thứ trưởng nói vậy là vì ông thấy “vấn nạn in lậu, xâm phạm tác quyền hầu như hội nghị nào cũng nêu ra nhưng không có dấu hiệu giảm, thậm chí ngày càng phức tạp”. Do đó ông đề nghị trong lần làm việc sau các đơn vị cần nói cụ thể những điểm yếu đã được khắc phục đến đâu.
Trong khi đó về vấn đề liên kết xuất bản Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh rằng các trung tâm phát hành cần nâng cao năng lực quản lý nội dung xuất bản phẩm.
“Chúng ta biết rằng hiện này có khoảng 70% xuất bản phẩm là sản phẩm của liên kết xuất bản, điều này làm cho xuất bản ngày càng phát triển phong phú đa dạng nhưng có vấn đề là các công ty, nhà sách tư nhân làm sách dù đàng hoàng và có ý tưởng tốt thì mục tiêu cuối cùng cũng hướng tới lợi nhuận chủ yếu, điều đó là đương nhiên. Như vậy chúng ta sẽ không đảm bảo được định hướng của Đảng nếu như cứ để hệ thống các NXB yếu ớt như hiện nay, do đó phải đầu tư mạnh, lột xác và thay đổi thực trạng của các NXB” – Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Về công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế quản lý theo ngành dọc từ TW đến địa phương, và xem xét lại một số chế tài xử phạt vì mức hiện nay không đủ sức răn đe.