Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga nói về 3 điều kiện cải thiện quan hệ với châu Âu
Tuyên bố này được Thứ trưởng Grushko nói trong cuộc họp bên lề Hội nghị An ninh Munich.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko. Ảnh: RIA. |
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói: “Chúng tôi chưa bao giờ khởi xướng bất kỳ mối quan hệ tồi tệ nào giữa Nga và EU. Tình hình căng thẳng hiện tại đã diễn ra sau khi EU phản đối cuộc đảo chính ở Ukraine do sự hỗ trợ từ nước ngoài”.
Theo ông Grushko, châu Âu nên có biện pháp cụ thể để cải thiện quan hệ với Nga và thay đổi cách tiếp cận có hệ thống.
Ông Grushko cho rằng, điều kiện thứ nhất: Liên minh châu Âu cần thể hiện sự cụ thể hơn trong việc xây dựng sự tương tác với phía Nga. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích 5 nguyên tắc của EU trong quan hệ với Moscow, được phê duyệt năm 2016.
Các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia thành viên EU chỉ ra rằng, nguyên tắc thứ nhất nêu rõ thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk về Ukraine là điều kiện tiên quyết để có những thay đổi trong quan hệ với Nga. Tiếp đến là các nguyên tắc về củng cố quan hệ EU với các đối tác phương Đông cũng như củng cố sự bền vững của EU, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Nguyên tắc thứ tư là cần hợp tác với Nga trong các vấn đề quốc tế như Iran, Syria, Trung Đông, cuộc khủng hoảng di cư, chống khủng bố, biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác có lợi cho EU. Nguyên tắc cuối cùng là cần hỗ trợ xã hội dân sự ở Nga và thiết lập quan hệ giữa người dân tại EU và Nga.
“Những nguyên tắc này, ngay cả với sự cường điệu lớn nhất, không thể được mô tả như một chiến lược hoặc một chính sách mạch lạc đối với Nga”, ông Grushko nói.
Nga hi vọng sẽ có cuộc đối thoại giữa NATO và EU . Ảnh: RIA. |
Điều kiện thứ hai, ông Grushko cho biết, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên từ bỏ các nỗ lực lôi kéo Nga vào hệ thống an ninh của Chiến tranh Lạnh, đồng thời ngừng tập trung vào các chính sách răn đe.
Theo ông Grushko, liên minh đã từ chối các dự án góp phần cải thiện an ninh không chỉ của các quốc gia thành viên của Hội đồng NATO - Nga, mà còn của các công dân ở các quốc gia này.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao, việc gia tăng sự hiện diện quân sự của NATO ở Đông Âu là một “khoản chi vô nghĩa”. Ông Grushko giải thích, không có mối đe dọa rủi ro an ninh nằm ở khu vực này.
“Thay vì tham gia vào các nỗ lực để chống lại những rủi ro chung, tới nay cuộc chiến tranh lạnh “quy mô nhỏ” này vẫn đang tiếp diễn”, ông Grushko nhấn mạnh.
Điều kiện thứ ba, ông Grushko cũng kêu gọi các quốc gia châu Âu thể hiện sự độc lập trong việc xây dựng cuộc đối thoại với Moscow và xem xét lại cách tiếp cận của họ thay vì “trông chờ” vào Mỹ. Ông Grushko nói thêm, các cuộc thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich cho thấy rõ rằng việc tạo ra một hệ thống an ninh toàn cầu mà không có sự tham gia của Nga là hoàn toàn vô ích.
Trước đó, hôm 15/2, phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh, thế giới mỗi năm lại càng rời xa mục tiêu tạo ra một thế giới hòa bình hơn thông qua hợp tác quốc tế. Ông Steinmeier đã cùng lúc chỉ trích 3 cường quốc lớn thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc trong cách ứng phó với 1 số vấn đề.
Cụ thể, theo ông Steinmeier, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm đảo lộn trật tự thế giới và làm gia tăng sự bất ổn. Chính sách này đã khiến “đối tác gần gũi nhất” của châu Âu - đã rút khỏi các hiệp ước đa phương trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các cường quốc quân sự trên thế giới.