Thứ trưởng Bộ Công Thương: Tiêu thụ nông sản, không để nông dân "tự bơi"!
Trăn trở này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu lên tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản chiều 4/5.
Số liệu thống kê Bộ Công thương cho thấy, 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 50,1 tỷ USD tăng 8,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản, gạo, cà phê… đều giảm so với cùng kỳ.
Giảm mạnh nhất phải kể tới là mặt hàng cà phê với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng ước đạt 986 triệu USD, giảm 38,3% về giá trị và 40,6% về lượng so với cùng kỳ.
Cứ đến mùa vụ nông sản lại rơi vào cảnh "được mùa rớt giá" |
Gạo cũng là một trong số các mặt hàng giảm sâu và gặp khó ngay cả với 1 số thị trường xuất khẩu truyền thống do sức cạnh tranh từ các thị trường xuất khẩu khác như Thái Lan, Campuchia…
Riêng mặt hàng thủy sản giảm 15% so với cùng kỳ, tương đương 1,9 tỷ USD. Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật giảm tới 50%; chỉ có thị trường Trung Quốc và Nga tăng, nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản rất ít.
Trước sự sụt giảm bất thường trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đặt câu hỏi: “Sự sụt giảm này do các hàng rào thương mại, hàng rào tính thuế hay vì nguyên nhân nào khác?”.
Trần tình về nguyên nhân sụt giảm mạnh xuất khẩu mặt hàng nông sản, bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay là do nguồn cung nông sản dồi dào, cầu của các nước nhập khẩu không tăng và cũng có chính sách tự cung tự cấp, nên dẫn tới giá xuất khẩu nông sản sụt giảm. Nhiều mặt hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu như thủy sản, hạt điều… Năng lực chế biến các mặt hàng nông sản còn thấp dẫn đến chủ yếu xuất thô chưa mang lại giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, khó khăn trong tiếp cận vốn vay vẫn là một trong những rào cản với các DN xuất khẩu hiện nay, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Trước thực tế trên, để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu đề ra từ đầu năm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tới đây đều là những thị trường trọng điểm với mặt hàng nông sản. Việc dư thừa nguồn cung sẽ khiến áp lực cạnh tranh tăng mạnh, do vậy lãnh đạo Bộ Công thương đề nghị các hiệp hội ngành hàng cần tính toán để đảm bảo cung ứng, cơ cấu lại lại sản xuất các mặt hàng nông sản.
“Phải bằng mọi cách đảm bảo mục tiêu xuất khẩu nông sản Quốc hội đề ra và phải có giải pháp căn cơ để tiêu thụ hết nông sản cho bà con nông dân, không để nông dân đơn độc, tự bơi. Song không vì thế mà chúng ta chạy theo số lượng” – Thứ trưởng Tuấn Anh quả quyết.
Ông tiết lộ thêm, tới đây Bộ Công Thương sẽ đưa các nội dung về giảm thuế, tháo gỡ các rào cản về thương mại, kỹ thuật không phù hợp với nhóm hàng này của Việt Nam nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu. Thêm vào đó, Bộ sẽ giới thiệu danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài để kết nối thông tin giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường và có thêm nhiều kênh phân phối.
Năm 2015, mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 165 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014, trong đó nhóm hàng nông, lâm, thủy sản phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 32 tỷ USD.