Thủ phạm khiến gần một vạn người tử vong mỗi năm ở nước ta
Nước ô nhiễm là một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh ung thư |
Sông càng nhỏ càng ô nhiễm nặng
Mặc dù việc ngăn ngừa đã được thể chế hóa tại nhiều văn bản pháp luật nhưng tình trạng ô nhiễm nước vẫn không cải thiện, thậm chí có xu hướng vượt tầm kiểm soát… Ông Hoàng Văn Bảy – Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết: Nước ta đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước. Hiện chúng ta có khoảng 2.360 con sông dài trên 10km và hàng ngàn hồ, ao song nguồn nước của chúng ta, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị, nơi hầu hết hệ thống sông ngòi, hồ ao đều bị ô nhiễm.
Ông Bảy cũng cho biết, càng những dòng sông nhỏ, những con kênh con rạch chảy qua các khu đô thị, KCN càng bị ô nhiễm nhiều nhất. Cụ thể, tại báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2012 tại lưu vực sông Cầu (nơi tập trung nhiều KCN, KCX, các cơ sở sản xuất trong ngành công nghiệp nặng như cán thép, giấy, hóa chất, khai khoáng…) cho thấy hàm lượng nước thải tại đây có hàm lượng chất rắn lơ lửng (TTS), kim loại nặng và dầu mỡ khá cao.
“Tương tự tại lưu vực sông Đồng Nai, nước thải sinh hoạt và nước nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn nhất, với tải lượng các chất gây cao nhất. Lượng nước thải phát sinh từ các KCN trong lưu vực này lớn nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước (chiếm 50%). Đây chính là nhóm nguồn thải công nghiệp chính gây ô nhiễm nguồn nước lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vì phần lớn đều xả thẳng nước ô nhiễm ra môi trường” – ông Bảy nhấn mạnh.
Mỗi năm có 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm nước đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người dân, theo báo cáo của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường 5 năm gần đây cho thấy, trung bình mỗi năm có tới 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm (số người chết năm vì ung thư năm sau đều tăng hơn so với năm trước) và có tới 200.000 trường hợp ung thư.
Cũng theo số liệu điều tra tại 37 “làng ung thư” trên toàn quốc, đặc biệt là 23 làng thuộc 10 tỉnh, thành phố: Phú Thọ, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, kết quả cho thấy, các vùng này đều sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là làng ung thư Mẫn Xá (Bắc Ninh), Thạch Sơn (Phú Thọ), Phong Yên, Cờ Đỏ, Kim Thành, Đức Thành (Nghệ An)… cho thấy, đều có sự trùng hợp về nguồn nước bị ô nhiễm.
Nguồn nước tại đây bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, kho chứa thuốc, chất độc chiến tranh, các nghĩa địa, làng nghề, chất thải sinh hoạt, công nghiệp, công trình khai thác nước chưa cách li với các tầng chứa nước nhiễm bẩn… Kết quả phân tích các mẫu nước đang sử dụng cho ăn uống sinh hoạt tại các làng ung thư này cho thấy, hầu hết đều nhiễm bẩn vi sinh, một số mẫu có hàm lượng phenol, arsen hoặc mangan vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Nguồn nước sinh hoạt của người dân nơi đây chủ yếu là từ giếng đào, sâu từ 2-10m hoặc nước mưa. Nhiều giếng nước nhìn qua thấy trong, không có mùi vị gì đặc biệt nhưng múc lên để qua đêm thì có váng nổi lên trên mặt nước, đun sôi thì lắng cặn dưới đáy nồi.
Thêm vào đó là nguyên nhân, ở nông thôn, phần lớn chất thải của con người và gia súc không được xử lý thấm xuống đất hoặc bị rửa trôi khiến nguồn nước ngày càng bẩn. Hệ quả, chính con người đang phải gánh chịu những ảnh hưởng sức khỏe, tăng nguy cơ ung thư, sảy thai và dị tật bẩm sinh... từ việc sử dụng nước bẩn.
Trong khi đó, đại diện Viện sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho biết thêm, nhiều trạm cấp nước nông thôn, một số nhà máy nước đô thị không đạt các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và vệ sinh ngoại cảnh. Theo đó một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như clo dư thấp hơn tiêu chuẩn cho phép, nhiễm E.coli; Coliform; một số mẫu nước ở trạm cấp nước nhỏ tại Hà Nam có chỉ tiêu Asen không đạt tiêu chuẩn cho phép.