Thủ khoa nhờ sửa điểm, vì sao vẫn an vị học cả năm trời?
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - nơi có thủ khoa kép là thí sinh đã được nâng tổng cộng gần 15 điểm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, bày tỏ quan điểm sau khi một số thủ khoa, á khoa các trường đại học được xác định là thí sinh được nâng sửa điểm trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018.
"Các trường đại học phải soi lại việc sàng lọc"
"Việc thí sinh hay người nhà thí sinh tìm mọi cách để gian lận điểm thi, cố gắng lọt vào cánh cửa hẹp các trường danh tiếng, thậm chí 'vượt mặt' cả những học sinh giỏi thật sự để trèo lên vị trí thủ khoa, á khoa các trường, thực sự tôi thấy quá vô lý, tầm thường và đáng xấu hổ.
Chưa kể, các trường công an, quân đội, sư phạm đều rất coi trọng đạo đức người học...
Tuy nhiên, điều tôi trăn trở hơn là tại sao thí sinh có điểm thi gian lận khủng khiếp như thế vẫn an vị học cả năm trời? Nếu sàng lọc đến nơi đến chốn hẳn các trường đã lôi ra chất lượng thực sự của các thí sinh này", TS Lê Viết Khuyến băn khoăn.
Ông cũng đặt câu hỏi: Nếu không có kết quả chấm thẩm định này thì sự giả dối vẫn nằm yên trong bóng tối đến bao giờ?
"Qua việc này, chính các trường đại học tốp đầu cũng phải xem lại chất lượng đào tạo của chính mình", ông thêm.
Từ "tự tin" đến thôi học
T.P.T. (cựu học sinh chuyên sử Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) là "thủ khoa kép" của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018 với thành tích rất đặc biệt: đạt điểm cao nhất ngành sư phạm ngữ văn, đạt luôn điểm đầu vào cao nhất của trường.
Mức điểm khối C của T. cực kỳ ấn tượng với lịch sử 9,25 điểm, địa lý 9,75 điểm, ngữ văn 8,75 điểm - chưa kể T. còn được hưởng 0,75 điểm ưu tiên.
Với mức điểm này, T.P.T. được vinh danh trong lễ khai giảng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cũng chính tại buổi lễ khai giảng, T. cũng chia sẻ với báo chí về áp lực của một thủ khoa đến từ Hòa Bình - nơi lúc đó đã bị phát hiện là "điểm nóng" gian lận nhưng chưa xác định rõ thí sinh nào.
Khi đó, T. cho rằng cũng có nhiều ý kiến bàn tán, nhưng T. tự tin đó là điểm số thực của mình và mong vụ tiêu cực sớm có kết quả cuối cùng để những người học thật, thi thật được đối xử công bằng (!).
Tuy nhiên ngày 16-4, ông Trịnh Tuấn Anh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho biết thủ khoa T. nằm trong danh sách thí sinh có kết quả thi thay đổi mà Sở GD-ĐT Hòa Bình vừa gửi đến trường.
Kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT kéo điểm thật của T. xuống mức không chỉ rớt ngôi thủ khoa mà thậm chí còn không đủ điểm trúng tuyển: lịch sử 5,75 điểm, địa lý 7 điểm, ngữ văn giữ nguyên mức 8,75 điểm. Năm 2018, điểm chuẩn ngành sư phạm ngữ văn với tổ hợp C00 của trường là 24 điểm.
Ngoài ra, thí sinh này còn được nâng khống điểm ở một số môn khác ngoài tổ hợp xét tuyển vào ngành sư phạm ngữ văn như toán từ 4 nâng lên thành 7,8 điểm, ngoại ngữ từ 3,4 điểm lên 8,2 điểm.
"Khi nhận được văn bản của Sở GD-ĐT Hòa Bình, trường làm việc với khoa thì được biết trước đó T. đã xin rút hồ sơ và thôi học. Vì vậy, đến thời điểm này, trường chưa gặp được thí sinh để xử lý theo quy trình bình thường với trường hợp giảm điểm đến mức không đạt điểm trúng tuyển" - ông Tuấn Anh nói.
Ngoài trường hợp thủ khoa T., Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn có một thí sinh từ Sơn La có điểm chấm thẩm định giảm từ 27 điểm xuống còn 24 điểm ở tổ hợp C00. Điểm chuẩn ngành sư phạm ngữ văn là 24 điểm, nên thí sinh vẫn đủ điểm trúng tuyển và trước mắt nhà trường cho sinh viên này tiếp tục học theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Tràn lan thủ khoa, á khoa trường công an, quân đội
T.P.T. không phải là trường hợp cá biệt được vinh danh thủ khoa nhờ nâng điểm. Nhiều trường công an, quân đội cũng có thủ khoa, á khoa nằm trong danh sách thí sinh được sửa điểm trong vụ gian lận thi cử chưa từng có năm 2018.
Ví dụ, thủ khoa của Trường Sĩ quan phòng hóa là D.A.T. được nâng đến... 20,95 điểm cho các môn thi. Trong đó, riêng tổ hợp toán - lý - hóa, điểm thật của thí sinh (lần lượt các môn toán - lý - hóa) chỉ 3,6 điểm - 2 điểm - 3,75 điểm nhưng được nâng lên thành 8,4 điểm - 8 điểm - 9 điểm.
Đ.T.G. là thí sinh đạt điểm thủ khoa đầu vào Học viện Hậu cần với điểm ba môn thi là 27,95 điểm (các môn đều 9 điểm trở lên) nhưng kết quả chấm thẩm định thì cho kết quả tổng điểm ba môn này không đạt đến 10 điểm. Thí sinh này còn có mức điểm "thấp toàn diện" khi có thêm môn sinh học chỉ 1,5 điểm, ngoại ngữ chỉ 3,8 điểm.
Tuy nhiên, tại thời điểm nhập học, vụ gian lận ở Hòa Bình chưa bị phanh phui đến tận cùng, Đ.T.G. đã không nhập học ngay từ đầu. Á khoa của Học viện Hậu cần là thí sinh N.H.H.Đ. cũng được nâng tổng điểm lên đến 18,8 điểm.
Đặc biệt, thí sinh có mức điểm được nâng cao nhất tại Hòa Bình (nâng 26,45 điểm) có mức điểm khởi đầu "không thể tin nổi": vật lý 0, hóa học 0, toán 1 điểm được nâng thành 9 - 9,25 - 9,2 điểm. Theo quy định, điểm 1 trở xuống là điểm liệt. Với việc sở hữu "điểm liệt toàn phần", đáng lẽ thí sinh này không đủ điều kiện xét tuyển nhưng thí sinh này đã từng thuộc tốp 3 thí sinh đạt điểm cao nhất vào Trường Sĩ quan lục quân 1 và đã nhập học.
Thủ khoa Học viện Kỹ thuật quân sự với 27,9 điểm cũng bị giảm 18,7 điểm, nghĩa là tổng điểm thực chưa được 10 điểm.
Ở khối trường công an, hai trong số các thủ khoa của Học viện An ninh nhân dân là N.T.L. (thí sinh nam) và L.Đ.K.L. (thí sinh nữ) cũng nằm trong danh sách được nâng điểm. Tổng mức điểm hai thí sinh này được nâng cho các môn là 9,65 điểm và 10,9 điểm.
Ngoài ra, thí sinh T.A.Đ. (thủ khoa Học viện Cảnh sát nhân dân) và P.Q.H. (thủ khoa Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy) cũng được nâng từ 9 đến 16 điểm/thí sinh.