Thu hút vốn FDI của Đà Nẵng giảm hơn một nửa
Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô của Công ty Việt Nam Tokai (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) tại KCN Hoà Cầm (Đà Nẵng) tháng 7/2012 - Ảnh: HC |
Như vậy so với năm 2011, Đà Nẵng giảm 7 dự án FDI cấp mới và tăng thêm vốn với tổng số vốn giảm tương ứng là 295,8 triệu USD, tức giảm tới 50,2%. Luỹ kế đến nay trên địa bàn có 241 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đầu tư 3,6 tỉ USD. Tính ra quy mô bình quân chưa tới 15 triệu USD/dự án.
Điểm sáng có thể nói đáng kể nhất trong việc thu hút vốn FDI tại Đà Nẵng là tính đến thời điểm này đã có 125 dự án đi vào hoạt động, chiếm 51,9% về số dự án, với tổng vốn thực hiện ước đạt 1,61 tỉ USD, chiếm 44,7% tổng vốn đầu tư (cao hơn mức vốn thực hiện bình quân trên cả nước giai đoạn 1998 - 2011 là 43,2%).
Theo UBND TP Đà Nẵng, sự giảm sút về thu hút vốn FDI nêu trên nằm trong bối cảnh chung của sự giảm sút tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2012, ước đạt 95,2% kế hoạch năm và giảm 13,6% so với năm 2011. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, thị trường bị thu hẹp, phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản. Nhiều dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng do khó khăn về vốn phải tạm ngưng hoặc không triển khai, làm giảm tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư phát triển của địa phương.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả vốn FDI trên địa bàn, UBND TP Đà Nẵng đưa ra định hướng trong năm 2013 và những năm tới tập trung thu hút có chọn lọc, hướng vào các lĩnh vực, dự án có giá trị gia tăng cao như công nghệ cao, chế biến sâu tài nguyên khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp "xanh", thân thiện với môi trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; các lĩnh vực tạo liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng...