Thử hình dung “chuyện hằng ngày” của 30 năm tới
Để đánh dấu mốc kỷ niệm này, các chuyên gia của Kaspersky đã có những dự đoán thể giới công nghệ thông tin trong 30 năm tới, tức thời điểm năm 2045. Cuộc sống của chúng ta có thể phát triển và thay đổi đến thế nào?
Robot ở khắp mọi nơi
Có khả năng chẳng bao lâu dân số thế giới sẽ bao gồm hàng tỷ người và hàng tỷ robot. Và khi đó robot sẽ làm hầu như tất cả công việc nặng mà con người thường phải làm. Trong khi đó, con người chỉ phải làm việc để phát triển các phần mềm điều khiển robot. Và ngành công nghiệp IT sẽ chú trọng phát triển chương trình về robot, giống như việc bây giờ họ phát triển các ứng dụng cho người dùng tải về và cài đặt.
Và đều này sẽ dẫn đến ranh giới giữa robot và con người sẽ trở nên mờ nhạt. Kỹ thuật cấy ghép sẽ bắt đầu sử dụng các bộ phận nhân tạo. Các bộ phận giả được điều khiển điện tử thay thế bộ phận thật trong các ca phẫu thuật thông thường. Robot siêu nhỏ sẽ đi sâu vào cơ thể để cung cấp thuốc cho các tế bào bị bệnh hoặc thực hiện vi phẫu. Cảm biến đặc biệt được cài đặt sẽ theo dõi sức khỏe của con người và truyền tải kết quả vào dữ liệu được lưu trữ trên đám mây mà các bác sĩ có thể truy cập được. Nhờ các kỹ thuật này mà tuổi thọ con người sẽ được tăng lên đáng kể.
Nhà thông minh
Ngoài những điều trên, con người sẽ được sống trong những ngôi nhà thông minh, nơi hầu hết các tiện nghi đều tự động hóa hoàn toàn. Các phần mềm sẽ quản lý nguồn cung cấp năng lượng, nước, thực phẩm và sẽ tự động cập nhật bổ sung. Và con người chỉ cần quan tâm có đủ tiền trong tài khoản ngân hàng của họ để chi trả các hóa đơn đó hay không?
Siêu Trí tuệ
Thời đại kỹ thuật số tiên tiến của loài người sẽ được thiết lập đầy đủ trong một cơ sở hạ tầng toàn cầu duy nhất, có khả năng tự điều chỉnh và tham gia vào việc quản lý cuộc sống trên hành tinh. Hệ thống này hoạt động giống như TOR ngày nay, những người sử dụng hiệu quả nhất sẽ chiếm được nhiều quyền điều phối hơn. Hệ thống sẽ hướng tới sự phân phối nguồn lực giữa con người, ngăn ngừa xung đột vũ trang và tham gia vào hoạt động nhân đạo khác.
Không còn máy tính
Các máy tính có thể đã bắt đầu cho cuộc bùng nổ công nghệ thông tin, nhưng đến năm 2045, có lẽ chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy chúng trong bảo tàng. Chúng ta sẽ không còn cần một công cụ duy nhất làm việc với dữ liệu. Sẽ có các thiết bị thông minh với những tiện ích khác nhau đảm nhận chức năng của máy tính ngày nay. Ví dụ, phân tích tài chính sẽ được thực hiện bởi một máy chủ kiểm soát bởi tổ chức có liên quan sử dụng văn bản điện tử, không phải bởi một nhân viên kế toán trên máy tính cá nhân.
Không phải ai cũng cảm thấy thú vị về một thế giới đầy robot. Vì vậy, sẽ có một nhóm xuất hiện chống lại sự phát triển của những sản phẩm công nghệ như nhà thông minh, lối sống tự động và robot. Phe chống lại sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ né tránh sử dụng các hệ thống thông minh, thiết bị, hay robot cho một số loại công việc và sẽ không có bất kỳ sản phẩm kỹ thuật số nào. Đó chính là Technophobia, hay còn gọi là hội chứng sợ hãi công nghệ mới.
Alexander Gostev, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về bảo mật tại Kaspersky Lab, nhận xét: “Tốc độ phát triển hiện nay trong lĩnh vực công nghệ gây ra khó khăn trong việc cung cấp những dự đoán chính xác về điều gì sẽ xảy ra trong một vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, qua từng năm, công nghệ được cải tiến thông minh hơn và những người làm việc với chúng cần phải theo kịp. Chúng tôi chắc chắn rằng tội phạm mạng sẽ tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực để khai thác tất cả sự tiến bộ của CNTT cho các mục đích của mình. Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra trên thế giới trong 30 năm tới, chúng ta nên bắt đầu cải thiện sự thoải mái, an toàn và hạnh phúc ngay bây giờ. Công nghệ chỉ là một công cụ và tùy thuộc vào con người sẽ sử dụng chúng một cách đúng đắn hay sai trái”.
Kim Thanh/SGGP