Thú chơi xe Korando với biển kiểm soát “rởm”
Thú chơi xe Korando với biển kiểm soát “rởm”
Năm 2001 và đầu năm 2002, hàng trăm xe Korando đã được nhập khẩu về Việt Nam. Là xe tải,thùng kín nên thuế và phí đăng ký thấp hơn xe chở khách nhưng sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký và BKS, nhiều xe đã hoán cải thành xe chở người bằng việc lắp thêm hàng ghế phía sau, khoang chở hàng.
Do có sự “mập mờ” giữa xe tải và xe chở người nên giữa năm 2002, các cơ quan chức năng đã cấm nhập khẩu các loại xe “kiểu” Korando, truy thu tiền thuế đối với những xe đã đăng ký, tịch thu số xe chưa đăng ký. Tuy nhiên, trên thực tế hiện có khá nhiều xe Korando đang được lưu hành núp dưới bóng của một xe khác.
Theo ghi nhận trong nhiều ngày của PV báo điện tử Infonet, trên Quốc lộ 5, trước cửa trụ sở Công an huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội trong các ngày làm việc luôn "xuất hiện" 02 chiếc Korando với BKS 16LD - 0669, 16H – 1199 và "tồn tại" ở đó trong suốt giờ hành chính.
Tìm hiểu thông tin về phương tin, PV Infonet bất ngờ khi 2 BKS này đều của xe ô tô khác.
BKS 16LD – 0669 được cấp cho ô tô khách Aerospace 47 chỗ ngồi của hãng Huyndai; số máy: D6AB4102643, số khung: KMJRJ18BP5C912145; chủ phương tiện: Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long ở số 5 Phạm Ngũ Lão, Ngô Quyền, Hải Phòng.
Còn BKS 16H – 1199 là của xe ô tô Starex của Xí nghiệp tập thể TB đoàn Sao Vàng ở 4Q Trần Hưng Đạo, Hải Phòng; được phép chở 3 người và 1000 kg hàng hóa.
Hai chiếc Korando này luôn đậu trước trụ sở công an huyện Gia Lâm |
Trao đổi với PV Infonet, một chuyên viên Cục đăng kiểm Việt Nam nhận xét: Trong 10 xe Korando có đến 6, 7 xe do những người làm trong lực lượng công an sử dụng. Hiện nay, hầu hết các xe Korando đều đã được lắp thêm hàng ghế phía sau ở khoang chở hàng.
Việc hoán cải, sử dụng BKS “rởm” đối với xe ô tô đã được pháp luật quy định hình thức và mức độ xử phạt. Vấn đề đặt ra là nếu những chiếc xe mang BKS “rởm” này gây tai nạn giao thông rồi chạy trốn, tháo BKS cơ quan chức năng sẽ rất vất vả trong việc tìm ra thủ phạm và người gánh hậu quả không ai khác là nạn nhân của vụ tai nạn và người thân của họ. Nên chăng, các cơ quan chức năng tổ chức một đợt tổng kiểm tra các ô tô tải VAN và xử lý nghiêm người sử dụng những xe vi phạm?
Khoản 5 Điều 19 Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a)Xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép; b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (nếu có quy định về niên hạn sử dụng); c) Điều khiển loại xe tự sản xuất, lắp ráp (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông); d) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; đ) Sử dụng sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Ngoài ra, người điều khiển xe vi phạm còn bị tịch thu sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày nếu vi phạm điểm d, điểm đ; bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày nếu vi phạm điểm b, điểm c. |
Kiên trung