Thống đốc NHNN: Các ngân hàng rất phấn khích với Nghị quyết về xử lý nợ xấu
Theo Thống đốc, Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng: “Với khuôn khổ pháp lý này, nếu ĐBQH tiếp xúc với các cử tri ngân hàng sẽ nhìn thấy sự phấn khích của họ”.
Nghị quyết có hiệu lực từ 15/8/2017 và chỉ trong thời gian ngắn nhưng NHNN đã rà soát và chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc như tài sản kê biên liên quan đến một số vụ án. Thống đốc cho biết NHNN đã chỉ đạo các TCTD báo cáo các cơ quan chức năng, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Về các tài sản có hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chủ yếu là các bất động sản, việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho những tài sản đảm bảo này cũng là vấn đề ưu tiên trong thời gian tới.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thông tin, dự trữ ngoại hối đã tăng lên 46 tỷ USD, NHNN mua vào 7 tỷ USD từ 2017 đến nay. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 3%; toàn ngành ngân hàng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và 2 năm liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính.
Trả lời câu hỏi của ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) về định hướng tăng trưởng tín dụng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Thống đốc cho biết Căn cứ vào Nghị quyết phát triển KT-XH của Quốc hội, NHNN xây dựng kịch bản điều hành cho năm 2017 là tín dụng tăng trưởng 18% và có sự linh hoạt. Đến cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng tăng hơn 13%, tốc độ này không có gì là đột biến.
“Tăng trưởng tín dụng phải đi kèm với chất lượng và hiệu quả tín dụng, phải đi vào SXKD. Nhìn vào cơ cấu tín dụng 10 tháng đầu năm đã tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến chế tạo, DNNVV, đây là động lực cho tăng trưởng GDP. Tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm cũng sẽ đảm bảo vào đúng lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chất lượng tín dụng" - Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Cũng với câu hỏi của ĐB Tuyết, Thống đốc cho biết gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch mới triển khai được 6 tháng nhưng dư nợ đã đạt 36 nghìn tỷ đồng, trong đó kỳ hạn dài chiếm 60%, như vậy tín dụng đã đáp ứng nguồn vốn trung và dài hạn. Thống đốc cho rằng con số đó là khá cao khi chủ trương này mới chỉ triển khai trong một thời gian ngắn. Đã có trên 6.000 khách hàng được tiếp cận gói vay này, trong đó hơn 6.000 khách hàng cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước. Trước hết, phải tập trung vào việc ổn định giá trị đồng tiền, bảo đảm an toàn hệ thống và hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đây là những mục tiêu xuyên suốt.
“Mục tiêu đầu tiên và xuyên suốt chính là bảo đảm giá trị của đồng Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như trong công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã tập trung nỗ lực để kiểm soát được lạm phát, ổn định giá trị của đồng Việt Nam”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Theo đánh giá của NHNN, trong thời gian vừa qua có nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu đấy cùng một lúc khó thực hiện. Nhưng trên thực tế, nhờ sự phối hợp, kết hợp rất chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt giữa Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và một số Bộ, ngành trong điều hành chính sách vĩ mô, kinh tế Việt Nam đã dần đi vào ổn định, kiểm soát được lạm phát, kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị đồng Việt Nam cũng được giữ ổn định, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã an toàn hơn.
“Dựa trên những kết quả đạt được trong thời gian qua, tới đây, các bộ, ngành sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác hoạch định và thực thi các chính sách điều hành của mình” - Thống đốc nói.