Thoái hoá cột sống, xương khớp ám ảnh của người trẻ
Ảnh minh hoạ |
Chị Vũ Thị Nga – 34 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội làm nghề thợ may cho biết đã lâu chị rất khó có thể giơ tay lên qua đầu để buộc tốc hay phơi quần áo. Chị đi khám được chẩn đoán thoái hoá đốt sống cổ, vai gáy.
Dù đã điều trị uống thuốc nhưng bệnh không có tiến triển nhiều. Đợt nào đau quá chị lại uống giảm đau. Chị Nga cho biết bác sĩ tư vấn do công việc của chị phải ngồi nhiều và ít đứng lên vận động nên bệnh tiến triển nhanh. Tuy nhiên, vì công việc nên chị cũng không thể nào cắt giảm thời gian ngồi của mình nhất là vào dịp cuối năm càng đông khách. Mỗi tuần, chị Nga cũng dành 3 buổi đi tập luyện nhưng rất ít tác dụng.
Không riêng chị Nga, giới văn phòng cũng khổ sở vì thoái hoá xương khớp. Chị Mai Thị Diệu Linh – Hà Đông, Hà Nội 36 tuổi thường xuyên bị đau mỏi xương khớp. Ban đầu, chị Linh nghĩ do mình bị thấp khớp thay đổi thời tiết nhưng càng về sau dấu hiệu mỏi khớp, đau nhức càng tăng lên. Chị đi khám, bác sĩ cho biết chị bị thoái hoá khớp gối, cột sống thắt lưng chớm lệch đĩa đệm. Chị Linh kể trước tới nay cứ nghĩ thoái hoá chỉ dành cho người lao động vất vả như chị ngồi văn phòng thì ít hơn.
PGS.TS Kiều Đình Hùng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cột sống và chấn thương Chỉnh hình, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, trước đây thoái hóa khớp thường xảy ra ở người già tuy nhiên, hiện nay những người khoảng hơn 20 tuổi đến 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp.
Nguyên nhân hay gặp nhất là tư thế làm việc, ví dụ ngồi quá lâu ở một tư thế cũng gây ra thoái hóa. Gần đây các bác sĩ hay gặp ở các bạn trẻ những nhân viên văn phòng bị thoái hóa rất nhiều do ngồi quá nhiều. Hay các cháu học sinh đang ở lứa tuổi học đường do tư thế ngồi học không đúng hoặc ngồi lỳ liên tục.
Ngoài ra, theo PGS Hùng có những sai lầm mà dễ dẫn đến bệnh thoái hóa khớp ở người trẻ đó là tập thể thao không đúng, đặc biệt là ở những người tập tạ, chúng tôi quan sát có đến 70-80% người tập tạ bị ảnh hưởng cột sống vì sức nặng đè lên cột sống. Ngoài ra, những người lao động làm việc quá sức và mang vác đồ nặng sai tư thế. Bình thường cột sống của chúng ta chỉ chịu mức độ khoảng 60-70kg nhưng nhiều người lại mang vác nặng và bê đồ. Khi mang vác đồ nặng để lưng thẳng thì không sao nhưng để lưng còng, cột sống cong thì rất nguy hiểm.
Dấu hiệu thoái hóa khớp gặp đầu tiên mỏi khớp, thỉnh thoảng đau khớp, cột sống thì đau cổ và lưng đến giai đoạn sau tức là muộn rồi thì đã khớp đã sưng. Nếu là thoái hóa khớp thì khớp gối bị nhiều nhất. Nếu là thoái hóa cột sống thì ở cột sống thẳng lưng và cột sống cổ.
PGS Hùng khuyến cáo những người bị khớp gối tránh động tác làm cho khớp chịu tải như chạy, nhảy, cầu lông, bóng chuyền, cột sống thắt lưng, không được chơi môn thể thao mà để cột sống phải chịu tải. Nhất là những người béo phì, khi giữ được cân tốt thì lại béo hơn vì vậy những người này phải chọn được môn thể thao phù hợp, đi tập động tác cột sống nó không chịu tải.
Để điều trị bệnh thoái hoá khớp và cột sống các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Trước mắt là cần bổ sung can xi và các chất cần thiết cho xương, sụn khỏe, ngoài ra nếu bị thoái hoá ở giai đoạn đầu thì có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm. Nếu viêm nặng quả phải dùng thuốc Corticoid nhưng tuyệt đối không được lạm dụng.
Và nếu khi đã thực hiện điều trị thông thường bệnh không khỏi thì phải tiêm khớp. Nếu nặng hơn thì phải phẫu thuật rửa khớp lấy sụn bị bong hỏng. Nặng hơn nữa thì phải thay khớp. Hiên nay các bác sĩ đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật thay khớp và cho thấy kết quả rất tốt.