Thiếu nữ chưa lập gia đình đã bị sa tạng chậu
Bác sĩ mổ thị phạm ứng dụng laser trong điều trị bệnh lý són tiểu cho bệnh nhân. |
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, hàng tháng bệnh viện thường xuyên tiếp nhận từ 15-17 các trường hợp mắc nhiều hội chứng khác nhau về bệnh lý sa tạng chậu. Có trường hợp bị lộn ngược hết bàng quang, trực tràng, sa tử cung ra ngoài được xếp mắc bệnh độ 4. Mức độ đầu tiên thường là són tiểu.
Đau lòng nhất là nhiều bệnh nhân khi vào viện bệnh đã rất nặng buộc lòng phải phẫu thuật. Tuy nhiên, việc phẫu thuật chạm tới các tạng vùng này ở người phụ nữ lại dễ gây biến chứng sau mổ, một áp lực không nhỏ cho các bác sĩ. Người bệnh sau đó thường rất mặc cảm.
Đa phần các ca sa tạng chậu gặp ở phụ nữ sau sinh, nguyên nhân do quá trình mang thai và rặn sinh gây tổn thương hệ thống cơ nâng đỡ bàng quang, trực tràng, gây rối loạn chức năng vùng sàn chậu như tiểu són.
Tuy nhiên, cũng vẫn có những phụ nữ trẻ chưa từng trải qua sinh nở mắc căn bệnh khó nói này. Bác sĩ Lê Quang Thanh cho biết, cách đây hơn một năm, có một cô gái 20 tuổi, là một vận động viên thể thao đã mắc căn bệnh này. Do chưa lập gia đình, chưa từng sinh nở nên bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng là do cô gái vận động quá mạnh khi tập luyện thể thao.
TS.BS. Nguyễn Trung Vinh, Chủ tịch Hội Sàn Chậu học TP.HCM cho biết, rối loạn chức năng sàn chậu xuất hiện ngày càng nhiều ở phụ nữ khi cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, cũng như do quá trình sinh đẻ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.
Ngoài ra các yếu tố nguy cơ cao là người béo phì, ho mãn tính, táo bón, nâng vật nặng lặp đi lặp lại cũng khiến cho tình trạng người phụ nữ bị ảnh hưởng đến chức năng sàn chậu. Sa tạng chậu không đe dọa đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, chất lượng sống của phụ nữ, nhất là phụ nữ sau sinh đẻ.
Trước đây, một trong những giải pháp đầu tiên trong việc điều trị sa tạng chậu (hay còn gọi là sa sinh dục) là cắt tử cung. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp về mặt giải phẫu, chức năng. Những quan điểm mới trong ngành sàn chậu học hiện nay đã giúp thay đổi cách điều trị từ nội khoa đến xâm lấn tối thiểu, trong đó mới nhất là điều trị không xâm lấn bằng tia laser.
Theo GS.TS Tú Lệ Mai - Giảng viên ĐH Y khoa Sherbrooke (Canada), hàng trăm triệu phụ nữ đã bị sa tạng chậu, trong đó 40 – 50% bị một dạng nào đó của tiểu không tự chủ. Đã có liệu pháp tập vật lý trị liệu - phương pháp Kegel nhưng thường thất bại vì bệnh nhân làm chưa đúng hoặc thiếu sự tuân thủ trong phương pháp. Chính bởi vậy, sự xuất hiện của liệu pháp chữa trị bằng laser đã trở thành "cứu cánh" cho người bệnh bị sa sàn chậu.
Fotona Smooth là một thủ thuật laser được áp dụng rất phổ biến tại châu Âu, Mỹ có tác dụng không xâm lấn được dùng để tăng cường chức năng của mô liên kết bên trong cơ quan vùng "nhạy cảm", giảm bớt các triệu chứng rối loạn vùng sàn chậu. Đặc tính vật lý của nó là sử dụng các bước sóng, được trực chiếu thẳng vào vùng mô muốn tác động, sử dụng nhiệt sâu, không cắt đốt trên bề mặt nên không gây tổn thương, không phá hủy lớp biểu mô. Đồng thời, các tia laser còn làm tăng tái tạo lớp collagen, tăng sinh mạch máu.
Được biết, hiện tại để áp dụng biện pháp trên cho bệnh lý són tiểu và hỗ trợ thời gian đầu cho các bệnh lý sa sàn chậu, tại Bệnh viện Hùng Vương đã có đặt máy điều trị và thời gian sắp tới xem xét sẽ đặt thêm một máy tại Bệnh viện Từ Dũ.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu và sa các tạng vùng chậu cần được tư vấn và điều trị hợp lý tùy mức độ bệnh. Nên đi khám giai đoạn sớm để có thể điều trị bảo tồn, tránh khối sa diễn tiến nặng phải phẫu thuật. Phòng bệnh bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn nhiều thức ăn có nhiều chất xơ, rau quả, uống 1,5 lít nước mỗi ngày, kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh tình trạng béo phì