Thiếu chế tài, cơ quan Nhà nước “nhờn” báo chí!

Có đến 70 - 75% số công văn hoặc phiếu chuyển đơn thư khiếu nại của báo chí gửi cho các cơ quan Nhà nước một đi không trở lại. Số được phản hồi cũng mang tính chung chung, tránh né. Sở dĩ điều này trở nên phổ biến vì Luật không có quy định chế tài đơn vị vi phạm nhưng không phản hồi cho báo chí.
Thiếu chế tài, cơ quan Nhà nước “nhờn” báo chí! - ảnh 1
Phần lớn công văn và phiếu chuyển từ báo chí đến CQNN một đi không trở lại.

Đó là nhận định cốt lõi của các chuyên gia, cùng 268 nhà báo từ cấp tỉnh thành đến báo cấp Bộ ngành, hoạt động tác nghiệp trên tất cả các lĩnh vực khắp cả nước. Nhận định này được nêu ra tại cuộc hội thảo “Mức độ phản hồi của cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí”, do Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC - thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật VN) và Đại sứ quán Anh tổ chức tại TP.HCM sáng 18/10.

Không thèm trả lời hoặc chung chung, né tránh

Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.HCM, nêu một trường hợp thực khó tin nhưng lại có thật: Báo Dân Trí, một tờ báo điện tử có tên tuổi và lượng truy cập cao, đã nhiều lần làm công văn, phiếu chuyển, thúc đẩy, và viết đến 30 bài báo về một vụ việc, nhưng cơ quan Nhà nước được nói đến vẫn im lặng, không thèm trả lời. “Mãi đến bài viết thứ 31, bí quá họ mới trả lời, nhưng nội dung cũng chung chung kiểu ‘chúng tôi đang xem xét, hiện chưa có kết luận cuối cùng; khi nào có kết luận cuối cùng sẽ xử lý và phản hồi đến báo chí”. Trả lời kiểu đó thì cũng bó tay!

Trong tham luận của mình, báo Thanh Niên cho biết, tờ báo này mở một mục trên tờ báo điện tử là “Cơ quan không phản hồi báo chí”. “Kể từ khi mở mục này tình hình có cải thiện hơn, tức tỷ lệ trả lời có tăng lên chút đỉnh, nhưng cách trả lời thì cũng không khác đồng nghiệp Mai Phan Lợi vừa dẫn chứng”, nhà báo Trần Thanh Bình, Phó ban Ban Công tác bạn đọc, báo Thanh Niên, nói.

Theo ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM, cách làm khi cơ quan không trả lời cứ đăng thông tin lên báo cũng không phải là hiệu quả nếu nội dung trả lời chung chung như thế này. “Một chữ trên báo phải tính bằng tiền, nếu cứ đăng mãi chuyện này thì vừa nhàm chán, vừa kém hiệu quả lẫn hiệu ứng bạn đọc”, nhà báo lão thành này nói.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng trên 268 nhà báo hoạt động tại 19 tỉnh thành trên cả nước và tác nghiệp trên tất cả các lĩnh vực, chỉ có 26% CQNN phản hồi theo đúng luật định (trong thời hạn 30 ngày). Trong đó, đến 78% phản hồi chỉ nói chung chung không đi đến đâu. Những tờ báo có lượng bạn đọc ít hoặc các trang báo mạng thì tỷ lệ phản hồi càng ít ỏi. 

Tình trạng này khiến cho việc giải quyết các vụ việc báo chí nêu trên mặt báo hoặc chuyển đơn thư, công văn trở nên kém hiệu quả.

Thiếu chế tài, cơ quan Nhà nước “nhờn” báo chí! - ảnh 2
Nhà báo Nguyễn Bá cho rằng pháp luật thiếu chế tài thì cơ quan Nhà nước không sợ.

Chế tài để buộc phải trả lời báo chí

Tại cuộc hội thảo 18/10, tiến sĩ - luật sư Phan Đăng Thanh bức xúc thốt lên: “Trong đời làm luật sư của mình, tôi chưa từng thấy bộ luật nào như Luật Báo chí, bị người ta ngang nhiên vi phạm và vi phạm nhiều, liên tục đến như vậy!”.

Lý giải cho điều này có vẻ hoàn toàn không khó với những đại biểu đang ngồi trong hội trường, là những nhà báo lão luyện đã có vài chục năm trong nghề, hoặc các phóng viên, nhà báo trẻ hiện đang ngày đêm xông pha lăn lộn trên từng cung đường, ngõ ngách. Trong bài tham luận của mình, nhà báo Nguyễn Bá, Phó Tổng biên tập báo Bưu điện Việt Nam (có địa chỉ báo điện tử tại http://Infonet.vn), lý giải một cách đơn giản nhưng được gần như tất cả đồng tình: “Luật Báo chí và đây đó trong các Luật khác đều có quy định về việc phản hồi cho báo chí, khá chặt chẽ. Nhưng người ta vẫn vi phạm, chỉ vì đơn giản, trong tất cả các quy định, không tìm thấy đâu ra điều nào quy định chế tài khi các cơ quan không trả lời, phản hồi”.

Cụ thể, tuy Nghị định 51/2002 hướng dẫn thi hành luật Báo chí, Nghị định 02/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản có những bổ sung nhưng vẫn không có quy định chế tài buộc CQNN phải trả lời cơ quan báo chí. 

Báo Thanh Niên trong năm 2012 đã chuyển 1.050 đơn thư của bạn đọc nhưng chỉ nhận được 510 trường hợp phản hồi của các cơ quan chức năng, đạt 48,6%. Trong 9 tháng đầu năm 2013, số lượng đơn thư chuyển đi là 889 nhưng số lượng công văn trả lời nhận được chỉ 247 trường hợp (chiếm 27,8%). Báo Tuổi Trẻ năm 2012 chỉ nhận được phản hồi 33% trường hợp đơn thư chuyển đi; qua 9 tháng đầu năm 2013 giảm xuống còn hơn 22%. Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết trong số đơn thư của bạn đọc chuyển đi năm 2012 chỉ nhận được 25% trường hợp trả lời của các CQNN...

Ông Bá đơn cử một vụ án năm 2004, Thứ trưởng Bộ Thương mại Mai Văn Dâu phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điều 281 BLHS. Khi các báo đến để lấy thông tin, tuyệt đối Bộ Thương mại không ai trả lời câu gì! Cuối cùng, báo chí đành phải lấy tin từ nguồn khác. “Hỏi kiểu gì, làm kiểu gì họ cũng một mực im lặng. Lẽ ra, trong những trường hợp có vụ việc quan trọng và quần chúng quan tâm, cơ quan đơn vị đó phải tổ chức họp báo cung cấp thông tin mới đúng”, ông Bá nói.

Nhà báo này cho biết, không những các cơ quan không phản hồi mà còn cản trở với nhiều biến tướng, kiểu lợi dụng hiểu lệch đi Quy chế phát ngôn, phân biệt giữa phóng viên có thẻ và không có thẻ, có thẻ rồi đòi thêm giấy giới thiệu. Hoặc mạnh ngành nào ngành ấy tự đưa ra quy định chế tài, xử phạt báo chí.

Ý kiến chung của các đại biểu tại hội thảo là Luật cần có quy định chế tài, xử phạt các cơ quan tổ chức không tuân thủ đúng quy định của Luật báo chí, cụ thể không phản hồi cho báo chí khi đã nhận công văn hoặc phiếu chuyển.

“Cần nhanh chóng sửa đổi luật Báo chí theo hướng đưa vào những quy định về biện pháp chế tài để xử lý các CQNN không trả lời hoặc chậm trả lời cơ quan báo chí đối với những kiến nghị, phê bình, khiếu nại của người dân”, tiến sĩ – luật sư Phan Đăng Thanh đề nghị.

Tuy nhiên luật sư Dương Phi Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) đưa ra câu hỏi khiến nhiều người cũng băn khoăn: “Vậy ai sẽ xử cơ quan không phản hồi cho báo chí?”

Theo nhà báo Nguyễn Bá, trước mắt các cơ quan có thẩm quyền cần phải rà soát Luật, “dọn dẹp” tất cả những quy định sai thẩm quyền, giao thống nhất một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kế đến, ông đề nghị chính các cơ quan báo chí, các nhà báo phải lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, trên mặt báo và trên nhiều phương tiện khác, để buộc phải hủy bỏ các quy định sai thẩm quyền của các Bộ ngành, và buộc các cơ quan phải phản hồi.

Hiện tại, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng đang đệ trình lên Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Tư pháp và Thanh tra Chính phủ kiến nghị bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 02/2011 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí – xuất bản”. Đó là đề nghị “bổ sung chế tài cho việc không/chậm trả lời báo chí theo điều 8 Luật báo chí”.

“Hiến pháp quy định công dân có quyền kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo, và báo chí là một kênh để người dân thực hiện quyền hiến định này. Vừa qua, bằng việc ban hành Nghị định 90/2013/NĐ-CP về “Trách nhiệm giải trình, Chính phủ đã phàn nào làm rõ hơn trách nhiệm,  nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước trước ý kiến của tổ chức, công dân. Vì vậy, để các quy định mang tính trách nhiệm, nghĩa vụ ấy phải phát huy hiệu quả trên thực tế, việc bổ sung các quy định mang tính chất chế tài Nhà nước trong đó có quy phạm chế tài mà Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng kiến nghị, là cần thiết”

(Trung tâm Truyền thông và Giáo dục cộng đồng - MEC)
Đặng Vỹ

Phát hành đặc biệt bộ tem kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiều 31/1, tại Hà Nội, Bộ TT&TT và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020)”. Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 10 bộ tem về Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trao giải Báo chí với phát triển bền vững 2019 và phát động cuộc thi năm 2020

Ngày 10/1/2020, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), các đơn vị đồng hành tổ chức lễ trao “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2019” và phát động “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2020”.

Hà Nội quy hoạch báo chí, giảm 10 tòa soạn báo, tạp chí

Sau sắp xếp, Hà Nội còn 8 cơ quan báo chí, trong đó có 5 báo in, 1 đài truyền hình Hà Nội và 2 tạp chí.

Sách Quốc gia 2019: Bộ sách đồ sộ của cố GS Phan Huy Lê được vinh danh

Bộ sách "Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển" do cố Giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên cùng "Động vật chí và Thực vật chí VN" đạt giải A Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 2.

Giải thưởng sách Quốc gia: Mục tiêu cao nhất là lan tỏa tới độc giả

"Giải thưởng Sách Quốc gia hướng tới mục tiêu cao nhất là tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống văn hóa, xã hội", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.

Hà Tĩnh: Dịch vụ bưu chính công ích phát huy tốt vai trò và lợi thế

Việc giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn Hà Tĩnh đã đi vào ổn định và đang phát huy được vai trò lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân khi thực hiện các thủ hành chính.

Hỏi ông Putin câu hỏi "chưa được duyệt", nữ phóng viên bị nghỉ việc bí ẩn?

Truyền thông Nga đang có suy đoán khác nhau về việc 1 nữ phóng viên đã bị buộc xin thôi việc sau khi đặt câu hỏi bất ngờ cho ông Putin trong cuộc họp báo thường niên ngày 19/12.

Cục Tần số: Sắp đấu giá băng tần 2.6Ghz để nâng cao chất lượng mạng 4G

ICTnews - Theo ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT đang khẩn trương chuẩn bị đấu giá băng tần 2.6 Ghz để các nhà mạng tiếp tục mở rộng, nâng cao chất lượng mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.

Cục trưởng Cục Viễn thông: "Thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao di động"

ICTnews - Ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, thị trường viễn thông đã bão hòa, khó phát triển thuê bao mới. Vì vậy, Cục sẽ cần nghiên cứu phương án tạo động lực cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Các ngôi sao công nghệ thế giới sẽ đến Việt Nam vào tháng 9/2020

Hội nghị và triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020) là sự kiện quan trọng của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) do Việt Nam đăng cai sẽ diễn ra từ 06-09/09/2020 tại Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !