Muốn mua nhà ở xã hội phải “đi đêm”
Đối tượng mua nhà ở xã hội vốn đã không dư dả về tài chính nhưng để có một chốn an cư tối thiểu vẫn phải mất tiền “đi đêm”.
Anh Nguyễn Văn Liêm, nhân viên một công ty phần mềm tại Hà Nội, quê ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) thuật lại hành trình mua nhà ở xã hội (NƠXH) của mình.
Khách hàng chờ bốc thăm dự án NHS Phương Canh. Ảnh: Văn Thành
“Đi đêm” quyền mua nhà
Theo chia sẻ của anh Liêm, hiện anh cùng vợ và 1 con nhỏ đang thuê trọ tại quận Hà Đông để tiện cho việc đi làm. Hai vợ chồng tích cóp mấy năm cộng với tiền xin người nhà 2 bên gia đình bán mấy sào ruộng ở quê mới chỉ được ngót nghét 1 tỷ đồng, chưa thể với tới những chung cư thương mại nên anh chị quyết định tìm mua một căn NƠXH theo hình thức trả góp 1 phần.
Tuy nhiên, hành trình tìm mua nhà của vợ chồng anh không hề dễ dàng và giống như những chính sách về quyền được mua NƠXH mà anh từng được nghe, đọc và xem.
Theo anh Liêm, xét về điều kiện thì vợ chồng anh không phải đối tượng ưu tiên cao nhất nên phải làm hồ sơ xin mua, còn có được bốc thăm, bốc thăm có trúng hay không là cả một hành trình dài. Anh Liêm có liên hệ với 1 môi giới bán hàng cho dự án NƠXH IEC Thanh Trì thì được tư vấn nói, anh cứ làm hồ sơ bình thường. Tuy nhiên, muốn chắc chắn bốc được suất mua và chọn được căn diện tích dưới 70m2, anh phải nộp ngoài 70 triệu đồng, chia làm 2 lần, 50% khi gửi hồ sơ và 50% khi ký hợp đồng với chủ đầu tư.
70 triệu đồng là một số tiền vợ chồng anh Liêm cùng nhiều gia đình có hoàn cảnh tương tự tích cóp cả năm. Do đó, anh quyết định hỏi sang một số dự án khác như Ecohome 3, rồi dự án K1 Phương Canh, đến dự án ở Bắc Từ Liêm... ở đâu cũng gặp cảnh tương tự.
Lạc Việt Land quảng cáo công khai tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội IEC Tứ Hiệp. Ảnh: ST
Để có được một suất mua nhà tại một số dự án NƠXH tại khu vực Bắc Từ Liêm, Long Biên, anh Liêm được các môi giới cho biết sẽ phải bỏ ra từ 50 - 80 triệu đồng/căn. Còn nếu muốn được sở hữu căn hộ trong khoảng diện tích mong muốn, mức chi phí có thể lên đến từ 130 - 180 triệu đồng/căn.
Thiếu minh bạch
Khi phóng viên chia sẻ về câu chuyện của anh Liêm với quản lý của một sàn giao dịch BĐS tại quận Hà Đông thì vị này cho biết đây là luật bất thành văn rồi. "Thậm chí còn có nhiều trường hợp các vị này, vị kia là lãnh đạo ở Sở này, Sở kia “xí” căn rồi gửi cho các sàn bán, phần thu chênh thì chia đôi, thường là 80-120 triệu đồng mỗi căn" - vị này cho tiết lộ.
Theo Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa - Công ty Luật TNHH LSX, hiện chưa có quy định cụ thể về việc sau khi hoàn thành việc bốc thăm, mở bán bao lâu thì chủ đầu tư phải chuyển danh sách dự kiến ký hợp đồng mua bán lên Sở Xây dựng.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, vấn đề là ở chỗ chưa công khai minh bạch việc xét tuyển các đối tượng NƠXH cũng như công khai thông tin quỹ NƠXHnên người có nhu cầu thì không tiếp cận được còn người không có nhu cầu thật, có tiền, xem NƠXH như cơ hội để kinh doanh thì lại dễ dàng tiếp cận.
"Do đó, trong khâu xét duyệt dự án phải có sự giám sát đa chiều, nhất là các thông tin liên quan đến dự án NƠXH cần phải công khai hết mức có thể" - Ông Nghiêm nhấn mạnh.
Dự án nhà ở xã hội tai tiếng nhiều năm bỗng quảng cáo rầm rộ bằng cái tên mới THT New City
Chậm tiến độ, người mua nhà nhiều lần phải căng băng rôn kêu cứu, dự án chưa đủ điều kiện bàn giao vẫn “ép” người mua nhận nhà… khiến người mua ngao ngán, nhưng nay lại được quảng bá bằng cái tên mới lạ trên thị trường.
Theo enternews.vn