Hơn 2,4 tỷ USD trái phiếu bất động sản có rủi ro cao
Đây là lượng trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc được bảo đảm bằng cổ phiếu, chiếm 30% giá trị trái phiếu bất động sản phát hành sau 11 tháng, tương đương hơn 56.000 tỷ đồng.
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa có báo cáo tình hình phát hành trái phiếu tháng 11, trong đó cập nhật những số liệu mới nhất về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 11 và lũy kế 11 tháng từ đầu năm.
Theo số liệu đến ngày 1/12 của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), toàn thị trường ghi nhận 40 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng gần nhất và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 20.366 tỷ đồng.
Tiếp nối tháng 10 trước đó, trong tháng 11, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục là nhóm có lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn nhất với 8.476 tỷ, chiếm 42% tổng giá trị phát hành trong tháng. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp các doanh nghiệp bất động sản đứng đầu ở chỉ tiêu này.
Theo số liệu cơ quan quản lý ghi nhận được, có khoảng 59% lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong tháng vừa qua không có tài sản bảo đảm hoặc được đảm bảo bằng tài sản rủi ro cao là cổ phiếu, tương đương hơn 5.000 tỷ đồng.
GIÁ TRỊ PHÁT HÀNH TPDN TỪ ĐẦU NĂM 2021 | ||||||||||||
Nguồn: VBMA; Tổng hợp | ||||||||||||
Nhãn | Tháng 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | |
Giá trị phát hành trong tháng | tỷ đồng | 8026 | 2555 | 8035 | 29580 | 30080 | 53774 | 38905 | 26077 | 29734 | 39285 | 20366 |
Xét riêng nhóm bất động sản tháng 11, đợt phát hành có giá trị lớn nhất là của Công ty CP Vinhomes (VHM) với giá trị 2.090 tỷ đồng. Đây là trái phiếu phát hành ra công chúng có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,2%/năm cho 4 kỳ trả lãi đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau với lãi suất tham chiếu bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại Vietcombank; Agribank; VietinBank và BIDV.
Cũng trong tháng 11, ngân hàng là nhóm xếp thứ 2 về giá trị phát hành với 7.950 tỷ đồng, tương đương 39% tổng giá trị phát hành. Trong đó, SeABank dẫn đầu với 5 đợt phát hành có tổng giá trị 2.000 tỷ, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 3,7%/năm. TPBank cũng có giá trị phát hành tương đương thông qua 2 đợt, kỳ hạn cũng là 3 năm và lãi suất 3,2%/năm.
Theo VBMA, tính chung 11 tháng, toàn thị trường có 826 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm 803 đợt phát hành riêng lẻ, tổng giá trị 468.850 tỷ; 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26.340 tỷ; và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế trị giá 1,425 tỷ USD.
Tính trong giai đoạn này, nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với 187.160 tỷ đồng, chiếm 38%. Trong đó, có khoảng 30% trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5-13%/năm.
GIÁ TRỊ PHÁT HÀNH TPDN THEO NHÓM NGÀNH 11T | |||||||
Nguồn: VBMA; Tổng hợp | |||||||
Nhãn | Bất động sản | Ngân hàng | Xây dựng | Hàng tiêu dùng | Năng lượng | Khác | |
Giá trị TPDN phát hành | tỷ đồng | 187160 | 169600 | 27089 | 21080 | 20538 | 67059 |
Đáng chú ý, tỷ lệ trái phiếu bất động sản không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu này đã có xu hướng tăng lên trong những tháng gần đây.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán, đây là loại trái phiếu tiềm ẩn rủi ro cao hơn so với trái phiếu được đảm bảo bằng tài sản cố định, dự án bất động sản mà các doanh nghiệp thường sử dụng.
Với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, giá trị thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường. Khi thị trường bất động sản hoặc chứng khoán có biến động, giá trị tài sản đảm bảo này có thể không đủ để thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Bên cạnh đó, loại tài sản đảm bảo này có thể dùng để bảo đảm cho các khoản vay, khoản phát hành trái phiếu khác của doanh nghiệp, do đó nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các rủi ro trước khi tham gia.
Cũng từ đầu năm, nhóm ngân hàng đã phát hành tổng cộng 169.600 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 71% là trái phiếu có kỳ hạn ngắn 2-4 tháng để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Ngoài ra, thị trường cũng có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Vingroup (500 triệu USD); Công ty CP Bất động sản BIM (200 triệu USD) và Tập đoàn Novaland (300 triệu USD) và Công ty Vinpearl (425 triệu USD).
Siết vốn đổ vào bất động sản, giá nhà sẽ tăng hay giảm?
Việc Ngân hàng Nhà nước ‘siết’ ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp khi bất động sản đang là ngành phát hành mạnh nhất, liệu giá nhà đất có tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới?
Theo zingnews.vn