Bùng nổ đầu tư chứng khoán cá nhân, cẩn thận quay đầu "đạp" nhau tháo chạy
Bất chấp dịch bệnh, năm 2020 TTCK Việt Nam ghi nhận số lượng rất lớn nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia thị trường đã "đổ" lượng tiền lớn vào giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên đây có phải là dấu hiệu bền vững trên TTCK không?
Chứng khoán đang trở lại thời kỳ hoàng kim như giai đoạn 2006-2007 khi Vn-Index đang lăm le vượt đỉnh 1.200 điểm hơn 10 năm trước. Thanh khoản cũng liên tục xác lập kỷ lục mới với hơn 20.000 tỷ đồng trong một phiên, tương đương gần 1 tỷ USD.
Có thể nói, chưa bao giờ có một lượng tiền lớn như vậy được giao dịch trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Đã có những mã cổ phiếu tăng giá gấp 3 lần so với thời điểm tháng 4/2020, thời điểm được coi là "đỉnh" dịch bệnh.
Câu hỏi đặt ra là, liệu doanh nghiệp đã thực sự tốt lên nhanh chóng như vậy để phản ánh vào giá cổ phiếu hay chưa? Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ chứng khoán Việt Nam đột nhiên tăng trở lại và chuẩn bị vượt đỉnh trong 2 tháng gần đây là chủ yếu do F0 (những nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia thị trường).
Theo ông Tống Minh Tuấn, chuyên gia phân tích thị trường, F0 có thể là những “tay mơ” mới gia nhập ngành, họ có thể là nông dân, kĩ sư, ca sĩ,... hay những người làm trong những ngành nghề khác không hề liên quan tới chứng khoán, tài chính… Họ đem lượng tiền mới này vào thị trường và là động lực chính khiến thị trường tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, từ mức chỉ 4.000 – 5.000 tỷ đồng giá trị giao dịch mỗi phiên trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường bùng nổ rất nhiều phiên với thanh khoản vụt tăng lên mức 15.000 – 20.000 tỷ đồng mỗi phiên như hiện nay.
“Theo thống kê gần đây, đã có hàng trăm nghìn tài khoản mới chỉ trong 2 tháng. F0 đúng là động lực chính cho thị trường, nhưng thực sự không chỉ có vậy”, ông Tống Minh Tuấn khẳng định.
Theo phân tích của chuyên gia Tống Minh Tuấn, việc lãi suất ngân hàng ở mức rất thấp cùng sự đa dạng trong đầu tư bị hạn chế cũng là nguyên nhân khiến lượng tiền lớn đang dồn về TTCK.
Cụ thể, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch hoặc những doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh sẽ bị “co rút” lại. Rất nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc phải chuyển đổi hướng đầu tư. Chính sự sắp xếp vô tình này khiến một lượng tiền lớn do mất kênh định hướng đầu tư sẽ xem TTCK là một cứu cánh tạm thời, vừa nhanh vừa nhàn….
“Họ đang cảm giác cầm tiền bây giờ là đánh mất cơ hội, nếu không chuyển thành một dạng tài sản nào đó. Và thế là sức hấp dẫn từ TTCK trở nên không cưỡng được. Trong một mặt bằng lãi suất đang rất thấp và các ngân hàng khá hào phóng trong việc cho vay đầu tư chứng khoán, một đồng mới sẽ được nhân lên cỡ gấp đôi theo hệ số cho vay margin từ các công ty chứng khoán.
Tiền cơ sở mới từ F0 lại được khuếch đại khủng khiếp khiến thanh khoản bùng nổ chưa từng có. Như vậy có thể thấy, tình trạng tiền rẻ và thiếu kênh đầu tư là 2 yếu tố chính khiến TTCK bùng nổ như hiện nay”, ông Tuấn phân tích.
Nói một cách khác, trong một môi trường đầu tư được sắp xếp lại do ảnh hưởng của mùa dịch, chính các F0 đã đầu tư và làm sống dậy các “Big boy” trên TTCK. Theo ví von của ông Tống Minh Tuấn, thay vì tự đầu tư, rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tập hợp lại, và hướng dòng tiền của mình vào thị trường, làm cho thị trường tưởng như khô cạn này bỗng dưng như cá gặp được nguồn nước ngọt mát lành, cá lớn và cá bé bỗng dưng được bơi tung tăng và khỏe khoắn trở lại.
Chuyên gia chứng khoán Tống Minh Tuấn: F0 có thể là những “tay mơ” mới gia nhập ngành, họ có thể là nông dân, kĩ sư, ca sĩ,... đem lượng tiền mới này vào thị trường và là động lực chính khiến thị trường tăng trưởng mạnh. |
“Rất nhiều “big boy” đang niêm yết trên TTCK cũng như các con "cá lớn", họ đang vô cùng khó khăn trước mùa dịch, phải xoay dòng tiền từng phiên trong năm nay, bỗng dưng cổ phiếu được tăng vài lần trong năm. Giá trị vốn hóa tăng dẫn đến giá trị cầm cố để vay ngân hàng cũng sẽ tăng, các “Big boy” có cổ phiếu niêm yết trên TTCK đã trở nên dễ thở hơn và khiến họ có thêm dư địa để nhanh chóng tái cấu trúc lại sản xuất để tồn tại và sống lại khỏe khoắn hơn”, ông Tuấn nói.
Diễn biến trên cho thấy, rõ ràng chức năng huy động vốn của TTCK được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết sẽ cảm thấy mình vượt qua mùa dịch dễ dàng hơn nhiều so với các doanh nghiệp không có cổ phiếu niêm yết.
Các doanh nghiệp có kế hoạch phát hành thêm hoặc tăng vốn hay lên sàn trong thời điểm này sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn và cũng có nhiều động lực hơn.
Như vậy, nhìn tổng thể nền kinh tế, rõ ràng dòng tiền đầu tư của xã hội đang được tập trung hóa hơn. Thay vì nhiều cá thể cùng đầu tư với đa dạng ngành nghề, giờ đây một phần lượng tiền bí kênh đầu tư đã chuyển giao thêm cho “Big boy” để họ đầu tư.
Một số “big boy” trong ngành hàng không, kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng,... đã có thể thoát qua những thời điểm khó khăn do nguồn tiền từ TTCK mang lại cho họ, cả từ việc giá trị cổ phiếu và được cấp vốn từ ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng vẫn cần cảnh giác khi cổ phiếu được đánh giá quá cao so với ngay cả chính tiềm năng của chúng trong tương lai, các nhà đầu tư nên quan sát kĩ dấu hiệu này. Ngoài ra, về mặt kĩ thuật đỉnh cũ 1.200 điểm cũng là một ngưỡng cản khá lớn.
“Cái dự đoán được chỉ có thể là những sự kiện diễn ra theo luật số lớn và cấu trúc một sự tăng giảm mà thôi. Tuy nhiên, có thể cảm nhận được bong bóng khá lớn đang hình thành trong TTCK. Khi downtrend sắp bắt đầu, chúng ta có thể dự đoán khá chắc chắn một vài “big boy” tài chính là các quỹ và nhà đầu tư lớn chuyên nghiệp là người hành động trước. Tuy nhiên sẽ không tránh khỏi một vài phiên thị trường giảm 5-7% khi các F0 quay đầu đạp nhau chạy”, Chuyên gia Tống Minh Tuấn cảnh báo.
Nguyễn Tuân (ghi)
Nóng "bỏng tay" 2,5 tỷ USD đổ lên sàn "mua là thắng", động thái cực lạ từ các công ty chứng khoán
Những phiên giao dịch với khối lượng cổ phiếu và giá trị giao dịch đạt kỷ lục diễn ra liên tiếp. Chỉ trong 3 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021, đã có 56.609,58 tỷ đồng đổ vào thị trường chứng khoán, tương đương gần 2,5 tỷ USD.