Thị trường nhân sự 2013: Việc vẫn chờ người giỏi
Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Mạng cộng đồng các nhà quản lý www.anphabe.com |
Nhiều dấu hiệu lạc quan
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, trong năm 2013, Bộ đề ra kế hoạch tạo việc làm cho 1,6 triệu người, cao hơn chỉ tiêu năm 2012 là 1,4 triệu người. Riêng tại TP.HCM, nơi thu hút lượng lao động cao nhất nước, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng dự báo năm 2013 thành phố cần khoảng 270.000 chỗ làm việc, trong đó 140.000 chỗ làm việc mới.
Một khảo sát khác của Towers Watson (Tổ chức Chuyên tư vấn về lương của Mỹ tại Việt Nam) cho thấy, trong năm 2013 sẽ có 68% doanh nghiệp quyết định tuyển dụng thêm nhân viên, 29% doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới và chỉ có 3% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự. Ở phân khúc cao, ghi nhận tại Cổng thông tin các công ty Săn đầu người Anphabe Top Headhunt cũng cho thấy có đến hàng trăm việc làm dành cho giới nhân sự cao cấp, trong đó, không hiếm những việc làm có mức lương trên 5.000 USD/tháng.
Thực tế trên cho thấy, so với các năm trước, nhu cầu tuyển dụng sẽ không cao bằng nhưng tình hình cũng không quá bi quan. Nhận định về thị trường nhân sự trong năm nay, bà Nga Vương, Giám đốc Công ty tuyển dụng cấp cao RGF cho biết, nhu cầu nhân sự năm nay có khả năng giảm so với các năm 2011 – 2012, vì tình hình kinh tế thế giới và Châu Âu có nhiều biến động theo chiều hướng xấu và khó có thể phục hồi cho đến hết năm 2014. Tuyển dụng nhân sự mới sẽ rất ít và phần lớn sẽ là thay thế. Các tập đoàn đa quốc gia sẽ thay nhân sự nước ngoài bằng nhân sự trong nước để giảm chi phí. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng của những công ty Việt Nam có vẻ khả quan hơn vì trong thời kỳ khó khăn, các công ty trong nước cần phải có những nhân sự chất lượng cao để chèo lái doanh nghiệp.
Cung, cầu khó gặp nhau
Tuy nhu cầu việc làm không thiếu nhưng người lao động khó kiếm việc, ngược lại, doanh nghiệp cũng khó tìm được người. Nhiều doanh nghiệp hiện có nhu cầu tuyển dụng rất cao, nhưng do năng lực tài chính còn hạn chế, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng thêm áp lực cắt giảm chi phí nên mức lương chi trả cho người lao động còn rất thấp. Ở phân khúc lao động phổ thông, có doanh nghiệp chỉ trả mức lương từ 2 triệu – 2,5 triệu đồng/tháng, không đủ để đảm bảo chi phí sinh hoạt tối thiểu nên người lao động cũng không mặn mà. Ngược lại, với những công việc, vị trí mà mức lương chấp nhận được hoặc cao thì tay nghề của người lao động lại không đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra.
Bà Nguyễn Kiều Linh, Tổng Giám đốc Công ty Manpower Việt Nam |
Trong khi đó, ở phân khúc cấp cao, bà Nguyễn Kiều Linh, Tổng Giám đốc Công ty Manpower Việt Nam, thuộc tập đoàn cung cấp các giải pháp nhân lực hàng đầu thế giới ManpowerGroup cũng thừa nhận, năm 2012 đã chứng kiến quá trình nhảy việc liên tục của giới nhân sự cấp cao và tình hình này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay. Bà Linh lý giải: “Tình trạng này là do chứng kiến quá trình cắt giảm nhân sự của công ty, nhiều người băn khoăn không biết mình có nằm trong danh sách giảm biên chế hay không nên tốt nhất nên tự chủ động xin nghỉ việc để không mang tiếng là bị cho thôi việc. Hoặc đó còn là mối hoài nghi về đường hướng phát triển của công ty, không ít người cho rằng công ty mình khó có thể trụ nổi trong tình hình kinh tế khó khăn nên không muốn ở lại. Điều này vô hình trung đã đẩy doanh nghiệp vào chỗ mất người tài.”
Để tránh tổn thất nhân lực, nhất là nhân lực cấp cao, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Mạng cộng đồng các nhà quản lý www.anphabe.com, đơn vị chủ quản Cổng thông tin các công ty săn đầu người Anphabe Top Headhunt, cho rằng doanh nghiệp nên xây dựng chiến lược truyền thông nội bộ rõ ràng để xóa tan mối nghi ngờ và khéo léo nhằm tăng sự gắn bó của người tài với doanh nghiệp. “Với những doanh nghiệp đang chiêu mộ nhân tài, cần phát đi tín hiệu để họ hiểu rằng, thoạt đầu doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự để tinh gọn bộ máy nhằm đối phó với hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng thêm nhân sự mới phục vụ cho định hướng phát triển mới, và đó phải là những người thật sự có năng lực vượt trội để đảm bảo mục tiêu kinh doanh. Do đó, dù kinh tế khó khăn việc vẫn chờ người giỏi để giúp doanh nghiệp sớm vượt qua cơn bão khủng hoảng.”, chị Thanh Nguyễn khẳng định.