Thi THPT QG môn Công dân: Đề thi "hại não", đáp án cần nhờ... luật sư!
Cho đến thời điểm hiện tại, thí sinh đã làm xong bài thi các môn thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi và đáp án các môn thi THPT quốc gia. Năm nay, trừ môn Văn tất cả các môn còn lại đều thi dưới hình thức trắc nghiệm.
Tuy nhiên, ngay sau khi đề thi được công bố, dư luận rất băn khoăn vì những câu hỏi mơ hồ, thiếu thông tin để thí sinh chọn được đáp án chính xác.
Cụ thể, sau đây là 2 câu hỏi trong đề thi Giáo dục Công dân kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, đáp án mà Bộ GD&ĐT đưa ra chưa thỏa đáng khiến dư luận tranh cãi.
Câu hỏi số 115 mã đề 305: "Phát hiện anh C tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về chị T nên chị B kể lại việc này với chị T. Sau khi yêu cầu anh C gỡ bỏ thông tin sai lệch về mình mà không được, chị T rất bực mình. Thương bạn, chị B đã tung tin cả nhà anh C bị nhiễm HIV khiến gia đình anh C bị kỳ thị còn anh C bị trầm cảm. Chị B đã vi phạm pháp luật nào dưới đây:
A. Dân sự
B. Hình sự
C. Hành chính
D. Kỷ luật
Đáp án của Bộ GD&ĐT là C: Hành chính.
Câu 119 mã đề 301: Chị T nhặt được công văn mật do giám đốc B làm rơi trên đường về nhà nên mở ra xem rồi nhờ anh P in sao để đăng tải lên mạng xã hội. Nội dung này được anh K chia sẻ trên trang tin cá nhân. Những ai dưới đây đã vi phạm quyền được bảo đảm an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín?
A. Chị T và anh P.
B. Giám đốc B, chị T và anh P.
C. Giám đốc B, chị T, anh P và anh K.
D. Giám đốc B và chị T.
Đáp án của Bộ GD&ĐT là: B: Giám đốc B, chị T và anh P.
Liên quan đến 2 câu hỏi bị cho là nội dung mơ hồ, thiếu thông tin để chọn đáp án đúng, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh.
Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho hay: “Với câu hỏi số 115 mã đề 305 nhân vật B được nhắc đến có thể vi phạm pháp luật trong cả lĩnh vực hình sự, dân sự hoặc hành chính.
Về hình sự, B có dấu hiệu của hành vi "Vu khống" theo quy định tại Điều 122 Bộ luật hình sự. Điều luật quy định như sau:
"Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm."
Trên thực tế rõ ràng nhân vật B đã địa đặt, loan truyền thông tin cả nhà anh C bị nhiễm HIV là thông tin sai sự thật khiến hậu quả là gia đình anh C bị kỳ thị còn anh C bị trầm cảm.
Tuy nhiên để có thể xử lý hình sự chị B thì anh C hoặc người nào trong gia đình anh C phải có đơn yêu cầu cơ quan chức năng vì tội danh này được khởi tố theo yêu cầu của bị hại, nếu không có yêu cầu thì không xử lý khi hành vi của chị B được xác định ở khoản 1.
Về dân sự, nếu gia đình anh C không có yêu cầu pháp luật xử lý hình sự chị B thì trong trường hợp gia đình anh C muốn chị B phải bồi thường những tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, gia đình anh C có thể khởi kiện chị B ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chị B bồi thường.
Về hành chính, việc làm của chị B có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cụ thể như sau: "Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng: 3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: l) Viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân;"
Tóm lại, đáp án trong câu hỏi này có thể là A, B và C.
Với câu hỏi số 119 mã đề 301 Văn bản mật là văn bản được quy định cụ thể trong Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và được Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục mật trong từng lĩnh vực.
Điều 3 Pháp lệnh quy định: ”Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật Nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch Nhà nước.
Việc tiếp xúc, bảo quản, cung cấp và xử lý bí mật Nhà nước phải thực hiện theo quy định của Chính phủ."
Nếu văn bản do Giám đốc B làm rơi thuộc danh mục tài liệu mật thì cần phải xem xét xem Giám đốc B có quyền được tiếp xúc, vận chuyển văn bản đó ra ngoài nơi bảo quản tài liệu mật hay không.
Có hai trường hợp xảy ra trong câu hỏi này:
Giả sử Giám đốc B không có quyền, đáp án là "Giám đốc B, chị T, anh P và anh K" (C).
Giả sử Giám đốc B có quyền, đáp án là: "Chị T, anh P và anh K" (không có trong phần gợi ý lựa chọn)
Như vậy có thể thấy, cả hai câu hỏi môn Công dân kỳ thi THPT quốc gia đều mơ hồ, thiếu thông tin rõ ràng, khiến thí sinh khó có thể lựa chọn được đáp án chính xác”.