Thí sinh đeo khẩu trang thi tốt nghiệp THPT có dễ gian lận?
Còn vài ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 chính thức diễn ra. Trong bối cảnh dịch bệnh, có tỉnh yêu cầu thí sinh đeo khẩu trang trong phòng thi. Vậy Bộ GD&ĐT làm gì để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi này?
Một số ý kiến cho rằng, nếu thí sinh buộc phải đeo khẩu trang trong phòng thi thì cần có hướng dẫn cụ thể để phòng ngừa việc gian lận thi cử có thể nảy sinh. Bởi vì việc đeo khẩu trang sẽ khiến việc nhận dạng thí sinh bị hạn chế hơn, khó kiểm soát những dấu hiệu bất thường trên khuôn mặt của thí sinh ví dụ như việc thí sinh trao đổi bài hoặc sử dụng thiết bị hỗ trợ gian lận... Lo lắng này thực sự có cơ sở bởi vài năm gần đây thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử ngày càng tinh vi và được rao bán công khai.
Ảnh minh họa |
Liên quan đến vấn đề trên, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Về mặt kỹ thuật tổ chức thì kỳ thi không có thay đổi gì so với quy chế hiện hành. Chỉ khác là việc chúng ta tổ chức cho các em thuộc nhóm F1 và F2 thi một phòng thi mới, ở điểm thi mới.
Như vậy, cần phải tuân thủ giãn cách về chỗ ngồi trong phòng thi theo khuyến cáo của ngành y tế để bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Khi có số lượng cụ thể về phòng thi, điểm thi này thì Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Hội đồng thi in số lượng đề thi tương thích. Sau đó tiến hành các công tác coi thi, phát đề thi theo như các hội đồng thi khác đảm bảo an toàn, nghiêm túc của kỳ thi.
“Dù tổ chức trong bất cứ điều kiện nào thì kỳ thi cũng phải được diễn ra bảo đảm đúng quy chế, nghiêm túc, tuyệt đối không xảy ra gian lận thi cử”, ông Trinh nhấn mạnh.
Về vấn đề có hay không nên cho thí sinh đeo khẩu trang trong quá trình làm bài, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết : Bộ GD-ĐT sẽ trao đổi thêm với Ban Chỉ đạo thi các tỉnh để đảm bảo sự phù hợp với thực tiễn và tính khả thi trong quá trình áp dụng.
Ông Độ cũng cho biết với các thí sinh và giám thị bắt buộc phải đeo khẩu trang trong phòng thi, Bộ GD-ĐT sẽ tham khảo ý kiến của ngành y tế, an ninh… để có những lưu ý cụ thể, giúp phòng ngừa tối đa việc lợi dụng đeo khẩu trang để gian lận trong thi cử.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều ý kiến cho rằng nên xét đặc cách tốt nghiệp cho toàn bộ thí sinh. Theo đó, bằng tốt nghiệp sẽ xếp loại theo học lực 12. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Có thể nói trong thời gian qua, chúng ta đã có những dự báo về dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có phương án dự phòng.
Đến giờ phút này, có thể nói các Hội đồng thi của 63 tỉnh, thành phố không bất ngờ trước tình hình hiện tại. Hiện giờ, các địa phương chủ động nắm bắt tình hình nắm rõ số lượng và sáng lọc phân nhóm được học sinh theo các nhóm F0, F1, F2 và các đối tượng khác.
Căn cứ vào số lượng cụ thể như vậy, các địa phương sẽ liên hệ ngay với Bộ GD-ĐT để chúng ta sẽ thiết lập các phòng thi, điểm thi cho các đối tượng F1, F2 như đã nói ở trên. Đồng thời các khâu kỹ thuật khác sẽ được kết nối như việc in sao đề thi sắp xếp cán bộ coi thi, cán bộ làm công tác tại các điểm thi…sẽ được tổ chức theo đúng quy định của quy chế. Tôi cho rằng nếu chủ động như vậy thì mọi việc vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta”.
Ông Mai Văn Trinh cũng đề nghị phụ huynh, học sinh, các thầy cô giáo, cán bộ được phân công tham gia kỳ thi này có tinh thần sẵn sàng, bình tĩnh nhưng không chủ quan để chúng ta tiến hành tốt kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hoàng Thanh