Thí điểm tràn lan và không có điểm dừng như mô hình VNEN là phản khoa học?
Chính sự dũng cảm của vị Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thổi bùng lên sự nghi ngờ của người dân về chương trình “thí điểm” mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) vốn đã nhen nhóm suốt thời gian qua.
Nhiều người cho rằng mô hình VNEN này đang để lại nhiều hậu quả, gây bức xúc cho nhiều phụ huynh ở các địa phương trong thời gian qua.
Lớp học theo mô hình VNEN |
Chia sẻ về những bất cập của mô hình trường học mới thầy Trần Quang Đại – giáo viên về hưu trường THPT Trần Phú (Hà Tĩnh) cho hay: “Từ hoạt động nghề nghiệp, tôi nhận thấy việc triển khai mô hình trường học mới của Bộ GD&ĐT có nhiều bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, kết quả học tập của các thế hệ học sinh đang theo học mô hình này.
VNEN được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ 84,6 triệu USD và triển khai tại 1.447 trường tiểu học từ năm học 2012 – 2013 đến 2016. VNEN có nguồn gốc Colombia từ những năm 1995 - 2000 để dạy học những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy HS (học sinh) làm trung tâm.
Cơ sở lý thuyết của mô hình này là “Thuyết kiến tạo”, “mỗi học sinh tự hoạt động làm ra sản phẩm học tập bằng cách vận dụng kiến thức đã có để giải quyết tình huống mới nảy sinh và sắp xếp kiến thức mới nhận được vào cấu trúc các kiến thức hiện có của mình, lúc đó kiến thức mới được gia tăng, đồng thời có giá trị ứng dụng thực tiễn”.
Với nguyên lý, lý thuyết hiện đại và hấp dẫn như vậy nhưng khi đi vào thực tiễn giáo dục Việt Nam, VNEN không đạt được như kỳ vọng, thậm chí trở thành nỗi sợ hãi của hàng nghìn, hàng vạn phụ huynh.
Theo tôi được biết, trước đó, tại trường tiểu học Hưng Dũng 1 (TP. Vinh, Nghệ An) đã có nhiều phụ huynh phản đối, đòi bỏ VNEN. Tại Hà Tĩnh và nhiều địa phương, nhiều phụ huynh tìm cách xin chuyển trường cho con để tránh VNEN.
Và vừa qua tại Hà Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu… cũng có kết cục tương tự. Có thể thấy VNEN nhận được sự phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh. Không nói đến các yếu tố thứ yếu như phòng học chật, tư thế ngồi không hợp lý, rồi sách đắt, đóng góp tốn kém… nguyên nhân chủ yếu phụ huynh phản đối VNEN là “con học ngày càng đuối”, “không biết gì”, “ngày càng dốt”…
Tôi rất mong muốn Bộ GD&ĐT ra văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình lấy ý kiến phụ huynh, học sinh, giáo viên, bảo đảm chính xác, dân chủ (về nguyện vọng học hay không học VNEN), tuyệt đối không được ép buộc các em học VNEN; chuyển sang chương trình hiện hành đối với những em không có nguyện vọng học VNEN”.
Thầy Trần Quang Đại chia sẻ thêm: “Con tôi học VNEN, tôi kèm cặp, kiểm tra thường xuyên; ra một bài toán cộng trừ có nhớ bình thường, cháu không thể làm được; viết văn cũng không nên chữ, nên câu.
Cho nên tôi phải cho con đi học thêm, rất tốn kém và mệt mỏi. Chưa nói là đi học thêm ở tiểu học là trái phép, phải học “chui”. Phụ huynh cho biết những em giỏi thì ngày càng giỏi, vượt trội; còn những em trung bình và yếu thì ngày càng “mất gốc”.
Đó là chưa kể đội ngũ giáo viên đều là sản phẩm của nền giáo dục truyền thống và được đào tạo để giảng dạy theo phương pháp truyền thống (hiện hành) với mô hình lớp – bảng, SGK, giáo án, bài tập, kiểm tra, đánh giá…
Trong khi đó, VNEN là một mô hình dạy học hoàn toàn khác, không còn bục giảng, bảng đen, không còn SGK (thay vào đó là sách hướng dẫn tự học), giáo viên không phải soạn giáo án, không ra bài tập về nhà, không phải chấm bài (thay bằng nhận xét).
Còn học sinh không ngồi theo hàng hướng lên bảng mà ngồi thành vòng tròn, thảo luận nhóm để tự học…Trong khi đó, để dạy VNEN, GV chỉ được tham dự một số buổi tập huấn theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” rồi về tự mày mò”.
Được biết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH gửi chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về triển khai VNEN. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận nhiều bất cập của VNEN: “Việc áp dụng mô hình trường học mới chưa thực sự phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương”, “máy móc”; “nóng vội”, “chưa đạt được hiệu quả mong muốn”, “gây ra những băn khoăn trong dư luận”. Từ đó, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án triển khai VNEN trong năm học 2016 - 2017: Khuyến khích các trường triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của nó để đổi mới phương pháp.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không hướng dẫn cụ thể các địa phương quy trình, biện pháp thực hiện nguyên tắc “triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện”. Do đó, các địa phương không tổ chức lấy ý kiến phụ huynh, học sinh, tiếp tục triển khai VNEN, mặc dù không được phụ huynh, học sinh đồng ý.
Nhiều lá đơn kêu cứu trong vô vọng, nhiều giọt nước mắt bất lực của phụ huynh xin chuyển trường cho con hoặc chuyển khỏi lớp học VNEN cho con nhưng không được giải quyết. Các địa phương, vì sự chỉ đạo “nửa vời” của Bộ GD&ĐT, vẫn cố níu kéo việc triển khai VNEN.
“Việc áp dụng mô hình VNEN có nguy cơ ảnh hưởng chất lượng, kết quả học tập của các thế hệ học sinh, chủ nhân tương lai của đất nước. Một chương trình giáo dục “thí điểm”, “thử nghiệm” nhưng lại được triển khai tràn lan, áp đặt và không có điểm dừng như VNEN là phản khoa học”, thầy Trần Quang Đại cho biết.