Thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba tại Cộng hòa Séc ngày càng hội nhập
Các bạn trẻ tham dựLễ hội Banan Festival 2018 |
Lễ hội Banan Festival 2018 (Hội Trẻ Chuối) do Viet Up (gồm các bạn trẻ người Việt) vừa tổ chức tại thủ đô Praha đã khẳng định điều này. Dù mới diễn ra được 3 năm, nhưng hoạt động của "Banan Festival" đã không còn xa lạ đối với phần đông người Việt Nam sinh sống tại Cộng hòa Séc, nhất là giới trẻ vì nó thể hiện cho nỗ lực hòa nhập của người Việt Nam.
Nếu như thế hệ thứ nhất, những người được cử sang học tập và lao động, còn sống khiêm tốn và trầm lặng, các thế hệ người Việt hiện nay đã cởi mở hơn và trên thực tế họ đang hòa nhập mạnh mẽ vào cuộc sống, góp phần cùng người dân sở tại phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với những người chưa hoàn toàn thích nghi với lối sống, môi trường văn hóa để tự khẳng định mình, hoặc nhiều người Séc chưa biết về thế hệ trẻ người Việt, Banan Festival 2018 chính là nơi kết nối để người Việt và người dân sở tại có cơ hội hiểu nhau hơn khi cùng sinh hoạt dưới một mái nhà chung.
Đến với Banan Festival 2018, thanh niên Việt và Séc có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau, khám phá ngành nghề và các loại hình dịch vụ giới trẻ Việt Nam đang theo đuổi tại Séc; xem triển lãm ảnh về quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Séc; trực tiếp tham gia trò chơi tìm hiểu phong tục, văn hóa, nghệ thuật ẩm thực và du lịch Việt Nam; cùng thưởng thức nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam.
Nguyễn Mạnh Tùng - một thành viên của Tổ chức Viet Up cho biết, việc tổ chức Banan Festival nhằm mục đích tạo cơ hội cho giới trẻ Việt Nam và Séc giao lưu, tìm tiếng nói chung trong cuộc sống.
Thông qua lễ hội này, người Séc và người nước ngoài sống tại Praha hiểu hơn về thế hệ người Việt thứ hai, hiểu hơn về công việc, sự hội nhập và văn hóa Việt Nam, qua đó giúp họ mở lòng hơn với người Việt.
Trong khi đó, theo chị Kristyna Nemcova , các bạn trẻ ngày nay đã có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nhiều so với thế hệ trước; tham gia nhiều ngành nghề, dịch vụ khác nhau trong xã hội và điều đó chứng tỏ các bạn trẻ đang có chỗ đứng nhất định và đóng góp cho xã hội Séc.
Vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, thế hệ trẻ người Việt tại Séc ngày càng tự tin khẳng định mình trong quá trình hòa nhập và đóng góp công sức, trí tuệ vào phát triển kinh tế xã hội nước sở tại. Những nỗ lực đó đã và đang được chính người dân Séc ghi nhận.
Theo điều tra dân số năm 2001, số người có quốc tịch Việt Nam tại Cộng hòa Séc là 18.200. Con số này đã tăng lên thành 53.110 vào năm 2011, trở thành số người ngoại quốc đứng thứ ba tại nước này, chỉ sau Ukraina và Slovakia.
Cộng đồng người gốc Á lớn nhất tại Cộng hòa Séc là người Việt Nam. Người Việt Nam đến Tiệp Khắc lần đầu vào năm 1956 để du học theo thỏa thuận về giáo dục giữa hai chính phủ cộng sản lúc bấy giờ. Số người Việt Nam nhập cư vào Cộng hòa Séc tăng nhanh cho đến khi chế độ xã hội chủ nghĩa tại nước này sụp đổ vào năm 1989. Thế hệ đầu tiên của người Việt Nam tại đây chủ yếu kinh doanh trong những cửa hàng nhỏ, còn thế hệ người Việt tiếp theo sinh ra tại Séc nổi tiếng với thành tích học tập rất tốt.
Năm 2013, chính phủ Séc đã mở rộng Hội đồng Dân tộc Thiểu số Quốc gia, bổ sung thêm đại diện của cộng đồng người Việt. Với quy chế là một dân tộc thiểu số, cộng đồng người Việt tại Séc sẽ có điều kiện và được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách để phát triển về văn hóa, truyền thống và đặc biệt là ngôn ngữ của dân tộc mình. Tại các địa phương có nhiều người Việt Nam sinh sống, trẻ em có thể được học kiến thức bằng tiếng Việt. Quy chế này cũng đảm bảo cho người Việt Nam quyền sử dụng tiếng Việt tại công sở cũng như tòa án.