Ukraine huy động cả quân dự bị, khí tài Nga được tăng cường áp sát biên giới Belarus
Nhà lãnh đạo Kiev chỉ đạo huy động lực lượng quân dự bị, trong khi Nga có thêm động thái điều binh sĩ và vũ khí tới gần biên giới Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo ông đã chỉ đạo huy động lực lượng quân dự bị trong giai đoạn đặc biệt, trước mối lo Nga có thể tiến hành cuộc tấn công tổng lực nhằm vào Ukraine.
Căng thẳng ở Ukraine hiện được xem là một trong những cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất ở châu Âu. Tình hình càng trở nên xấu hơn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk” vào tối ngày 21/2.
Nga tăng cường vũ khí và phương tiện tới vùng biên giới Belarus giáp với Ukraine. (Ảnh: Maxar) |
Trước đây, Donetsk và Lugansk là hai tỉnh thuộc vùng Donbass ở đông nam Ukraine, nơi có đông người Nga sinh sống, đã tuyên bố quyền tự trị sau khi tách khỏi Ukraine vào năm 2014.
Ukraine cáo buộc Nga phá vỡ các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt 8 năm giao tranh ở miền đông Ukraine. Kiev cũng một mực phớt lờ yêu cầu của Moscow về việc không gia nhập NATO.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 22/2, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh ông vẫn theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện thời, và hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán đa phương. Song Ukraine khẳng định sẽ không nhường bất cứ phần lãnh thổ nào cho Nga.
“Ngày hôm nay chưa cần tới công tác tổng động viên nhưng chúng ta cần nhanh chóng bổ sung cho quân đội Ukraine và các lực lượng khác. Với tư cách Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, tôi ban hành sắc lệnh huy động quân dự bị trong giai đoạn đặc biệt. Chúng ta cần tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu cho quân đội Ukraine để ứng phó trước mọi biến động trong hoạt động”, Reuters dẫn lời ông Zelensky.
Đáng nói, Tổng thống Zelensky còn công khai chỉ trích đại sứ quán nước ngoài và doanh nhân Ukraine rời khỏi quốc gia này với lý do lo ngại an ninh. Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi các công ty vẫn hoạt động như bình thường.
“Tất cả họ đáng lẽ phải ở lại Ukraine. Các doanh nghiệp đang nằm trên lãnh thổ Ukraine và được quân đội Ukraine bảo vệ”, ông Zelensky nhấn mạnh.
Thời gian qua, Ukraine và các nước phương Tây nhiều lần cáo buộc Nga xúi giục giao tranh leo thang ở miền đông Ukraine, cũng như điều động binh sĩ và vũ khí hạng nặng tới hỗ trợ các tay súng ly khai kể từ năm 2014.
Về phần mình, Mocsow phủ nhận những cáo buộc trên, và yêu cầu chính quyền Kiev tổ chức đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo ly khai để hạ nhiệt căng thẳng.
Đáng nói, hôm 22/2, Thượng viện Nga, Hội đồng Liên bang đã bỏ phiếu nhất trí ủy quyền cho Tổng thống Putin sử dụng lực lượng quân sự bên ngoài lãnh thổ quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc chính thức hóa hoạt động triển khai quân sự của Nga tới các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine.
Cho tới nay, điện Kremlin chưa xác nhận bất kỳ hoạt động triển khai quân tới khu vực đông Ukraine. Song một số nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng quân đội Nga đã có mặt trong khu vực do quân ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine ngay sau khi Tổng thống Putin công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”.
Cận cảnh thiết bị quân sự Nga được điều động thêm tới gần biên giới Ukraine. (Ảnh: Maxar) |
Trong khi đó, những bức ảnh vệ tinh mới được công ty Maxar công bố hôm 22/2 cũng cho thấy trong vòng 24 giờ nhiều binh sĩ và khí tài đã được Nga huy động thêm tới phía tây nước này, cùng hơn 100 phương tiện quân sự được phát hiện có mặt ở một sân bay quy mô nhỏ tại phía nam Belarus giáp biên giới với Ukraine. Maxar đã theo dõi hoạt động di chuyển của quân đội Nga ở gần biên giới Ukraine trong nhiều tuần qua.
Giới chức Mỹ cho rằng 150.000 binh sĩ Nga đang được đặt trong trạng thái sẵn sàng triển khai cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine.
Còn theo những bức ảnh vệ tinh của Maxar, một bệnh viện dã chiến mới được thành lập tại đơn vị đồn trú ở phía tây nước Nga và gần biên giới Ukraine.
Cũng theo Maxar, các xe vận chuyển thiết bị hạng nặng dùng để chở xe tăng, pháo và những thiết bị quy mô lớn khác đang có mặt ở phía tây nước Nga, bên cạnh một số nhóm binh sĩ mới được triển khai.
Cũng trong ngày 22/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi động thái của Moscow là “bước khởi đầu cho cuộc tấn công nhằm vào Ukraine”. Sau khi Nga công nhận nền độc lập của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, nhiều nước phương Tây, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã ra thông báo về lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng đã lên tiếng phủ nhận tác động của những lệnh trừng phạt mới với Nga.
“Các nước châu Âu, Mỹ và Anh sẽ không dừng lại và không bình tĩnh lại cho tới khi họ hết khả năng đưa ra cái gọi là lệnh trừng phạt chống lại Nga”, ông Lavrov nói.
Một trong những biện pháp mạnh tay nhất chống lại Nga là từ phía Đức, sau khi Berlin tuyên bố cho dừng đường ống dẫn nguyên liệu Nord Stream 2 trị giá 11 tỉ USD của Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom. Động thái của Đức có khả năng dẫn tới tình trạng giá bán khí đốt ở châu Âu tăng cao.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào nhiều nhân vật cấp cao của Nga và 2 ngân hàng quốc gia Nga. Theo đó, những người Nga bị áp đặt lệnh trừng phạt sẽ không thể thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng Mỹ, không được giao thương với công dân Mỹ, và bị đóng băng tài sản nằm trên lãnh thổ Mỹ. Hiện Mỹ còn đang tìm cách cắt đứt hoạt động tiếp cận của chính phủ Nga đối với hệ thống tài chính phương Tây.
Theo Tổng thống Biden, nhiều lệnh trừng phạt khác cũng đã được chuẩn bị sẵn để thi hành, nếu như Nga tấn công tổng lực vào Ukraine.
Động thái của Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng Ukraine
Sau khi Nga công nhận nền độc lập của 2 khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, Trung Quốc khuyến cáo công dân tích sẵn thực phẩm nhưng chưa yêu cầu rời đi.
Minh Thu (lược dịch)