Tướng CIA nói về những hậu quả có thể xảy ra khi Mỹ rút khỏi Afghanistan
Tướng David Petraeus, cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) mới đây đã nói về những hậu quả có thể xảy ra khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Cựu lãnh đạo CIA cho biết, do hậu quả của việc rút quân của Mỹ ở Afghanistan, một cuộc nội chiến đẫm máu có thể bắt đầu, Washington có thể ngăn chặn viễn cảnh đó nếu quyết định để lại một phần quân đội ở quốc gia Nam Á này.
“Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta có thể thấy một cuộc nội chiến đẫm máu và tàn bạo như cuộc nội chiến năm 1990. Nếu điều này xảy ra, chúng ta có thể thấy sự trở lại thành trì của tổ chức khủng bố al-Qaeda mặc dù tôi không nghĩ sẽ có thể đe dọa châu Âu trong tương lai gần. Nhưng sẽ dễ dàng hơn cho al-Qaeda để Taliban nắm quyền kiểm soát”, ông Petraeus nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Times của Anh.
Tướng David Petraeus, cựu Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ. (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, ông Petraeus lưu ý rằng theo cách này, Mỹ từ bỏ các giá trị mà họ đã chiến đấu.
“Tất cả những điều như nhân quyền đặc biệt là quyền của phụ nữ, quyền được giáo dục, tự do ngôn luận và báo chí, còn khá lâu mới đạt được ở Afghanistan, nhưng tốt hơn nhiều so với việc Taliban khôi phục chế độ Hồi giáo thời trung cổ”, ông Petraeus nói thêm.
Bên cạnh đó, theo ông Petraeus, nếu Taliban giành được ưu thế ở Afghanistan, thì hàng triệu người tị nạn sẽ hướng đến Pakistan và các quốc gia láng giềng khác. Đồng thời, các quyền tự do của cư dân địa phương đặc biệt là phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng.
“Nếu Mỹ thể hiện quyết tâm và ý chí ở lại, chúng tôi sẽ có một vị thế vững chắc hơn nhiều trong các cuộc đàm phán với Taliban. Nhưng nếu chúng tôi nói với kẻ thù rằng chúng tôi sẽ ra đi. Tôi hơi khó hiểu, tại sao giới chức Mỹ không nghĩ đến khả năng để lại 3.500 quân để ngăn chặn Taliban quay trở lại một nền Hồi giáo cực đoan bảo thủ không đáp ứng lợi ích của bất kỳ ai”, cựu Giám đốc CIA giải thích.
Cựu Giám đốc CIA tin rằng, với sự giúp đỡ của quân đội Mỹ có thể đã ngăn chặn được một “cuộc nội chiến và trong tình huống này cuộc chiến sẽ tiếp tục cũng như sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”.
Từ ngày 1/5 vừa qua, Mỹ đã bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, sau khi Tổng thống Joe Biden ra lệnh tất cả binh sĩ Mỹ rời khỏi nước này trước ngày 11/9.
Theo kế hoạch, khoảng 3.500 binh sĩ Mỹ và 7.000 binh sĩ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút khỏi Afghanistan vào mốc thời gian trên.
Các lực lượng liên minh được cho là đã chuyển giao gần hết 9 căn cứu quân sự trên khắp lãnh thổ Afghanistan cho lực lượng nước sở tại. Mỹ và NATO sẽ duy trì binh sĩ tại một căn cứ ở Kabul trước khi toàn bộ lực lượng nước ngoài rời khỏi nước này, song không rõ số lượng cụ thể.
Quân đội Mỹ rút quân trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa các lực lượng chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban vẫn tiếp diễn trên cả nước. Taliban gần đây đã tăng cường các hành động chống lại chính phủ Afghanistan ở Kabul và được cho là đã nắm quyền kiểm soát hơn 80% đất nước Nam Á này.
Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ và đồng minh lật đổ chính quyền Taliban cầm quyền Afghanistan. Đất nước đã luôn chìm trong bạo lực xuyên suốt 2 thập niên qua. Sự hiện diện của lực lượng nước ngoài đã không thể dập tắt Taliban, thậm chí, tổ chức này đến nay đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Tính riêng từ năm 2009 đến 2020, đã có hơn 38.000 dân thường thiệt mạng, hơn 70.000 người bị thương. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, thương vong tiếp tục gia tăng nghiêm trọng trong bối cảnh bạo lực leo thang.
Cháy rừng trong thời tiết nắng nóng lịch sử ở Địa Trung Hải
Nhiệt độ ở Địa Trung Hải lên tới gần 46 độ C, khiến các nước Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ phải chống chọi với cháy rừng trong nhiều ngày.
Thanh Bình (lược dịch)