Tình hình Syria: 3 UAV tấn công căn cứ lớn nhất của Nga ở Syria
Hệ thống phòng thủ của Nga tiêu diệt 3 UAV tấn công căn cứ Hmeymim; Lộ diện công ty Mỹ khai thác dầu mỏ ở Syria là những diễn biến mới của tình hình Syria.
UAV tấn công căn cứ không quân Hmeymim của Nga
Hệ thống phòng không Nga đã đánh chặn thành công ít nhất 3 chiếc máy bay không người lái (UAV) tiến lại gần căn cứ không quân Hmeymim ở Syria vào sáng ngày 10/8.
Theo hãng thông tấn nhà nước Syria (SANA), 3 chiếc UAV này đã được phóng từ khu vực biên giới Latakia – Idlib, phía tây bắc Syria.
Hệ thống phòng thủ của Nga đã tiêu diệt 3 UAV tấn công căn cứ Hmeymim ở Syria. (Ảnh: SANA) |
Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa lên tiếng bình luận về sự việc trên dù truyền thông Syria đồng loạt đưa tin.
Nếu vụ tấn công trên được xác nhận, đây sẽ là lần thứ hai kể từ tháng Bảy, các tay súng phiến quân Syria hoạt động ở vùng tây bắc có ý định tấn công căn cứ không quân Hmeymim của Nga nằm ở thành phố ven biển Jableh.
Lộ diện công ty Mỹ khai thác dầu mỏ ở Syria
Syria cáo buộc Mỹ có hành động đánh cắp nguồn năng lượng dầu mỏ ở quốc gia này, cũng như có hành động thù địch khi tiếp tay cho hoạt động khủng bố bằng một thỏa thuận ký kết với nhóm phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) liên quan tới việc nắm quyền kiểm soát và khai thác dầu mỏ ở Syria.
Theo CNN, tập đoàn Mỹ tham gia ký kết thỏa thuận khai thác dầu mỏ ở Syria với SDF có tên Delta Crescent Energy. Theo đó, Delta Crescent Energy được thành lập để phục vụ mục đích của chính phủ Mỹ nhằm mở rộng khả năng kiểm soát một nửa số mỏ dầu ở Syria và đầu tư vào hoạt động khai thác.
“Chúng tôi đã được cấp phép để tham gia mọi hoạt động liên quan tới phát triển năng lượng, vận chuyển, quảng bá, lọc dầu và khai thác nhằm phát triển và tái phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực”, ông James Cain, cựu đại sứ Mỹ tại Đan Mạch dưới thời Tổng thống George W. Bush và là một trong những nhà đồng sáng lập tập đoàn Delta Crescent Energy cho hay.
Cũng theo CNN, hai nhà đồng sáng lập khác của Delta Crescent Energy có tên James Reese và John Dorrier. Trong đó, ông James Reese là cựu sĩ quan thuộc lực lượng Delta và từng điều hành một công ty an ninh tư nhân. Còn ông John Dorrier là người có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động khai thác dầu mỏ ở Trung Đông.
Nguồn tin từ CNN nhấn mạnh thêm, cả 3 nhà đồng sáng lập Delta Crescent Energy đã thành lập tập đoàn để chuyên phục vụ mục đích thực hiện thỏa thuận khai thác dầu mỏ ở Syria và đã hợp tác chặt chẽ với các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ trong hơn một năm qua.
Hôm 8/8, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố thỏa thuận ký kết giữa công ty năng lượng Mỹ và SDF có thể được miêu tả đơn giản là hành vi tiếp tục vi phạm các quy định luật pháp quốc tế và chủ quyền của Syria.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Mỹ vẫn chưa thỏa mãn với sự hiện diện trái phép của lực lượng quân sự tại nhiều khu vực trên lãnh thổ Syria, mà còn tham gia vào hoạt động đánh cắp và cướp bóc sau đó buôn bán trái phép nguồn tài nguyên dầu mỏ của Syria trong khi đây là tài sản chỉ của riêng người dân Syria.
Dù Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc ra tuyên bố công khai phủ nhận liên quan tới thỏa thuận khai thác dầu mỏ ở Syria với SDF. Nhưng theo CNN, trên thực tế sau cánh gà, Bộ Ngoại giao Mỹ lại chủ động tiến tới ký kết thỏa thuận này.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã lần đầu tiên xác nhận việc một công ty năng lượng Mỹ ký kết thỏa thuận với SDF khi trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham.
Tổng thống Donald Trump hạ lệnh rút quân khỏi Syria vào tháng 10/2019, nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn không hoàn toàn đưa các binh sĩ nước này ra khỏi lãnh thổ Syria. Thay vào đó, một nhóm binh sĩ vẫn ở lại phía bắc Syria, nơi phe phiến quân Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu kiểm soát, với tuyên bố bảo vệ các mỏ khai thác dầu ở khu vực khỏi sự tấn công của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Chính phủ Syria cáo buộc Mỹ dùng chiêu bài bảo vệ để ăn cắp nguồn dầu mỏ của Syria. Trong tuyên bố được hãng tin nhà nước Syria (SANA) công bố hôm 2/8, Bộ Ngoại giao Syria cho hay, một công ty dầu mỏ giấu tên của Mỹ đã ký kết thỏa thuận với SDF. Theo Bộ Ngoại giao Syria, hoạt động trích xuất dầu mỏ của người Kurd là “đánh cắp” và các tay súng SDF là “con rối nằm trong tay Mỹ”. Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh thỏa thuận giữa Mỹ và SDF là “vô hiệu”.
Trước khi bùng nổ nội chiến Syria vào năm 2011, quốc gia này từng sản xuất 387.000 thùng dầu/ngày. Trong đó, 140.000 thùng được xuất khẩu ra nước ngoài bao gồm sang Đức và Italy.
Quân đội Syria tiếp tục tấn công Latakia
Trong tuần này, quân đội Syria tiếp tục triển khai tấn công vào hàng rào phòng thủ của phiến quân ở phía bắc tỉnh Latakia, bất chấp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho quân tăng viện tới vùng Jabal Al-Akrad.
Theo hãng tin AMN, quân đội Syria đã cho phóng tên lửa vào các vị trí hoạt động của phe phiến quân ở vùng Al-Haddadah.
Cụ thể, quân chính phủ Syria đã sử dụng tên lửa nội địa Golan-1000 để bắn phá hàng rào phòng thủ của phiến quân. Các tên lửa Golan-1000 được quân đội Syria dùng trong nhiều trận đánh ở Latakia đã hơn một năm nay.
Còn vào cuối tuần trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thiết lập thêm một chốt quan sát ở phía bắc Latakia, trong bối cảnh căng thẳng giữa quân đội Syria và phiến quân vẫn không ngừng gia tăng.
Bất chấp động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội Syria vẫn không ngừng trút đòn tấn công xuống các nhóm phiến quân còn cố thủ ở khu vực tây bắc.
Tình hình Syria: Tên lửa tấn công căn cứ Mỹ ở Syria, chưa rõ thương vong
Tên lửa tấn công căn cứ Mỹ ở phía đông bắc Syria; Quân chính phủ Syria mới tịch thu số lượng lớn vũ khí bị phiến quân bỏ lại là những diễn biến mới của tình hình Syria.
Minh Thu (lược dịch)