Những ‘điểm nóng’ nhất thế giới của năm 2022
Tạp chí Foreign Policy của Mỹ, mới đây đã đưa ra dự đoán về 10 cuộc xung đột có nhiều khả năng xảy ra nhất trong năm 2022.
Theo các tác giả của tạp chí, số lượng các cuộc chiến lớn nhìn chung đã giảm, “bất chấp thực tế là Tổng thống Nga Vladimir Putin đang răn đe Ukraine”.
“Hiện có nhiều xung đột cục bộ đang bùng phát hơn bao giờ hết, nhưng chúng có xu hướng ít gay gắt hơn. Phần lớn, các cuộc chiến của thế kỷ 21 ít gây chết chóc hơn so với các cuộc chiến trước đó của thế kỷ 20”, Foreign Policy viết.
Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, tình hình ở Ukraine vẫn là một trong những điểm nóng nhất.
Những ‘điểm nóng’ nhất thế giới của năm 2022. (Ảnh: Reuters) |
“Tổng thống Putin đã vạch ra ‘lằn ranh đỏ’ mới trong quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông bác bỏ không chỉ ý tưởng về việc Ukraine gia nhập liên minh, mà còn cả sự hợp tác quân sự ngày càng gia tăng giữa Kiev và các thành viên NATO. Nga đang đề xuất một trật tự châu Âu mới nhằm ngăn chặn sự mở rộng thêm về phía đông của NATO và hạn chế việc triển khai hoạt động quân sự của liên minh này”, Foreign Policy nhận định.
Bên cạnh đó, Foreign Policy cũng chú ý đến cuộc xung đột ở Ethiopia giữa trung tâm liên bang và đại diện của chế độ trước đó - những người nổi dậy từ vùng Tigray. Trong số những điểm có nguy cơ leo thang xung đột khác còn có Afghanistan, Yemen, Haiti và Myanmar.
Đồng thời, các tác giả của tạp chí Mỹ cũng cảnh báo về khả năng gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Israel và Palestine, cũng như trong tam giác Iran-Mỹ-Israel.
Ngoài ra, Foreign Policy đưa ra cảnh báo về các nhóm khủng bố Hồi giáo đang bắt đầu tích cực hoạt động ở châu Phi, bao gồm Boko Haram (Tây Phi) và Harakat al-Shabab (Somalia).
Cách đây 1 năm, các chuyên gia từng cảnh báo, sự kết hợp của đại dịch Covid-19, thời tiết khắc nghiệt và xung đột bạo lực đang gây ra tình trạng mất an ninh lương thực. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) cho biết, thêm 15 triệu người có nguy cơ chết đói so với trước khi đại dịch bắt đầu vào năm 2019.
Tháng 11 vừa qua, WFP đã cảnh báo rằng 45 triệu người ở 43 quốc gia trên thế giới đang đứng trước bờ vực của nạn đói, trong bối cảnh giá lương thực và chi phí vận chuyển tăng cao. Một trong những yếu tố chính góp phần vào sự gia tăng năm nay là thảm họa nhân đạo ở Afghanistan, nơi đang diễn ra cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất thế giới.
Trong khi đó, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến thêm 131 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Ngay cả tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn tài chính do dư chấn chính trị và kinh tế của đại dịch sẽ tiếp tục lan rộng ở nhiều nước trong thời gian tới.
Lạm phát gia tăng ở Mỹ và châu Âu có nguy cơ gây bất ổn thêm cho các nền kinh tế đang phát triển vào thời điểm mà họ cần khôi phục lại tốc độ tăng trưởng đã mất.
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng lãi suất để chống lạm phát, các mô hình trước đây cho thấy dòng vốn sẽ nhanh chóng rời khỏi các nước nghèo để tìm đến nguồn lợi nhuận cao hơn với ít rủi ro hơn ở các nước giàu hơn.
Thanh Bình (lược dịch)
Những khoảnh khắc 'kỳ quặc' nhất trên khắp thế giới năm 2021
Năm 2021 trôi qua với nhiều sự kiện và biến động diễn ra trên toàn cầu.