Binh sĩ Trung - Ấn tiếp tục nổ súng ở biên giới tranh chấp
Giới chức Ấn Độ tiết lộ, binh sĩ Trung - Ấn tiếp tục nổ súng ở khu vực biên giới tranh chấp vào tuần trước.
Chia sẻ với Reuters hôm 16/9, các quan chức Ấn Độ cho hay, kể từ cuối tháng Tám, ít nhất đã xảy ra 3 vụ nổ súng chỉ thiên cảnh cáo ở phía tây dãy núi Himalaya, nơi binh sĩ Trung - Ấn xảy ra đối đầu suốt nhiều tháng qua.
“Cả 3 vụ nổ súng chỉ là bắn cảnh cáo lên trời, rất may binh lính hai bên không nhắm bắn vào nhau”, một quan chức Ấn Độ chia sẻ.
Binh sĩ Trung - Ấn tiếp tục nổ súng ở biên giới tranh chấp ngay trước thời điểm Ngoại trưởng hai nước gặp mặt. (Ảnh minh họa) |
Một trong 3 vụ việc được xác định xảy ra ở bờ phía bắc hồ Pangong Tso ngay trước thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Moscow hôm 10/9.
Theo quan chức Ấn Độ, dù vụ nổ súng bên bờ phía bắc hồ Pangong Tso không được cả phía Trung Quốc và Ấn Độ công bố, nhưng lại là sự việc nghiêm trọng nhất. Dù vị quan chức này không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng tờ Indian Express đưa tin, vụ bắn chỉ thiên này có tới 100 – 200 viên đạn được bắn ra.
Trước đó, giới chức Trung - Ấn cùng lên tiếng thừa nhận, một vụ bắn súng chỉ thiên đã xảy ra vào ngày 7/9 ở phía nam hồ Pangong Tso.
Trước đây, Trung - Ấn từng ký kết một thỏa thuận vào năm 1996 về việc binh sĩ hai nước hoạt động ở khu vực biên giới tranh chấp không được sử dụng súng. Do đó, sự kiện bắn chỉ thiên vào ngày 7/9 đánh dấu lần đầu tiên xảy ra nổ súng ở vùng tranh chấp biên giới giữa Trung - Ấn, kể từ sau vụ việc xảy ra vào năm 1975 khiến 4 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Còn trong cuộc gặp vào ngày 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung - Ấn đã đồng thuận hạ nhiệt căng thẳng. Giới chức Ấn Độ nhận định, sau cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa ông Jaishankar và ông Vương kể từ khi căng thẳng biên giới hai nước xuất hiện từ cuối tháng Năm, tình hình biên giới hiện khá yên tĩnh. Song hiện tại, hai bên vẫn chưa tiến hành rút binh sĩ khỏi biên giới tranh chấp.
Trung - Ấn vẫn chưa thể giải quyết những tranh chấp biên giới ở bang Arunachal Pradesh và bang Ladakh. Dù đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại về vấn đề này, nhưng cho tới nay, tranh chấp chủ quyền biên giới giữa hai nước vẫn là đề tài nóng chưa có cách giải quyết.
Trong những ngày gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ còn liên tục đổ lỗi cho nhau trái phép vượt qua Đường Kiểm soát thực (LAC) nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. LAC có chiều dài 4.057 km là khu vực xảy ra tranh chấp giữa Trung - Ấn trong hàng thập niên qua.
Gần nhất, binh sĩ Trung - Ấn xảy ra đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan, khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Ông D. S. Hooda, cựu chỉ huy quân đội Ấn Độ nhận định bất hòa ngày càng lớn khiến hai bên khó có thể tiến hành đàm phán về việc rút quân khi mà các vụ nổ súng đã xảy ra ở vùng biên giới tranh chấp trong quá trình binh sĩ hai bên đi tuần tra.
“Chúng ta sẽ không thể nói về hòa bình và sự bình yên dọc LAC, mà thay vào đó là bàn tới việc ngăn chặn bùng nổ xung đột”, ông Hooda cho hay.
Trung Quốc thử loạt vũ khí chiếm ưu thế ở biên giới trước Ấn Độ
Nhằm chứng minh khả năng chiếm ưu thế ở vùng biên giới tranh chấp với Ấn Độ, quân đội Trung Quốc đã cho thử nghiệm hàng loạt thiết bị quân sự mới.
Minh Thu (lược dịch)