Thầy giáo Việt gieo chữ trên đất Lào
Đây là năm thứ 5 thầy giáo Dương Văn Phong công tác bên đất nước Triệu Voi, CHDCND Lào anh em, kể từ tháng 9 năm 2014 đến nay. Dù đã từng ăn 5 cái Tết của người Lào, “đọc thông, viết thạo” một số tiếng Lào, thậm chí mọi phong tục thói quen của …người Lào cũng đã “ngấm vào trong máu”, nhưng thẳm sâu trong tâm khảm thầy giáo Phong vẫn là nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương da diết.
“Mỗi độ xuân về, tôi lại nôn nao cảm giác được về quê. Dù năm nào chúng tôi cũng được về nhà ăn Tết, nhưng càng gần Tết cái cảm giác chộn rộn mừng vui lại càng lớn lên. Xốn xang, khó tả lắm”, Phong cười hồn hậu nói.
Lớp học do thầy giáo Phong đảm nhiệm |
Chia sẻ lý do sang Lào nhận công tác, Phong tự hào cho biết “đây là nhiệm vụ Chính trị mà hai Đảng hai nhà nước Việt Nam – Lào đã đề ra, cũng là chủ trương đường lối, sự hợp tác giữa cơ quan Giáo dục hai nước. Đây là cơ hội để góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào, do đó tôi và 31 đồng chí đã xung phong lên đường nhận nhiệm vụ”.
Lúc đó, thầy giáo Phong mới ngoài 30. Anh cùng các đồng nghiệp được phân công phụ trách trên toàn lãnh thổ nước bạn, từ bắc vào nam Lào. Mỗi người phụ trách 1 đơn vị, nên phải độc lập về mọi mặt trong cuộc sống từ ăn, uống, sinh hoạt đặc biệt khi ốm đau. Thời gian đầu, xa gia đình, sống môi trường hoàn toàn khác, từ món ăn cho đến nếp sinh hoạt khiến trong đoàn “ai cũng cảm thấy khó khăn”. Giáo viên – vốn nghề nói, ấy vậy mà sang đây, tiếng Lào không thạo, người bản xứ tiếng Việt cũng không thông, khiến Phong cảm giác “cứ như hai người câm nói chuyện với nhau”.
Học viên là các cán bộ Bộ Thông tin Lào nhận chứng chỉ sơ cấp tiếng Việt |
Thầy giáo Phong được phân công giảng dạy tại trường Hành chính Chính trị Lào. Thêm phần khó khăn, bởi anh phải tự tìm và biên tập tài liệu, giáo trình. “Nhiệm vụ của chúng tôi chủ yếu là giảng dạy Tiếng Việt cho con em người Việt Nam tại Lào, cũng như con em người Lào, đồng thời bồi dưỡng Tiếng Việt cho lực lượng cán bộ các Ban ngành của Chính phủ Lào. Ngoài ra chúng tôi có trách nhiệm truyền bá văn hóa Việt Nam đến với bạn Lào, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại Lào khi khó khăn”, Phong nói.
Tuy nhiên, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất từ phía bạn Lào, Phong cho biết, mọi khó khăn cũng nhanh vượt qua. Giờ này, với Phong đất nước anh em Lào với những người dân nơi cậu ấy công tác trở thành một phần máu thịt, thân quen như ở nhà. Phong bảo, chừng ấy thời gian ở đây là chừng ấy những kỷ niệm được giữ mãi trong tim. Thậm chí không chỉ với vai trò người truyền dạy, Phong còn học được nhiều điều từ cách sống của người dân nơi này.
Thầy giáo Dương Văn Phong (trái ảnh) và học viên |
Đó là việc người Lào ứng xử với nhau vô cùng hòa nhã. “Tôi chưa từng chứng kiến cảnh cãi vã, càng không bao giờ thấy có chuyện ẩu đả ngoài đường. Họ không bao giờ cãi nhau, nói to nơi công cộng. Họ ứng xử khi tham gia giao thông thì văn minh như Singapo, không có cảnh chen lấn, biết nhường nhau, và đặt biệt không nghe thấy còi xe khi ra đường, Có lần tôi cũng đem thắc mắc này hỏi một học viên, họ nói, đèn xe là đôi mắt, nhìn vào là hiểu, sao phải bóp còi”, Phong cười chia sẻ.
Chỉ còn chưa đầy hai tuần là đến Tết, Phong đã chuẩn bị sẵn hành trang trở về quê hương. Dù phải đi ô tô 2 hơn hai ngày trời mới trở về gia đình (Tòng Bạt, Ba Vì, Hà Nội) nhưng Phong bảo “chúng tôi cũng như tất cả những người con Việt Nam, Tết đến đều về nhà đoàn tụ. Nên có xa mấy cũng cố để trở về. Phía bạn Lào và Đại sứ quán cũng ủng hộ, chúng tôi nghỉ theo lịch của viên chức trong nước. Khi về các bạn Lào tặng nhiều quà, chủ yếu là bánh kẹo, cà phê, đặc biệt là gạo nếp Lào - một đặc sản - ngoài ra còn có thịt bò khô… Tất cả đều mang ý nghĩa tinh thần. Sau Tết chúng tôi lại trở lại nước bạn tiếp tục công việc, dù đường xá đi lại rất khó khăn, xa xôi, vất vả nhưng với chúng tôi, đó là niềm vinh dự, là trách nhiệm rất đỗi tự hào”, Phong nói.